Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã tham dự Lễ Khởi động chuỗi Chương trình tư vấn, cung cấp thông tin cho địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam về thị trường xuất nhập khẩu. Ảnh: VGP |
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, Chương trình là một trong các hoạt động xúc tiến thương mại được đổi mới của Bộ Công Thương theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin để các địa phương, hiệp hội và DN chia sẻ thông tin, xác định được hướng đi và biện pháp thâm nhập, phát triển hiệu quả vào các thị trường xuất, nhập khẩu mục tiêu. Từ đó cải thiện nội lực, nâng cao khả năng cạnh tranh cho DN Việt Nam trên thương trường quốc tế, vững vàng “vượt sóng” COVID-19.
Chuỗi chương trình được triển khai liên tục từ ngày 19/11 đến ngày 30/12 với 20 phiên tư vấn theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Mỗi phiên tư vấn diễn ra trong 1 ngày, gồm: Phiên tư vấn toàn thể với các phần tham luận giới thiệu thông tin, chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh xuất-nhập khẩu, phát triển thị trường và các phiên tư vấn chuyên sâu riêng hướng dẫn cho từng nhóm, từng địa phương, hiệp hội, DN cụ thể về các vấn đề cần quan tâm.
Các ngành hàng tư vấn mục tiêu sẽ được tập trung trọng tâm theo từng phiên trên cơ sở tiềm năng phát triển của thị trường và nhu cầu của DN, như nông sản, thủy sản, thực phẩm, hàng gia dụng, tiêu dùng, sản phẩm thủ công mỹ nghệ các loại…
Chương trình sẽ triển khai tư vấn với các thị trường: Ai Cập, Australia, Saudi Arabia, Bắc Âu (Na Uy, Phần Lan, Thuỵ Điển), Bỉ, Bulgaria, Hungary, Indonesia, Israel, Lào, Mỹ, Myanmar, Nam Phi, New Zealand, Nga, Pháp, Singapore, Tây Ban Nha và Trung Quốc.
Đại diện các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các chuyên gia thị trường và chuyên gia trong các lĩnh vực khác sẽ tham gia tư vấn cho các địa phương, hiệp hội, DN nhằm đáp ứng hiệu quả các vấn đề cần tìm hiểu, khuyến nghị và tháo gỡ của các cơ quan, DN tham gia.
Điểm đặc biệt của Chương trình là các đơn vị tham gia sẽ được tạo điều kiện tốt nhất để trao đổi chi tiết những vấn đề thuộc đặc thù riêng của đơn vị với các chuyên gia, đại diện tư vấn. Dự kiến trên 2.000 lượt cơ quan, DN sẽ được phục vụ tư vấn bởi Chương trình.
Theo kế hoạch, tiếp nối 20 phiên tư vấn, chương trình sẽ được tổ chức thường niên bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến trên khắp các thị trường xuất, nhập khẩu là đối tác thương mại của Việt Nam, với quy mô dự kiến 50-60 phiên tư vấn/năm nhằm thường xuyên cung cấp các thông tin cập nhật, hữu ích, giải đáp các khó khăn vướng mắc nảy sinh để hỗ trợ cho các địa phương, hiệp hội, DN trên cả nước, qua đó góp phần phát triển xuất, nhập khẩu bền vững.
Bộ Công Thương sẽ triển khai hoạt động này thường xuyên và thường niên trên khắp các thị trường xuất, nhập khẩu là đối tác thương mại của Việt Nam. Ảnh: VGP |
Bộ trưởng khẳng định, Bộ Công Thương sẽ triển khai hoạt động này thường xuyên và thường niên trên khắp các thị trường xuất, nhập khẩu là đối tác thương mại của Việt Nam.
Để Chương trình này đáp ứng tốt nhu cầu của các DN, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc Bộ tiếp tục trao đổi, nắm bắt nhu cầu cung cấp thông tin thị trường xuất, nhập khẩu của DN Việt Nam, nhất là về những khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận thị trường xuất khẩu, xúc tiến phát triển thị trường của DN... để đặt hàng cho các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước cùng tìm lời giải đáp, hướng dẫn và đề xuất giải pháp cụ thể cho DN; tăng cường năng lực và đẩy mạnh công tác cung cấp thông tin, dự báo về các thị trường xuất, nhập khẩu để hỗ trợ các địa phương, hiệp hội và DN hiệu quả hơn; xây dựng và triển khai các chương trình xúc tiến thương mại thiết thực, nhằm hiệu quả hỗ trợ DN xúc tiến xuất khẩu, phát triển thị trường trong bối cảnh hiện nay.
Đối với các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, Bộ trưởng yêu cầu chủ động đánh giá thực tiễn và bám sát biến động của thị trường trong hoạt động thương mại quốc tế nói chung và thương mại với Việt Nam nói riêng, đặc biệt các yếu tố mới phát sinh để đề xuất các biện pháp ứng phó phù hợp. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Cục Xúc tiến thương mại và các đơn vị thuộc Bộ trong quá trình triển khai chuỗi Chương trình tư vấn, cung cấp thông tin cho địa phương, hiệp hội, DN Việt Nam về thị trường xuất, nhập khẩu.
Bên cạnh đó, các địa phương, các hiệp hội ngành hàng, cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương nhằm tăng cường phổ biến rộng rãi thông tin, hỗ trợ và khuyến khích các DN trên địa bàn, các DN hội viên tích cực tham gia các phiên tư vấn trong chuỗi Chương trình tư vấn, cung cấp thông tin xuất, nhập khẩu và các chương trình xúc tiến thương mại kết nối DN đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao hiệu quả nhập khẩu. Việc này cũng nhằm nâng cao vai trò dẫn dắt, hỗ trợ của các tổ chức xúc tiến thương mại tại địa phương, các hiệp hội ngành hàng trong việc nắm bắt nhu cầu về thông tin thị trường xuất, nhập khẩu của DN, thường xuyên trao đổi thông tin với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương để kịp thời xử lý, giải quyết khó khăn nảy sinh của DN.
Bộ trưởng cũng đề nghị các DN chủ động chia sẻ nhu cầu về thông tin thị trường và những trở ngại trong quá trình tiếp cận thị trường, xúc tiến xuất khẩu để Bộ có thể kịp thời hỗ trợ DN xử lý các vướng mắc, khó khăn. Tích cực hưởng ứng, tham gia các các chương trình xúc tiến thương mại, đặc biệt là các chương trình xúc tiến thương mại trên môi trường số nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển thị trường trong bối cảnh hiện nay.