Khối tài sản khủng của nhà Tân Hiệp Phát trước lùm xùm bị tố lừa đảo

Kỳ Văn
Làm chủ đế chế nước giải khát có lợi nhuận nghìn tỷ mỗi năm, Tân Hiệp Phát dần lấn sân kinh doanh bất động sản trước khi vướng phải lùm xùm bị tố lừa đảo.

tân hiệp phát

Mới đây cơ quan Cảnh sát điều tra - bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại TP.HCM và tỉnh Đồng Nai. Đáng chú ý, vụ án được khởi tố dựa trên đơn thư tố cáo bà Trần Uyên Phương (SN 1981) và bà Trần Ngọc Bích (SN 1984) - hai con gái của ông Trần Quý Thanh (SN 1957) - Chủ tịch tập đoàn Tân Hiệp Phát và một số cá nhân khác chiếm đoạt tài sản, trốn thuế tại một số dự án bất động sản với giá trị hơn 1.000 tỷ đồng

Thực hư vụ việc ra sao thì phải chờ kết luận của cơ quan điều tra. Tuy nhiên, thông tin nói trên khiến nhiều người cảm thấy bất ngờ bởi tập đoàn Tân Hiệp Phát được biết tới là một gã khổng lồ trên thị trường hàng tiêu dùng nhanh nội địa, mảng đồ uống.

Xét về quy mô thị phần, sức ảnh hưởng, hoàn toàn có thể ví Tân Hiệp Phát là một Cocacola hay Pepsi của Việt Nam, cạnh tranh sòng phẳng với các ông lớn đồ uống nước ngoài trên "sân nhà".

Thành lập năm 1994, dưới sự chèo lái của vợ chồng doanh nhân Trần Quý Thanh - Phạm Thị Nụ (SN 1957), Tân Hiệp Phát trở thành một thương hiệu mạnh, thống lĩnh thị trường Việt Nam trong lĩnh vực nước giải khát, F&B (Food and Beverage Service: Dịch vụ nhà hàng và quầy uống).

Theo giới phân tích, Tân Hiệp Phát phát triển nhanh chóng nhưng bền vững. Tập đoàn này đang tham vọng vươn lên top đầu châu Á trong lĩnh vực F&B.

Theo dữ liệu mà Người Đưa Tin Pháp luật có được, giai đoạn 2016 - 2019, công ty TNHH TM-DV Tân Hiệp Phát - nhà máy tại Bình Dương đã đem về mức doanh thu từ 4.500 - 5.800 tỷ đồng mỗi năm. Lợi nhuận thuần tăng mức hơn 600 tỷ đồng năm 2016 lên mức gần 1.000 tỷ vào năm 2019.

Đáng lưu ý, thu về nguồn lợi nhuận nghìn tỷ mỗi năm, song tính đến ngày 31/12/2019, quy mô vốn chủ sở hữu của công ty chỉ là 648 tỷ đồng, nguồn lợi nhuận giữ lại là 472,6 tỷ đồng.

Điều này có nghĩa là phần lớn lợi nhuận đã được chia cho các cổ đông - toàn bộ là cổ đông cá nhân. Cổ phiếu của Tân Hiệp Phát chưa niêm yết nên tài sản của gia đình ông trùm Dr Thanh vẫn là một ẩn số khiến nhiều người tò mò. Tuy nhiên vì là một tập đoàn gia đình nên hoàn toàn có thể tin rằng "núi tiền" lợi nhuận "khủng" nói trên đều nằm trong tay ông Thanh và người nhà.

Bất động sản - Khối tài sản khủng của nhà Tân Hiệp Phát trước lùm xùm bị tố lừa đảo

Ông Trần Quý Thanh cùng hai con gái Trần Uyên Phương (trái) và Trần Ngọc Bích.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ông Trần Quý Thanh không trực tiếp nắm giữ cổ phần và đề cho vợ con trực tiếp sở hữu. Tương tự, ông Thanh cũng nắm giữ số ít cổ phần tại các nhà máy tại Hậu Giang và Chu Lai, hay Hà Nam. Trong khi đó, lượng lớn cổ phần các doanh nghiệp vận hành những nhà máy này do hai người con gái sở hữu.

Phần lớn lợi nhuận nói trên được tạo ra từ mảng đồ uống với những nhãn hiệu quen thuộc như trà xanh không độ, trà thanh nhiệt Dr Thanh, nước uống tăng lực Number 1...

Thành công ở mảng kinh doanh cốt lõi và tự tin vào điểm tựa tài chính vững chắc, những năm gần đây, Tân Hiệp Phát bắt đầu lấn sân bất động sản, truyền thông, công nghệ... thông qua những khoản đầu tư táo bạo.

Tháng 6/2018, ông Trần Quý Thanh bất ngờ xuất hiện trong vai trò thành viên ban chấp hành câu lạc bộ bất động sản TP. HCM, chia sẻ ý định sẽ dùng nguồn tiền dồi dào của mình để cùng hỗ trợ các hội viên khi họ thiếu vốn cho các dự án.

Năm 2019, gia đình ông ông Tân Hiệp Phát tiếp tục gây chú ý khi thành lập 11 công ty đăng ký hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản, có tổng vốn điều lệ gần 19.000 tỷ đồng .

Hồi đầu năm 2020, Tân Hiệp Phát bất ngờ trở thành đối tác chiến lược với công ty CP Tập đoàn Yeah1 (Mã CK: YEG). Cụ thể, bà Trần Uyên Phương bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để sở hữu 22,04% cổ phần YEG. Mối hợp tác được kỳ vọng sẽ tạo ra giai đoạn phát triển mới cho cả 2 tập đoàn.

Trong một diễn biến liên quan, Bloomberg hồi tháng 3/2019 đưa tin, ông chủ tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết ông đang tìm kiếm một đối tác chiến lược để có thể đầu tư 3 tỷ USD giúp Tân Hiệp Phát trở thành một “Red Bull” tiếp theo trong khu vực.

Theo đó, đối tác mới phải sẵn sàng đầu tư ít nhất 2 cho tới 3 tỷ USD nhằm để công ty mở rộng ra khu vực châu Á và phạm vi toàn cầu và phải có các bí quyết trong ngành hoặc hệ thống phân phối, chứ không chỉ là một nhà đầu tư cổ phần.

Tân Hiệp Phát kỳ vọng sẽ tăng gấp đôi lên 1 tỷ USD trong vòng 5 năm tới và giá trị có thể đạt 5 tỷ USD. Kế hoạch mới của THP diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp này đã tư 500 triệu USD cho 3 nhà máy mới và dự kiến sẽ đầu tư thêm 500 triệu USD nữa cho giai đoạn tiếp theo.

Trước đó, vẫn theo Forbes, vào năm 2012, Tân Hiệp Phát đã từ chối đề nghị hợp tác với giá trị đầu tư lên đến 2,5 tỷ USD từ CocaCola của Mỹ với lý do là hai bên có tầm nhìn khác nhau.

Giới truyền thông vào giai đoạn đó thậm chí còn rộ lên đồn đoán, nếu chấp nhận thương vụ M&A lịch sử đó, ông Trần Quý Thanh có lẽ đã lọt danh sách tỷ phú USD của Forbes từ thời điểm đó, trước cả tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng.

Tuy nhiển, việc xuất hiện trong ForbesBooks từ năm 2018, ông Trần Quý Thanh được xem là gương mặt người Việt tiếp theo lọt danh sách tỷ phú USD của Forbes.

Theo hồ sơ ban đầu tại cơ quan điều tra, tháng 10/2020, ông Lê Văn Lâm - Tổng giám đốc công ty CP Đầu tư phát triển K.O Đồng Nai - tố cáo bà Trần Uyên Phương và ông Trần Quý Thanh cùng một số cá nhân liên quan có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, trốn thuế thông qua việc chuyển nhượng dự án, cổ phần DN, gây thiệt hại cho công ty K.O Đồng Nai hơn 1.000 tỷ đồng.

Trước đó, bộ Công an ra văn bản đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các sở, ngành tạm dừng các biến động tài sản (mua bán, tặng cho, thế chấp cổ phần, quyền sử dụng đất...) đối với công ty Minh Thành Đồng Nai, dự án Khu dân cư dịch vụ theo quy hoạch tại xã An Phước (Long Thành).

Ngày 25/11, bộ Công an cũng gửi văn bản đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo UBND Q.Thủ Đức và Q.Bình Tân giữ nguyên hiện trạng 33 thửa đất đứng tên bà Trần Uyên Phương tại các địa phương này.