Ông Nguyễn Đăng Sinh, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu phát biểu tại Tọa đàm chiều 28/10.
Khó xác định hành vi xâm phạm quyền đối với hàng giả và gian lận thương mại
Kỳ Văn
06:56 29/10/2021
Chia sẻ tại Tọa đàm “Hàng giả, hàng nhập lậu và gian lận thương mại: Thực trạng và giải pháp", chiều 28/10, đại diện các doanh nghiệp cho rằng, bất cập về chính sách khiến hàng giả và gian lận thương mại rất khó xác định xâm phạm quyền…
Trong 6 tháng đầu năm 2021, lực lượng chức năng cả nước đã xử lý 11.330 vụ vi phạm về buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; 50.141 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế; 10.847 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ; thu nộp ngân sách nhà nước 5.036 tỷ đồng.
Thời gian qua, mặc dù các cơ quan nhà nước đã có những chỉ đạo kịp thời, đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt nhưng vấn nạn buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn âm thầm diễn ra, gây rất nhiều hệ lụy cho doanh nghiệp, ảnh hưởng xấu đến quyền lợi người tiêu dùng, tác động xấu tới toàn xã hội.
Chia sẻ tại Tọa đàm “Hàng giả, hàng nhập lậu và gian lận thương mại: Thực trạng và giải pháp", ý kiến của doanh nghiệp ngành thuốc lá cho rằng, những chính sách của Nhà nước đưa ra nhằm chống hàng giả, hàng nhập lậu và gian lận thương mại là rất quan trọng.
Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá đã tạo điều kiện để các cơ quan chức năng phối hợp đồng bộ giúp ngăn chặn và giảm lượng thuốc lá giả, thuốc lá nhập lậu và cũng như hoạt động gian lận thương mại đối với sản phẩm này.
Ban chỉ đạo 389 Quốc gia không chỉ kết nối các lực lượng trong đấu tranh chống buôn lậu mà còn đề xuất thay đổi khung hình phạt trong Bộ Luật hình sự và Nghị định số 98/2020/NĐ-CP để xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả.
Tuy nhiên, lực lượng chống buôn lậu còn quá mỏng. Chính sách đã có, nhưng thực thi chính sách cần hành động thực sự hơn. Tại buổi Tọa đàm, đại diện cho Công ty Nhựa Tiền phong cho biết, thời gian vừa qua, Công ty Nhựa Tiền phong đã báo lên các cơ quan chức năng để khởi tố nhiều vụ án, trong đó có vụ tòa xử án phạt tù 3 năm cho hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả sản phẩm của Công ty.
Việc xử lý triệt vấn nạn này là rất khó. Doanh nghiệp đã sử dụng công nghệ cao hơn trong sản xuất để các đối tượng làm giả khó hơn. Tuy nhiên, các đối tượng làm giả hiện cũng chạy theo công nghệ rất nhanh, dễ dàng sao chép làm giả. Trong khi, chế tài xử lý còn nhẹ, chưa đủ tính răn đe. Các đối tượng làm giả thường thuê xe ôm, xe máy chở giao cho các cửa hàng nên lượng hàng trị giá nhỏ, chưa tới mức xử phạt hình sự, bắt giữ xử lý rất khó khăn.
Điều này đặt ra yêu cầu các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Bộ Công Thương xây dựng chế tài đủ mạnh để răn đe hành vi làm hàng giả. Cùng với đó là việc tăng cường tuyên truyền giáo dục ý thức đạo đức cho đội ngũ thực thi pháp luật, vì vẫn tồn tại một phận không nhỏ cán bộ làm chưa đúng chức năng, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, theo đại diện của Công ty Nhựa Tiền phong, các cơ quan chức năng cần xây dựng quy định xác định việc xâm phạm quyền thế nào, giống như chỉ dẫn địa lý. Nếu đối tượng làm giả chỉ thay đổi một chút chi tiết sản phẩm, ví dụ thêm một chữ ở tên sản phẩm thì không phải hàng giả, mà là xâm phạm quyền. Với những vụ việc liên quan đến xác định xâm phạm quyền, doanh nghiệp theo đuổi tốn kém nhiều thời gian và tiền của.
Ông Nguyễn Đăng Sinh, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu thừa nhận vấn đề xác định xâm phạm quyền là hết sức khó khăn. Trong khi, sản phẩm nhái đang tiêu tiêu thụ rất tốt, các doanh nghiệp làm nhái thương hiệu rất khó xử lý. Nhiều khi, chính Cục Sở hữu trí tuệ cũng vướng vì đối tượng làm nhái thương hiệu cũng đăng ký bản quyền.
Các cơ quan chức năng hiện gặp khó trong việc kiểm soát hoạt động bán hàng giả, hàng nhái trên mạng. Nhiều đối tượng livestream bán hàng giả, hàng nhái bị cơ quan chức năng phát hiện, nhưng nơi livestream không có kho hàng, không phải là nơi sản xuất, nên việc xử phạt gặp nhiều khó khăn.
Trước nhiều bất cập trên, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu kiến nghị, các cơ quan thực thi pháp luật cần thường xuyên nghe ngóng thông tin ở người tiêu dùng, doanh nghiệp cũng như thông tin được phản ánh trên báo chí truyền thông.
Cần có sự quy trách nhiệm cụ thể cho từng lực lượng phòng, chống hàng giả, hàng nhập lậu và gian lận thương mại. Số liệu của nạn hàng giả, hàng nhập lậu và gian lận thương mại năm nào cũng tăng, năm 2020 so với năm 2019 tăng tới 15%, điều này cần đánh giá là kết quả phòng, chống kém đi chứ không thể tốt hơn.
Ông Sinh cũng đề xuất bên cạnh việc quy trách nhiệm nắm địa bàn, các lực lượng chức năng trong phòng, chống nạn hàng giả, hàng nhập lậu và gian lận thương mại cần tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp, tạo niềm tin và mối quan hệ thân thiện với doanh nghiệp.
“Quốc hội đang thảo luận sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ. Chúng tôi mong chờ các quy phạm pháp luật này sẽ đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp”, ông Sinh kỳ vọng.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, lực lượng chức năng cả nước đã xử lý 10.847 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ.