Khẩn trương gỡ vướng về pháp lý, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn

Admin
Theo nghị quyết mới của Chính phủ, các bộ và địa phương khẩn trương tháo gỡ vướng mắc về pháp lý; hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí, tăng khả năng tiếp cận vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước.
Khẩn trương hỗ trợ
Ngày 21/4, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025 (Nghị quyết).
Theo Nghị quyết, thời gian qua, dịch COVID-19 và các biến động phức tạp về địa chính trị kinh tế thế giới đã và đang ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nước ta cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tình hình sản xuất kinh doanh trong thời gian tới dự kiến tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững cả về số lượng, chất lượng, thực sự trở thành lực lượng quan trọng bảo đảm tính tự chủ của nền kinh tế, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý nhằm khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất kinh doanh. Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước.
Tình hình sản xuất kinh doanh trong thời gian tới dự kiến tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Trong đó, Bộ Tài chính được giao triển khai tiếp các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất và sớm trình Chính phủ điều chỉnh thuế xuất - nhập khẩu với nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Bộ Tài chính cũng cần sớm đưa ra thông tư hướng dẫn cơ chế dùng chi thường xuyên từ ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Các địa phương lên phương án giảm tiền nước, công bố và kiểm soát giá các loại vật liệu xây dựng. Bộ Xây dựng sẽ tìm cách tháo gỡ khó khăn liên quan đến quản lý chi phí, vật liệu xây dựng.
Bộ Công Thương cũng được yêu cầu bảo đảm và tự chủ nguồn cung xăng dầu trong nước, tính lại giá bán điện cho "cơ sở lưu trú du lịch" từ giá kinh doanh sang giá bán cho ngành sản xuất. Còn Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các tổ chức tín dụng dành vốn cho sản xuất, kinh doanh các lĩnh vực ưu tiên.
Về khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa nguồn cung. Hỗ trợ các ngành, doanh nghiệp ứng phó với các rào cản thương mại. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, ứng dụng thương mại điện tử trong tiếp cận thị trường, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu...
Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tích cực hỗ trợ doanh nghiệp kết nối đối tác, thâm nhập thị trường. Đẩy mạnh công tác vận động, khuyến khích doanh nhân, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài giao lưu, kết nối, hợp tác đầu tư, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường các nước.
Bộ Lao động, Thương binh & xã hội, Ngân hàng chính sách xã hội cùng các địa phương ập trung hỗ trợ doanh nghiệp cơ hội, ổn định việc làm cho người lao động. Đẩy mạnh triển khai chính sách, giải pháp hỗ trợ người lao động, đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.
Tiếp tục cắt giảm quy định kinh doanh
Trong trung và dài hạn, Chính phủ yêu cầu tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.
Hỗ trợ tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp 4.0.
Tăng cường hiệu quả triển khai các chính sách và nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế, nắm bắt và đón đầu các xu hướng kinh doanh mới, xu hướng thị trường mới.
Nghị quyết đặt ra mục tiêu, đến năm 2025 đạt 1,5 triệu doanh nghiệp, 8.000-10.000 hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 65-70% GDP cả nước, khoảng 30-35% tổng việc làm trong nền kinh tế, 98-99% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.
Khoảng 35-40% tổng số doanh nghiệp có hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. 100% cơ sở kinh doanh bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tối thiểu 30.000 cơ sở kinh doanh được hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số.
Mỗi năm tăng 10% số lượng doanh nghiệp được xếp vào danh sách doanh nghiệp có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới. 100% thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến. 80% doanh nghiệp sử dụng lao động qua đào tạo.