Ban đầu, theo sự tư vấn của họa sĩ Hồng Quân, thì để khai trương Hawaii Art Space cần làm một triển lãm chung, chừng 4-5 họa sĩ, bày chừng 40-50 tác phẩm. Nhưng sau một thời gian suy nghĩ, Minh Trâm (chủ Hawaii Art Space) quyết định mời riêng họa sĩ Hồng Quân làm triển lãm cá nhân.
Minh Trâm chia sẻ: “Thật sự thì trong giới mỹ thuật, tôi và gia đình chưa có kinh nghiệm gì, chỉ biết một vài cô chú, anh chị, nên chưa dám ngỏ lời mời nhiều người làm triển lãm. Họa sĩ Hồng Quân là chỗ gần gũi với gia đình, chính chú tư vấn cho việc chuyển đổi không gian làm phòng tranh, vì chú biết nhiều họa sĩ ở thành phố mình đang cần thêm không gian cho triển lãm. Gia đình cũng thích tranh màu nước của chú Hồng Quân, nên ngay sự kiện khai trương, muốn bày riêng cho chú một triển lãm nho nhỏ. Sau triển lãm này, Hawaii Art Space sẽ dần dần mở rộng hoạt động, với hy vọng được sự góp ý của giới họa sĩ, sưu tập và báo đài, để hoàn thiện thêm. Lần đầu làm không gian nghệ thuật, chắc hẳn sẽ không tránh khỏi bỡ ngỡ và sai sót, rất mong sự chỉ bảo, góp ý của mọi người”.
Minh Trâm nói thêm: “Hawaii Art Space không chú trọng đến lợi nhuận, lý tưởng thì tự cân bằng được thu chi đã là hạnh phúc. Chúng tôi muốn đây là nơi kết nối - giao lưu, trưng bày tác phẩm nghệ thuật của các họa sĩ, nhà sưu tập. Là một không gian lan tỏa nghệ thuật, đưa các tác phẩm đến gần với cộng đồng yêu nghệ thuật, sinh viên - học sinh. Để tương lai, Hawaii Art Space có thể trở thành một điểm đến của những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, sáng tác, tọa đàm, ra mắt sách…”.
Còn về họa sĩ Hồng Quân, đây là triển lãm màu nước lần thứ 4 của anh, bày hơn 50 tranh. Các triển lãm cá nhân trước đây, có: Sông nước miền Tây (tháng 10/2019), Những gì yêu thương nhất (tháng 1/2022), Ngày nắng (tháng 1/2023).
Vẻ đẹp trong tranh màu nước của Hồng Quân đó là sự hiền hòa và tinh tế. Cuộc sống vốn nhiều biến động, nhiều lo toan và mất mát, giữ được cái nhìn này không hề đơn giản.
Nhìn lại cả mấy triển lãm cá nhân, với hàng trăm tác phẩm, Hồng Quân luôn giữ được sự hiền hòa, tình cảm trong cách nhìn. Phong cảnh, con người, sự vật… hiện ra tĩnh tại, ngơi nghỉ, bình yên. Dường như các giông tố, các giận hờn, lo toan được gác qua một bên, hoặc đó là chuyện không cần phải đề cập đến.
Hồng Quân tìm kiếm vẻ đẹp trong những khoảnh khắc thường nhật, mà nếu không chú ý, thì có thể lướt qua, hoặc không thể nhận ra. Ví dụ trong bức Vùng biển xanh, đó là phút giây trò chuyện của hai ngư dân sau chuyến ra khơi, trông thật thảnh thơi. Ví dụ bức Sóng đôi là cảnh hai con ngỗng bơi ngược dòng nước nhẹ, bên khóm lục bình, rặng dừa nước xanh tươi…, trông thật bình yên, hạnh phúc. Ví dụ bức Nhà và ghe trên sông Hậu, đây có thể là giây phút nghỉ trưa, con người “đi vắng”, chỉ còn lại cái bến bình yên. Hoặc như bức Nhà thuốc thời Covid-19, vẽ một giai đoạn vô cùng khó khăn của loài người, nhưng anh cũng chọn một góc nhìn tích cực, giàu sức sống. Các ví dụ này cũng là tinh thần chung của đa số tranh Hồng Quân.
Hồng Quân học bài bản về sơn dầu, khi chuyển qua màu nước, anh cũng chọn sự chậm rãi, bài bản mà đi. Vẻ đẹp trong tranh của anh được toát ra từ sự vững vàng, tinh tế về hình họa. Có những bức giản dị như Màu xanh ngọc, Mùa mận chín, Ngày nắng đẹp…, chỉ là nắm bắt một hiện thực, nhưng nhờ sự tinh tế về hình họa mà diễn tả được các cảm xúc, các ấn tượng sâu lắng. Hoặc như bức Trưa vắng, vẽ một người phụ nữ đi bán dạo, qua một con đường nhỏ, bên bức tường cũ… mà lột tả phần chính yếu của câu chuyện đời. Vẽ những điều đơn giản, bình dị cho ra chất là rất khó, vì nó không thể bấu vía vào những điều khác để khỏa lấp, hoặc che đậy.
Cũng chính sự tinh tế về hình họa nên Hồng Quân xóa nhòa được ranh giới giữa trực họa hoặc vẽ tài phòng tranh. Thậm chí xóa nhòa được ranh giới giữa tranh vẽ theo ký họa, phác thảo hoặc theo hình chụp. Với những bức hình đã chụp, anh không “sao chép” nó lên tranh, mà lọc khung bố cục, để đưa mắt nhìn thay thế cho ống kính, nên khi bức tranh hoàn thiện, hoàn toàn phai mờ chất nhiếp ảnh. Hội họa và nhiếp ảnh là hai cách nhìn, hai tạo hình khác nhau, nếu không vững vàng về hình họa, khó mà tách bạch được điều này trong tác phẩm.
Song hành những điều vừa nêu trên, Hồng Quân còn chia sẻ quan điểm thẩm mỹ lạc quan của chủ nghĩa hiện thực và tinh thần thuận hòa, bao dung của người Nam bộ, nên thế giới tranh của anh gần như vô nhiễm với những điều xấu xa, tiêu cực, đáng lên án của đời thực. Đến với thế giới tranh của Hồng Quân là đến với những điều được thanh lọc và thanh cao, như hành trình trở về với những điều tốt đẹp của quê nhà, để hưởng chút thanh mát mà tái tạo năng lượng sống. Tranh của Hồng Quân cũng có thể trở thành “quỹ dự trữ sinh quyển” về sự bình yên trong lao động, vui sống.
Họa sĩ Nguyễn Trung Tín (Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam) nhận định: “Giữa một không khí sáng tác sôi động của các trào lưu nghệ thuật mới, nhiều cách biểu đạt mang tính cách tân và ngôn ngữ hậu hiện đại, tranh của Hồng Quân lại đưa người xem trở về những giá trị xưa kia, với cái nhìn chân thành về vẻ đẹp bình dị. Lối vẽ đi ngược trào lưu này tạo ra điểm khác biệt cho tác phẩm, tạo sự chú ý cho công chúng. Tranh anh có nét hiền hòa, dễ mến như chính con người anh, đơn giản, chân chất của người miền Tây, không chạy theo những biến động của hình thức đương đại. Bằng lòng với thế giới xung quanh, miễn là đủ các chất liệu yêu thương, gắn bó với mình. […]. Tranh anh thu hút người xem bằng sự trải lòng, giãi bày tình cảm, với lối vẽ giản dị nhưng chuyên sâu, mạch lạc trong chi tiết, phải xem lâu mới mến, nhìn kĩ mới thương”.