Ảnh minh họa
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2022 của Tổng cục Thống kê cho thấy có 38,6% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn so với quý II/2022; 36% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 25,4% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.
Khảo sát cũng cho thấy, đa số doanh nghiệp đều cho thấy sự lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý cuối cùng của năm nay.
Theo đó, trong quý IV/2022, các doanh nghiệp dự kiến tình hình kinh doanh còn tốt hơn so với quý 3/2022 khi có tới 48,7% doanh nghiệp đánh giá tích cực, 33,9% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và chỉ có 17,4% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn. Như vậy có đến hơn 82% doanh nghiệp cho thấy sự lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý IV.
Trong đó, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước lạc quan nhất với 83,6% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý 4/2022 tốt hơn và giữ ổn định so với quý 3/2022; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp nhà nước lần lượt là 80,9% và 79,1%.
Tuy triển vọng sản xuất và kinh doanh những tháng cuối năm được đánh giá tích cực song theo Tổng cục Thống kê, các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.
Có tới 48,1% doanh nghiệp lo lắng về sự sụt giảm nhu cầu của thị trường trong nước; 30,8% doanh nghiệp khó khăn về tài chính; 26,7% doanh nghiệp suy giảm nhu cầu từ thị trường quốc tế; 26,1% doanh nghiệp thiếu nguyên nhiên, vật liệu; 25,1% doanh nghiệp không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu và 23,5% gặp khó khăn do lãi suất vay vốn cao…
Theo thống kê 9 tháng đầu năm có 163.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính bình quân từ đầu năm đến nay, mỗi ngày có đến hơn 600 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Trong chiều ngược lại, 9 tháng đầu năm, cả nước có 112.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.