Khoản lỗ khủng hơn 4000 tỷ đồng tại Jetsar Pacific được tạo ra như thế nào?

Admin
Vừa qua, Vietnam Airlines đã thống nhất mua lại của Qantas 30% cổ phần tại Jetstar Pacific, nghĩa là Vietnam Airlines sẽ mua lại chính khoản lỗ lên tới 4000 tỷ đồng mà Jetstar đã tạo ra.

Liên tục báo lỗ khủng

Ngày 15-6 vừa qua, Vietnam Airlines đã thống nhất mua lại của Qantas 30 % cổ phần để nắm giữa hơn 98% cổ phần tại Jetstar Pacific. Theo đó, Vietnam Airlines sẽ đổi tên Jetstar Pacific thành Pacific Airlines (trở lại tên ban đầu - PV) và tái cơ cấu lại hãng hàng không giá rẻ này.

Theo Vietnam Airlines, việc thay đổi thương hiệu nhằm cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh, khả năng lợi nhuận và thúc đẩy quy mô và sức mạnh thương hiệu của Vietnam Airlines tại thị trường nội địa. Chính vì vậy, Jetstar Pacific sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết để đổi tên thương hiệu thành Pacific Airlines với logo và bộ nhận diện thương hiệu mới.

Từ khi thành lập năm 1991, Jetstar Pacific được kỳ vọng sẽ trở thành ngôi sao sáng trên bầu trời hàng không giá rẻ. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng đó kết quả kinh doanh của Jetstar Pacific chỉ một màu ảm đạm, thua lỗ triền miên.

Kể từ khi thành lập, Jetstar liên tục lâm vào cảnh thua lỗ.

Năm 2006, Chính phủ chuyển giao 86,49% cổ phần của Vietnam Airlines tại Pacific Airlines cho Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sau khi doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính này được thành lập. Năm 2007, Tập đoàn Qantas (Australia) trở thành đối tác của SCIC khi mua lại 18% tại Pacific Airlines.

Giai đoạn 2008 đến 2012, Qantas hoàn tất việc mua 30% cổ phần tại Pacific Arilines để trở thành cổ đông chiến lược. Sau đó, Pacific Airlines được đổi tên thành Jetstar Pacific. Sau khi hợp tác, giai đoạn 2008 - 2009, hãng báo lỗ tới gần 700 tỷ đồng trên doanh thu chỉ 1.700 tỷ đồng.

Bài ca thua lỗ tại Jetstar Pacific tiếp diễn với tần xuất năm sau cao hơn năm trước và càng trở nên trầm trọng hơn trong giai đoạn năm 2016- 2017. Cụ thể, năm 2016, hãng báo lỗ sau thuế gần 900 tỷ. Năm 2017 lỗ hoạt động kinh doanh 1.000 tỷ đồng. Tính tới cuối năm 2017, lỗ lũy kế của Jetstar đã lên tới trên 4.286 tỷ đồng, vượt qua cả vốn điều lệ của công ty.

Báo cáo tài chính năm 2018 của Jetstar Pacific cũng nêu rõ, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp là 34 tỷ đồng nhưng lỗ lũy kế đến ngày 31/12/2018 là 4.252 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 180 tỷ đồng; Các chỉ tiêu tài chính trong tình trạng mất cấn đối nghiêm trọng, tiềm ẩn rủi ro ảnh hưởng đến tính hoạt động liên tục.

Cục nợ Jetstar Pacific tiềm ẩn rủi ro mất vốn

Theo Thông báo kết quả Kiểm toán Nhà nước số 1074/TB-KTNN ngày 18/12/2019 nêu rõ: “Khoản đầu tư vào Công ty Cổ phần Hàng không Jetstar Pacific Airlines thua lỗ, tiềm ẩn rủi ro mất vốn: Số vốn góp của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (TCT) vào Jetstar Pacific là 2.424 tỷ đồng (chiếm 68,85% vốn điều lệ).

Thông báo kết quả Kiểm toán Nhà nước số 1074/TB-KTNN cũng khẳng định, các chỉ tiêu tài chính cho thấy khoản đầu tư vào Jetstar Pacific chưa bảo toàn và phát triển vốn, kết quản kinh doanh thua lỗ và mất an tài chính doanh nghiệp, phải trích lập phòng đầu tư tài chính vào Jetstar Pacific lũy kế đến 2018 theo giá trị vốn đầu tư trên báo cáo tài chính là 632.874 triệu đồng.

Từ những kết quả kiểm toán trên, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, tăng cường giám sát đặc biệt và kiểm tra đối với đơn vị có kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ kéo dài, có dấu hiệu mất an toàn về tài chính, không bảo toàn được vốn Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của cá nhân, tập thể có liên quan, có giải pháp phù hợp và xin ý kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc đầu tư vào Jetstar Pacific và phương án tái cơ cấu tại K6 ( K6 – Hãng hàng không Campuchia Angkor Air - PV) đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, bảo toàn và phát triển được vốn Nhà nước.

Do đó, Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan đến những sai sót, tồn tại đã nêu tại Biên bản kiểm toán và tổ chức kiểm điểm trách nhiệm theo quy định pháp luật.

Việc Jeststar Pacific càng làm ăn bết bát lại khiến cho Vietnam Airlines chịu thiệt hại nặng, đồng nghĩa với việc Nhà nước gián tiếp gánh chịu những khoản lỗ nghìn tỷ của Jetstar Pacific từ Vietnam Airlines.

Không chỉ tạo ra khoản lỗ lến tới hơn 4.000 tỷ, Jeststar Pacific còn đang có những phi vụ làm ăn có thể gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền siêu khủng khác? Vậy phi vụ làm ăn rủi ro này là gì? Chúng tôi sẽ thông tin tới bạn đọc trong bài tiếp theo.

Theo Phước Thành Dautuvietnam.com.vn