Kiên Giang: Nhiều khuất tất về giao đất rừng giữa Cityland Phú Quốc và Vườn quốc gia Phú Quốc

Admin
Nhiều khuất tất liên quan đến việc giao đất rừng làm dự án tái định cư và giao, khoán bảo vệ rừng giữa Vườn quốc gia Phú Quốc cho Cityland Phú Quốc cần được làm rõ!
kien-giang-nhieu-khuat-tat-ve-giao-dat-rung-giua-cityland-phu-quoc-va-vuon-quoc-gia-phu-quoc-1690529328.jpg
Vị trí tại, Tiểu khu 53, Vườn quốc gia Phú Quốc, ấp Rạch Tràm, xã Bãi Thơm, TP Phú Quốc

Bản hợp đồng “mờ ám”

Ngày 18/06/2019, Vườn quốc gia Phú Quốc và Công ty cổ phần Đầu tư Địa ốc thành phố Phú Quốc (City Land Phú Quốc) ký kết hợp đồng “Về việc giao, nhận khoán bảo vệ rừng” với diện tích 9,7 ha có vị trí tại, Tiểu khu 53, Vườn quốc gia Phú Quốc, ấp Rạch Tràm, xã Bãi Thơm, TP Phú Quốc. Thời gian thực hiện hợp đồng là 5 năm, từ 2018 đến ngày 31/12/2022.

Trong hợp đồng này, cũng cho thấy trước đó ngày 9/3/2019, Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt phương án nhận, khoán bảo vệ rừng cho Cityland Phú Quốc.

Theo các điều khoản của hợp đồng này, thì Cityland Phú Quốc có nghĩa vụ phát dọn ranh bao quanh diện tích rừng nhận khoán rộng 0,8m (dây leo, cây bụi có đường kính dưới 5cm và được chặt sát gốc) trên khu vực nhận khoán, bảo vệ rừng. Cắm cột mốc theo đúng sơ đồ và vị trí Vườn quốc gia Phú Quốc quy định. Hàng năm phải xây dựng kế hoạch bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng cụ thể trong khu vực nhận khoán… Và phải chịu trách nhiệm về diện tích rừng, đất rừng đã được giao nhận khoán và phải bồi thường thiệt hại khi để rừng, đất rừng bị chặt, phá, lấn chiếm trên diện tích đã được nhận khoán.

Đặc biệt, toàn bộ chi phí liên quan đến việc giao, nhận khoán bảo vệ rừng do Cityland Phú Quốc chịu trách nhiệm.

Như vậy, suốt 5 năm Cityland Phú Quốc ký hợp đồng “Về việc giao, nhận khoán bào vệ rừng” không hề nhận được phần lợi ích nào với Vườn quốc gia Phú Quốc là một dấu hiệu hết sức bất thường. Dư luận cho cho rằng, đây là một bản hợp đồng hết sức “mờ ám” vì giữa hai đơn vị này vì bản vẽ của khu đất lại nằm tại Tiểu khu 62, tại tổ 1, ấp Rạch Tràm, xã Bãi Thơm nơi đang có hàng chục hộ dân đang sinh sống.

Đến ngày, 09/09/2019, Cityland Phú Quốc và Vườn quốc gia Phú Quốc chính thức thực hiện ký kết “Biên bản giao, nhận khoán bảo vệ rừng”.

Theo tìm hiểu của phóng viên Công lý & Xã hội thì trong Giấy phép kinh doanh của Cityland Phú Quốc có lĩnh vực hoạt động chính là: Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê… nhưng không hề có danh mục ngành nghề nào liên quan đến trồng rừng, giao, khoán bảo vệ rừng.

Hợp thức hoá đất rừng bằng biên bản tạm giao

Trước đó, ngày 04/7/2018, Vườn quốc gia Phú Quốc và Cityland Phú Quốc trong đó có đại diện Sở NN&PTNT, Sở TN&MT, Chị cục Kiểm lâm tỉnh Kiên Giang cùng UBND huyện Phú Quốc, Phòng TN&MT, Hạt Kiểm lâm huyện Phú Quốc và UBND xã Bãi Thơm tham gia lập biên bản “Tạm bàn giao mặt bằng xây dựng Khu tái định cư Rạch Tràm cho Cityland Phú Quốc”.

Đây là khu tái định cư dành cho người dân có đất bị thu hồi hơn 173ha tại dự án Khu du lịch sinh thái và Dân cư Rạch Tràm.

rung-cay-bi-chet-kho-trong-khu-tai-dinh-cu-rach-tram-cua-cityland-phu-quoc-1690529408.jpg
Rừng cây bị chết khô trong Khu tái định cư Rạch Tràm của Cityland Phú Quốc

Theo biên bản này, các thành phần tham gia tiến hành tạm giao cho Cityland Phú Quốc 17,9ha là hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp tại Tiểu khu 62, ấp Rạch Tràm, xã Bãi Thơm, huyện Phú Quốc (nay là TP Phú Quốc).

Sau khi nhận tạm bàn giao ngoài thực địa Cityland Phú Quốc thực hiện các quy định như: Phối hợp với Chính quyền địa phương và Vườn quốc gia Phú Quốc làm việc với các hộ gia đình nằm trong diện tích đất được giao để triển khai thực hiện khu tái định cư (do chưa có phương án đền bù giải toả)… Bên cạnh đó chủ đầu tư sớm có phương án trồng rừng thay thế, phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; bồi thường, hỗ trợ phần diện tích đất dân và các thủ tục đầu tư xây dựng có liên quan để có cơ sở cho các cơ quan chức năng lập thủ tục thu hồi đất.

Như vậy, theo biên bản tạm bàn giao này thì Vườn quốc gia Phú Quốc giao “trắng” 17,9 ha đất rừng cho Cityland Phú Quốc thực hiện dự án.

vi-tri-khu-tai-dinh-cu-ra-1690529471.jpg
Ví trí Khu tái định cư Rạch Tràm có diện tích 17,9 ha được Vườn quốc gia Phú Quốc tạm giao cho Cityland Phú Quốc đã được san lấp và làm cơ sở hạ tầng

Có dấu hiệu trục lợi từ bản hợp đồng giao, khoán bảo vệ đất rừng

Hơn 30 hộ dân tại tổ 1, ấp Rạch Tràm, xã Bãi Thơm, TP Phú Quốc đã gửi đơn đến Công lý & Xã hội phản ánh “về việc vi phạm quy định pháp luật về việc quản lý giao đất…” của Vườn Quốc gia Phú Quốc.

Theo đó, phần đất này có diện tích 9,7ha, giáp ranh Khu tái định cư Rạch Tràm và đối diện với dự án Khu du lịch sinh thái và Dân cư Rạch Tràm, hiện nay có 31 hộ dân đang sinh sống hàng chục năm qua và đã có hộ khẩu tại đây. Từ những năm 1995, một số hộ gia đình đã được chính quyền UBND xã Bãi Thơm đã xác lập đăng ký địa chính, không nằm trong ranh giới Vườn quốc gia Phú Quốc.

Để hợp thức hoá khu đất 9,7 ha của những người dân nơi đây, Vườn quốc gia Phú Quốc đã dùng “chiêu trò” ký hợp đồng “về việc giao, khoán bảo vệ rừng” ngày 18/6/2019, với Cityland Phú Quốc tại tiểu khu 53. Nhưng trên thực tế khu vực 31 hộ dân đang sinh sống lại là Tiểu khu 62, nhưng bản vẽ giao đất đính kèm theo hợp đồng trên lại đúng với vị trí khu đất này.

hien-trang-khu-dat-97ha-co-31-ho-dan-dang-sinh-song-nam-doi-dien-du-an-khu-du-lich-sinh-thai-1690529529.jpg
Hiện trạng khu đất 9,7ha có 31 hộ dân đang sinh sống nằm đối diện Dự án Khu du lịch sinh thái và Dân cư Rạch Tràm chỉ một con đường

Bà Bùi Thị Kim Trường (SN 1958) trú tại tổ 1, ấp Rạch Tràm cho biết: Ngày 28/9/1994, tôi được Chi cục Điều động dân cư Kiên Giang cấp “Thẻ di dân” đến ấp Rạch Tràm, xã Bãi Thơm khai hoang, lập nghiệp. Gia đình tôi sử dụng 3,5 ha đất có nhà và đã được cấp hộ khẩu và sống ổn định từ đó đến nay. Đất tôi được sử dụng từ trước ngày 01/7/2004, theo quy định tại Điều 101 Luật đất đai 2013 và Điều 20 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2015, của Chính phủ thì đã đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong khi đó, Vườn quốc gia Phú Quốc đến 2001 mới được thành lập.

“Chỉ nắm trong tay hợp đồng được giao 9,7ha ở tiểu khu 53 nhưng bản vẽ lại nằm trên khu đất của chúng tôi sinh sống, Cityland Phú Quốc đã nhiều lần dùng mọi thủ đoạn để đuổi các hộ dân ra khỏi khu vực này để lấy đất. Thậm chí Cityland Phú Quốc còn cho những đối tượng xăm trổ vào nhà tôi và các gia đình khác hăm doạ, phá rối nhưng chính quyền địa phương lại làm ngơ. Rõ ràng, Cityland Phú Quốc cấu kết với Ban giám đốc Vườn quốc gia Phú Quốc và dựa vào hợp đồng giao, nhận khoán bảo vệ rừng trên để viện cớ chúng tôi chiếm dụng khai phá đất rừng trái phép là một kịch bản đã được sắp đặt sẵn”. Bà Trường bức xúc.

Từ những bằng chứng trên cho thấy Cityland Phú Quốc và Ban giám đốc Vườn quốc gia Phú Quốc đang có dấu hiệu cấu kết nhau "đẻ ra" hợp đồng “Về việc giao, nhận khoán bảo vệ rừng” để trục lợi. Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền làm rõ vụ việc này, để tạo niềm tin vào sự lãnh đạo của chính quyền và trả lại công lý cho người dân.