Không doanh nghiệp nào muốn sáng tạo khi còn đầy rẫy hàng giả, hàng nhái
Kỳ Văn
09:57 05/05/2022
Theo ông Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, nếu không chống được hàng giả, hàng nhái trên không gian mạng thì khát vọng và mong mỏi của doanh nghiệp sẽ không bao giờ đạt được. Không ai mong muốn sáng tạo hay phát triển khi mà còn đầy rẫy hàng nhái, hàng giả.
Hàng giả, hàng nhái tăng theo quy mô phát triển của thương mại điện tử
Vài năm trở lại đây, xu hướng mua sắm trực tuyến tại Việt Nam phát triển rất nhanh. Tuy nhiên, người tiêu dùng lại đang dần mất niềm tin với hoạt động mua bán trực tuyến trên cả các sàn thương mại điện tử (TMĐT) uy tín lẫn các điểm bán của cá nhân trên Facebook, Zalo do tình trạng bán hàng giả, hàng kém chất lượng có xu hướng ngày càng tăng.
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy chỉ trong năm 2021, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã thực hiện kiểm tra hơn 3.000 vụ việc lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... Số tiền xử phạt lên tới hơn 20 tỷ đồng.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu các nền tảng TMĐT rà soát và gỡ bỏ gần 14.000 sản phẩm, thiết bị hỗ trợ điều trị COVID-19... có dấu hiệu vi phạm trên gần 4.300 gian hàng.
Dự báo trong khoảng 2-3 năm tới, tỷ lệ gian lận thương mại trên TMĐT sẽ chiếm 50-60% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung.
Các diễn giả bày tỏ lo ngại về vấn nạn hàng giả, hàng nhái trên các sàn TMĐT.
Tại đối thoại chuyên đề "Chống hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử" do VnEconomy tổ chức ngày 4/5, ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, cùng sự phát triển của TMĐT, hạ tầng công nghệ thông tin, các hình thức gian lận trong mô hình thương mại truyền thống đã xuất hiện trên TMĐT. Theo đánh giá của Tổng cục Quản lý thị trường, những vi phạm trong thương mại truyền thống đã xuất hiện trên TMĐT.
Ông Nguyễn Đăng Sinh - Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam nhìn nhận, trong dịch bệnh, mua bán hàng hóa trên sàn TMĐT và giao dịch rất sôi động. Chính vì vậy, các hoạt động về gian lận thương mại rất nhiều vì lợi nhuận rất cao. Nhưng nguy hiểm ở chỗ hàng hóa không rõ xuất xứ, đặc biệt là các loại hàng hóa phục vụ chống dịch như kit test, thuốc và thực phẩm chức năng, thực phẩm.
Năm 2021, có đợt lực lượng chức năng thu giữ 300 container từ cửa khẩu với nhiều loại hàng hóa. Nguy hiểm nhất là đồ thực phẩm, có những thực phẩm ăn liền với thời hạn sử dụng lên tới 2 năm.
"Chính vì vậy, tốc độ phát triển TMĐT phải đi theo với kiểm tra, kiểm soát và nhiều lực lượng phải tham gia, bởi hàng hóa tập kết về dưới nhiều hình thức, như đường mòn lối mở, chính ngạch…Khi hàng hóa đã đưa vào thị trường rồi sẽ rất khó kiểm soát", ông Sinh nhấn mạnh.
Là đơn vị vận hành chợ thương mại điện tử lớn, ông Vũ Anh - Giám đốc chiến lược sàn Thương mại điện tử Vỏ Sò nhận định, hàng giả, hàng nhái là vấn đề rất nhức nhối của thị trường nói chung cũng như trong TMĐT nói riêng. Thực tế các sàn TMĐT cố chạy theo mục tiêu mở rộng thu hút được nhiều người bán trên đó. Điều này tạo ra tình trạng có rất nhiều mặt hàng giả, hàng nhái, hàng không đảm bảo chất lượng trên sàn.
Doanh nghiệp chân chính gặp khó
Theo ông Nguyễn Đăng Sinh, tất cả những sản phẩm bị làm giả bao giờ giá cũng rẻ hơn hàng thật bởi giá đầu vào rẻ, không có đăng ký kinh doanh và đóng thuế. Do vậy rất khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Một số doanh nghiệp e ngại không muốn phối hợp làm rõ việc sản phẩm bị làm giả. Thực tế là họ tránh truyền thông. Ví dụ rượu Vodka Hà Nội bán chạy nhưng sau bị làm giả nhiều. Ban đầu doanh nghiệp phối hợp rất tốt với cơ quan chức năng nhưng khi truyền thông đưa tin nhiều thì hàng không bán được nữa vì người tiêu dùng sợ hàng bị làm giả nhiều. Như vậy truyền thông cũng có hai mặt.
"Doanh nghiệp mong muốn cơ quan chức năng ủng hộ và định hướng trong việc làm sáng tỏ việc này để đảm bảo quyền lợi cho họ, để việc kinh doanh được thuận lợi. Với nhiều doanh nghiệp nhỏ, họ gặp rất nhiều khó khăn, vốn ít, hiểu biết về pháp luật cũng ít, không biết đăng ký bản quyền. Do đó, đây là lúc hiệp hội vào cuộc, với ban tư vấn luật, phối hợp với các cơ quan chức năng để hỗ trợ doanh nghiệp", ông Sinh nêu.
Phân tích về khó khăn của doanh nghiệp, ông Võ Trí Thành cho rằng, trong thương mại truyền thống vốn có trăm phương ngàn kế để luồn lách thì bây giờ là với một kênh mới là thương mại điện tử thì các cách lươn lẹo luồn lách tăng lên gấp nhiều lần. Hàng giả hàng nhái, hàng lậu chắc chắn làm thui chột mong muốn kinh doanh, sáng tạo và làm ăn lành mạnh của doanh nghiệp. Thực tế cho thấy cái gì dễ làm thì nguồn lực sẽ được dồn sang đó.
Theo TS Võ Trí Thành, hàng giả, hàng nhái làm thui chột khả năng sáng tạo của doanh nghiệp.
"Do đó, nếu không chống được điều này thì khát vọng và mong mỏi của doanh nghiệp sẽ không bao giờ đạt được. Không ai mong muốn sáng tạo hay phát triển khi mà còn đầy rẫy hàng nhái hàng giả. Do đó, ta phải không chỉ coi đây là vấn nạn mà phải coi là kẻ thù của sự phát triển trong quá trình thực hiện mục tiêu phát triển thịnh vượng. Đây thực sự là giặc xâm lăng đối với mỗi nền kinh tế, mỗi quốc gia", ông Thành nhấn mạnh.
Cần giải pháp căn cơ
Bàn về giải pháp đẩy lùi tình trạng hàng giả, hàng nhái, ông Vũ Anh cho biết, vấn đề nhức nhối này có thể giải quyết bằng cách sự vào cuộc của các cơ quan bộ, ban, ngành; đồng thời đưa ra các khung pháp lý, cơ chế chính sách phù hợp, hướng dẫn các sàn TMĐT.
"Đối với vấn đề tiêu chuẩn hàng hóa, tôi cho rằng các sàn cũng nên hợp tác, phối hợp với các đơn vị truy xuất nguồn gốc, hoặc các tổ chức tiêu chuẩn chất lượng… để xác minh đúng tiêu chuẩn và nguồn gốc hàng hóa, qua đó góp phần làm giảm bớt, tiến tới xóa bỏ hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng trên sàn thương mại điện tử", ông Anh đề xuất.
Để khách hàng, người mua có thể kiểm soát được tình trạng đơn hàng, chất lượng sản phẩm từ cửa hàng, trên hành trình giao hàng và đến tay người tiêu dùng, trên mỗi hành trình đơn hàng đều có thông tin, đưa qua Zalo, SMS. Người mua hàng sẽ luôn luôn được cập nhật trạng thái đơn hàng đang ở đâu, như thế nào. Sắp tới Voso sẽ có cập nhật thêm một số chức năng như: cuộc gọi tự động (nhắc khách hàng đơn hàng sắp đến…), giúp khách hàng check đơn hàng.
Các diễn giả cho rằng, cần có giải pháp căn cơ cũng như vào cuộc của tất cả các bên để giải quyết bài toán hàng giả, hàng nhái.
Trong bối cảnh việc ngăn chặn hàng giả, hàng nhái giống như "thả gà để đuổi", Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam khuyến nghị tất cả người tiêu dùng phải có ý thức trong việc mua bán. Không nên mua hàng tại các địa chỉ không rõ xuất xứ hàng hóa, không rõ địa chỉ kinh doanh. Mua hàng phải có chứng từ, hóa đơn. Hóa đơn là thứ rất quan trọng để làm căn cứ để kiến nghị, xử lý về sau nếu phát sinh vấn đề.
Ông Võ Trí Thành cho rằng, cần có sự phối hợp của các bên liên quan để giải quyết vấn nạn này. Ngay bản thân các cơ quan nhà nước không thể né tránh được, phải bối hợp giữa Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Công thương, Bộ Y tế Ngân hàng Nhà nước hay nhiều cơ quan khác. Do nhiều bên liên quan như vậy nên khung khổ pháp lý cũng phải tính tới tất cả các bên.
Với nguồn lực có hạn trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang hoàn thiện thể chế, cần làm sao để phần nào hạn chế những tiêu cực này một cách có ý nghĩa, đồng thời khuyến khích được mặt tích cực của quá trình sản xuất kinh doanh, của doanh nghiệp trong đất nước.
Ở góc độ cơ quan quản lý, theo ông Nguyễn Đức Lê, giải pháp căn cơ đầu tiên chúng ta phải xây dựng thể chế, nền tảng cơ sở pháp luật làm sao đáp ứng được nhu cầu về quản lý nhà nước trong thời gian tới đối với nền kinh tế số nói chung và TMĐT nói riêng.
"Ở đây phải xây dựng khung pháp lý bắt kịp hơi thở của thời đại trong thời 4.0. Từ xây dựng cơ sở pháp lý đó, các bộ ngành liên quan mới có căn cứ để vào cuộc. Tôi cũng nhất trí với ý kiến các diễn giả là chúng ta phải xây dựng xây dựng lực lượng chức năng chuyên trách, ngày một ngày hai chưa đáp ứng được nhưng thời gian tới phải có vì đòi hỏi hàm lượng kỹ thuật rất lớn", ông Lê nói.
Ngoài ra, theo ông Lê cần tuyên truyền để không những cơ quan chức năng mà người tiêu dùng, doanh nghiệp cần biết được vai trò của mình ở đâu, cần phải làm gì. Nếu không không ai biết vai trò của mình, giống như con thuyền mỗi người chèo một hướng thì không chạy đi đâu cả. Muốn tốt đẹp phải cùng chèo một hướng, từ đó mới ngăn chặn đẩy lùi, dần dần xóa bỏ các hành vi kinh doanh hàng giả, buôn lậu trên không gian mạng.