Khẩn trương hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó

Admin
Nhu cầu nhập khẩu từ thị trường các nước phát triển sụt giảm khiến đơn hàng của doanh nghiệp lao dốc trong nửa đầu năm nay. Theo đó, cần khẩn trương triển khai các chính sách tài khóa tiền tệ, cải cách thủ tục hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất.
Xuất khẩu sang các thị trường chủ lực đều giảm
Là một trong những động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế nhưng xuất khẩu đã có sự sụt giảm liên tiếp trong hai quý đầu năm 2023, đặc biệt là quý II sụt giảm mạnh hơn quý I. Quý I xuất khẩu sụt giảm 10%, quý II giảm 14,2%. Kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm giảm 12,1% so với cùng kỳ năm 2022 trong bối cảnh thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm.
Xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường chủ lực đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ giảm 22,6%, Hàn Quốc giảm 10,2%, EU giảm 10,1%. Các thị trường ASEAN, Nhật Bản và Trung Quốc lần lượt có mức giảm 8,7%, 3,3% và 2,2%.
Kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm giảm 12,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo đều giảm, trong đó có những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: hàng dệt may giảm 15,3%, giày dép các loại giảm 15,2%; điện thoại các loại và linh kiện giảm 17,9%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 28,8%, phân bón các loại giảm 45,6%...
Một số ngành hàng xuất khẩu như thuỷ sản, gỗ và sản phẩm gỗ, sắt thép, sản phẩm nhựa tiếp tục đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại đã tạo ra những khó khăn về thị trường xuất khẩu thời gian qua.
Một số nông sản còn quá dựa vào hình thức trao đổi cư dân, tiểu ngạch nên luôn tiềm ẩn nguy cơ bị ách tắc tại cửa khẩu, ảnh hưởng đến hoạt động thương mại qua biên giới.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 diễn ra ngày 4/7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã lý giải tình hình xuất khẩu ảm đạm.
Theo Bộ trưởng, nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu suy giảm có cả lý do khách quan và chủ quan. Trong đó vấn đề suy giảm về nhu cầu nhập khẩu từ thị trường các nước phát triển là yếu tố tác động mạnh nhất, trực tiếp nhất. Ngoài ra còn có các nguyên nhân về chi phí đầu vào, nguyên liệu tăng cao, trong khi giá các mặt hàng xuất khẩu không tăng hoặc giảm. Việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của doanh nghiệp còn khó khăn.
Hiện kinh tế của Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với lạm phát trong những tháng cuối năm, tác động tới các doanh nghiệp sản xuất phục vụ xuất khẩu. Thực trạng suy thoái kinh tế ở nhiều quốc gia trên thế giới, xung đột địa chính trị… dẫn tới nhu cầu tiêu dùng toàn cầu suy giảm. Yếu tố này rất khó đoán định trong thời gian tới. Theo đó, sẽ tác động bất lợi đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong các tháng cuối năm 2023.
Khẩn trương hỗ trợ doanh nghiệp
Để khắc phục tình trạng sụt giảm đơn hàng của doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu, người đứng đầu Bộ Công Thương kiến nghị, khẩn trương triển khai các chính sách tài khóa tiền tệ, cải cách thủ tục hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất.
Trong khi nhiều thị trường lớn như EU, Mỹ chưa phục hồi, Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp ưu tiên chuyển hướng khai thác các thị trường mới nổi, thị trường có tiềm năng như các nước Trung Đông, châu Phi, châu Mỹ La tinh, Nam Á...
Tếp tục phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc cung cấp kịp thời các thông tin về thị trường và các quy định, chính sách mới của các nước sở tại. Chú trọng đổi mới và nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại. Thúc đẩy thương mại điện tử, đặc biệt thương mại điện tử xuyên biên giới và đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch.
Cùng với việc tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp khai thác ưu đãi của các Hiệp định FTA mà Việt Nam là thành viên, cần đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết các FTA mới với các nước, khu vực còn tiềm năng để mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Cũng theo Bộ trưởng, cần chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp trong nước kết nối, tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI để xuất khẩu qua hệ thống phân phối của các chuỗi cung ứng này ra thị trường thế giới.
Chủ động làm việc với đối tác, tận dụng các cơ chế hợp tác song phương, Ủy ban Liên Chính phủ để tháo gỡ kịp thời những vướng mắc về thủ tục, mở cửa thị trường cho hàng hóa của Việt Nam.
Bên cạnh các giải pháp phát triển thị trường nêu trên, Bộ trưởng cho rằng, nên chú trọng thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất, giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu.