Khôi phục chăn nuôi lợn sau dịch bệnh, thận trọng tái đàn

Admin
Nhằm khắc phục thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương đã đề ra nhiều chính sách khuyến khích những cơ sở chăn nuôi tái đàn lợn, đồng thời, thực hiện tái đàn một cách thận trọng.

Ảnh minh họa

Hà Giang: Nhiều chính sách khuyến khích cơ sở chăn nuôi tái đàn lợn

Do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi trong năm 2019 và dịch COVID-19 đã tác động lớn đến quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu thụ các mặt hàng chăn nuôi trên địa bàn Hà Giang, trong đó việc phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm gặp nhiều khó khăn.

Nhằm vực lại ngành chăn nuôi sau dịch bệnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang đã đề ra các chủ trương và định hướng cho các huyện, thành phố.

Đó là, tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp chăn nuôi bình ổn giá thịt lợn, hạn chế việc tăng giá thịt lợn quá cao. Tăng cường công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và xử lý môi trường trong quá trình chăn nuôi.

Phấn đấu đến cuối năm 2020, đàn lợn đạt 594 nghìn con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt trên 32.800 tấn.

Nhằm định hướng cho ngành chăn nuôi sau dịch bệnh, cơ quan chức năng của Hà Giang cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân về những rủi ro cần phòng, tránh nhất là với các doanh nghiệp, chủ hộ đang có ý định tái đàn lợn.

Đó là vấn đề tái nhiễm đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi có thể xảy ra; giá cả các loại thức ăn chăn nuôi tăng; việc tiếp cận các chính sách nói chung và chính sách về chăn nuôi nói riêng của người dân còn hạn chế; ý thức chủ động trong phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc của một số địa phương và người dân chưa cao.

Đặc biệt, trong việc liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị chưa thực sự mang lại hiệu quả bền vững; quá trình thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi còn hạn chế, nhất là chăn nuôi trang trại quy mô lớn…

Bên cạnh đó, nhằm đẩy mạnh phát triển đàn lợn, giảm giá lợn trên thị trường, tỉnh Hà Giang đã đề ra nhiều chính sách hỗ trợ người dân mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng hàng hóa, như tiếp tục thực hiện chính sách vay vốn được hỗ trợ lãi suất; hỗ trợ người dân chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây thức ăn chăn nuôi; tiếp tục nhập khẩu lợn giống ông bà, bố mẹ có năng suất, chất lượng cao; đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong công tác thụ tinh nhân tạo trên đàn lợn...

Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả của các trung tâm giống thuộc ngành để bảo tồn tốt nguồn gen và cung ứng con giống đảm bảo chất lượng trong quá trình phát triển chăn nuôi tại các địa phương.

Thanh Hóa: Gần 489 tỷ đồng hỗ trợ thiệt hại, thúc đẩy tái đàn

Ngày 23/2/2019, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Thanh Hóa sau đó lan rộng ra hàng chục huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn. Cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa buộc phải tiêu hủy trên 200 nghìn con lợn với tổng trọng lượng gần 14,4 nghìn tấn lợn.

Thực hiện chủ trương về hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi, khôi phục sản xuất, đến nay Thanh Hóa đã thực hiện 6 đợt chi hỗ trợ 100% số hộ, cơ sở chăn nuôi bị thiệt hại với tổng số tiền gần 489 tỷ đồng.

Việc thực hiện chính sách hỗ trợ kịp thời đã khuyến khích người chăn nuôi tự giác khai báo dịch bệnh, tham gia tích cực vào công tác phòng, chống dịch. Người chăn nuôi có kinh phí để tái đàn, khôi phục sản xuất sau dịch, đảm bảo an sinh xã hội.

Nhờ vậy, sau dịch, công tác tái đàn lợn của tỉnh Thanh Hóa đã đạt kết quả rất cao. Đến nay, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh tăng đáng kể và đạt gần 1,15 triệu con, bằng trên 96% tổng đàn lợn trước dịch.

Trong đó, số cơ sở nuôi lợn đã bị dịch tái đàn lợn gần 3,6 nghìn cơ sở; gần 2,4 nghìn cơ sở chuyển sang nuôi gia cầm, gia súc lớn.

Một số doanh nghiệp đã đầu tư và được chấp thuận chủ trương đầu tư chăn nuôi thời gian qua tăng nhanh trên địa bàn, dự kiến quý III/2020 đàn lợn của tỉnh sẽ tăng thêm 100.000 con.

Uông Bí không chủ quan trước bệnh, quy hoạch chăn nuôi an toàn

Tính đến nay, chỉ tính riêng thành phố Uông Bí, Quảng Ninh, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 788 hộ chăn nuôi/65 thôn, khu/11 xã, phường; số lợn mắc bệnh ốm và chết buộc phải tiêu hủy trên địa bàn thành phố Uông Bí là 6.116 con (trên 50% tổng đàn lợn) với khối lượng 310.328 kg hơi (trong đó lợn nái, đực đang khai thác 758 con với khối lượng 109.554 kg; lợn thịt và 5.358 con với khối lượng 200.774 kg).

Không chủ quan, thành phố Uông Bí đã xây dựng hệ thống xử lý mầm bệnh, tiêu hủy đạt tiêu chuẩn nhằm hạn chế tối đa mầm bệnh lây lan gián tiếp qua đàn lợn không nhiễm bệnh, đồng thời yêu cầu phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, các phòng ban thành phố và UBND các xã, phường có dịch bệnh tiêu hủy toàn bộ số lợn trên và thực hiện các biện pháp khử trùng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh.

Phòng Kinh tế thành phố Uông Bí đã tham mưu thành phố ban hành văn bản chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác tiêm phòng triển khai tháng tiêu độc khử trùng; hướng dẫn UBND xã, phường tái đàn, khôi phục sản xuất nông nghiệp sau thiệt hại dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn.

Để phát triển ngành chăn nuôi đảm bảo bền vững, ổn định trên địa bàn, thành phố Uông Bí đang xây dựng phát triển nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa. Cụ thể, phát triển lĩnh vực chăn nuôi theo hướng trang trại, liên kết theo chuỗi để giảm giá thành và kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, phát triển chăn nuôi quy trình khép kín từ sản xuất đến chế biến tiêu thụ.

Đến nay, TP Uông Bí đã quy hoạch xong các vùng phát triển chăn nuôi lợn dựa vào vị trí, điều kiện tự nhiên cũng như khả năng đầu tư của các doanh nghiệp, người dân đóng trên địa bàn, nhất là phát triển chăn nuôi lợn hướng nạc, chất lượng cao đem lại hiệu quả kinh tế.

Để có chính sách khuyến khích nhà đầu tư phát triển chăn nuôi, địa phương này cũng đã dành một phần quỹ đất quy hoạch các khu chăn nuôi tập trung, tăng thời gian cho thuê đất để người chăn nuôi có điều kiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chăn nuôi. Đồng thời, rà soát quy hoạch đất tại các xã, phường để xây dựng phát triển lâu dài, ổn định các vùng chăn nuôi công nghiệp, chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang chăn nuôi tập trung, song song với hỗ trợ xây dựng đường, công trình ngoài hàng rào đến khu chăn nuôi tập trung.

Trong thời gian tới, thành phố Uông Bí sẽ kiên quyết xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh gắn với việc xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung giúp kiểm soát, phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh lây lan, khống chế, đảm bảo quy trình vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Quản lý các lò giết mổ gia súc đảm bảo công tác quản lý thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm hướng tới môi trường chăn nuôi cho người dân ngày một hoàn thiện.

Nghệ An đẩy mạnh hỗ trợ nhằm tái đàn hiệu quả

Năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, ngành chăn nuôi tỉnh Nghệ An gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là diễn biến khó lường của bệnh dịch tả lợn châu Phi đã tác động không nhỏ đến kinh tế và an sinh xã hội.

Lũy kế đến ngày 15/6 vừa qua, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 21.456 hộ của 21 huyện. Tổng số lợn đã tiêu hủy là 95.724 con, chiếm 10,24% tổng đàn.

Tỉnh Nghệ An đã tiến hành hỗ trợ định mức 1.000.000 đồng/con lợn nái hậu bị cấp ông bà, bố mẹ có trọng lượng bình quân 60 kg/con. Mức hỗ trợ bằng 50% số lượng nhập đàn và tối đa không quá 100.000.000 đồng/trang trại.

Tỉnh còn trợ giá lợn đực giống ngoại (chỉ tiêu 30 con lợn nái trở lên được bố trí 1 con lợn đực giống cho trang trại đủ tiêu chuẩn sản xuất giống cấp ông bà, bố mẹ), mức 2.000.000 đồng/con. Ngoài ra, còn hỗ trợ 50% giá lợn đực giống ngoại để thay thế, bổ sung đàn lợn đực giống tại các đơn vị thụ tinh nhân tạo trên địa bàn.

Rà soát thực tế, số lượng lợn tái đàn, tăng đàn đến hết tháng 5/2020 trên địa bàn tỉnh đạt 60.000 con. Trong đó các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi quy mô lớn khoảng 40.000 con.

Thời gian tới Nghệ An xác định ưu tiên phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, từng bước chuyển đổi cơ cấu đàn vật nuôi để nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu./.

Tuệ Văn (tổng hợp)