Hơn 260 đại biểu Quốc hội chưa muốn bỏ sổ hộ khẩu năm 2021

Admin
Có 266/402 đại biểu Quốc hội ủng hộ việc cho phép người dân được tiếp tục sử dụng loại giấy tờ này đến hết năm 2022.

Thông tin này được thể hiện trong báo cáo tổng hợp kết quả phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về Luật Cư trú (sửa đổi). Nội dung bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú từ năm 2021 là một trong 4 nội dung quan trọng được xin ý kiến lần này.

Theo báo cáo tổng hợp của Tổng thư ký Quốc hội, đã có 402 đại biểu Quốc hội tham gia ý kiến, chiếm 83,4% tổng số đại biểu Quốc hội.

Với những ý kiến khác nhau về quy định chuyển tiếp liên quan đến việc kéo dài thời gian sử dụng sổ hộ khẩu, kết quả cho thấy có 266/402 đại biểu tán thành phương án cho phép người dân được tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp đến hết ngày 31/12/2022.

bo so ho khau tu 2021 anh 1

Bộ trưởng Công an Tô Lâm thể hiện quyết tâm có thể bỏ sổ hộ khẩu từ năm 2021 - khi Luật Cư trú (sửa đổi) chính thức có hiệu lực. Ảnh: Quốc hội.

Có 135 đại biểu chọn phương án bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú từ ngày Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực - là từ 1/7/2021.

Ngoài ra, có ý kiến đồng ý kéo dài thời gian sử dụng sổ hộ khẩu, nhưng chỉ nên đến 31/12/2021. Ý kiến khác lại đề nghị quy định luật có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022, khi đó sổ hộ khẩu, sổ tạm trú cũng hết hiệu lực.

Như vậy, theo thông lệ, phương án được đa số đại biểu lựa chọn và chiếm trên 50% tổng số đại biểu, sẽ được thiết kế tại dự thảo luật trình Quốc hội thông qua.

Trước đó, sáng 21/10, Quốc hội thảo luận về những nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi).

Cơ quan thẩm tra luật là Ủy ban Pháp luật cho biết đa số đại biểu đề nghị cho phép người dân được tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp cho đến hết ngày 31/12/2022 để chứng minh thông tin về nơi cư trú.

Theo Ủy ban Pháp luật, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú trong trường hợp này không được coi là công cụ quản lý cư trú như hiện nay mà chỉ đơn thuần là giấy tờ xác nhận nơi cư trú công dân.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường tán thành việc sửa đổi theo hướng chuyển phương thức quản lý cư trú bằng sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú sang quản lý bằng dữ liệu điện tử. Ông nhận định đây là vấn đề không đơn giản, nên để tránh tình trạng gây phiền hà và bảo vệ quyền lợi của người dân rất cần có điều kiện chuyển tiếp.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung nêu thực tế còn rất nhiều thủ tục hành chính, giao dịch cần có sổ hộ khẩu nên nếu bỏ ngay khi luật có hiệu lực sẽ khiến người dân gặp khó khăn. Nữ đại biểu cho rằng để triển khai đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào 2021 là rất khó khả thi.

Song, Bộ trưởng Công an Tô Lâm lại cho rằng nếu không dứt khoát được thời điểm sẽ rất phiền phức cho người dân cũng như hoạt động quản lý của các cơ quan Nhà nước. Ông cũng khẳng định người dân rất mong đợi việc bỏ sổ hộ khẩu.

Thông tin thêm về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, người đứng đầu Bộ Công an cho biết đã thu thập được 90%, đang thẩm định, phúc tra lại và đưa vào hệ thống. Còn 10% sẽ cố gắng hoàn thành trong năm 2020.

Vì vậy, ông mạnh dạn đề nghị thực hiện ngay việc bỏ sổ hộ khẩu giấy khi Luật Cư trú sửa đổi chính thức có hiệu lực. “Không có thời gian chuyển tiếp sẽ bắt buộc các cơ quan quản lý đều phải phối hợp với nhau để thực hiện theo đúng lộ trình đề ra”, ông cương quyết.