Kỳ vọng 80% doanh nghiệp Việt Nam dùng điện toán đám mây vào năm 2025
Kỳ Văn
18:34 04/12/2021
Giới chuyên gia kỳ vọng, đến năm 2025, 80% doanh nghiệp (DN) Việt Nam sẽ sử dụng điện toán đám mây (ĐTĐM). Đến năm 2030, ĐTĐM được ứng dụng rộng khắp phục vụ Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Các DN công nghệ số Việt Nam làm chủ hạ tầng ĐTĐM.
Tọa đàm trực tuyến “Xây dựng, bảo mật nền tảng điện toán đám mây - Cơ sở hạ tầng quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Công ty Viettel IDC & Akamai Technologies vừa được tổ chức ngày 3/12. Tại buổi tọa đàm, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, trong những năm gần đây, ĐTĐM đã tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp máy tính, thay đổi cơ bản cách thức sử dụng các nguồn tài nguyên, cơ cấu vận hành cũng như việc lưu trữ, phân phối và xử lý thông tin.
Dẫn dữ liệu từ Tổ chức Nghiên cứu Synergy công bố gần đây, ông Phòng cho hay, thị trường cơ sở hạ tầng đám mây trong năm 2020 có sự tăng trưởng đáng kể, lên tới 129 tỉ USD so với khoảng 97 tỉ USD vào năm 2019. Theo TechCrunch, báo cáo của Synergy cũng cho biết doanh thu thị trường đám mây đạt 37 tỉ USD trong quý 4 năm 2020, tăng từ 33 tỉ USD trong quý 3 và tăng trưởng 35% so với một năm trước đó. Năm 2021, hạ tầng đám mây đã và đang cung cấp năng lượng cho các công ty thích ứng với "trạng thái bình thường mới".
"Tại Việt Nam, ĐTĐM là một trong các trọng tâm của chiến lược hạ tầng số, bên cạnh hạ tầng kết nối viễn thông như 5G, một số platform thiết yếu, hay hệ thống đường truyền internet cáp quang. Hạ tầng số phát triển là bệ phóng cho chuyển đổi số, với mục tiêu thúc đẩy kinh tế số đóng góp 20% GDP toàn nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025", ông Phòng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Trần Minh Tuấn - Phó Viện trưởng phụ trách điều hành, Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, dịch bệnh COVID-19 đã khiến nhu cầu về ĐTĐM tăng vọt và ngành viễn thông đã mở rộng hết công suất cáp quang biển quốc tế, các hệ thống ĐTĐM để hỗ trợ.
Ông Trần Minh Tuấn - Phó Viện trưởng phụ trách điều hành, Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông chia sẻ tại sự kiện.
"Với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, từ nay đến năm 2025, ĐTĐM có thể đạt tốc độ phát triển từ 49% - 50%/năm. Đây là thị trường rất lớn mà các DN viễn thông Việt Nam cần hướng tới. Đặc biệt xu hướng chuyển đổi số đòi hỏi các DN phải đưa hoạt động lên lên môi trường số bởi COVID-19 đã thay đổi toàn bộ hành vi ứng xử của mọi người. Trên cơ sở đó, hạ tầng số cũng chuyển từ hạ tầng cung cấp từng loại dịch vụ sang cung cấp tất cả các dịch vụ", ông Tuấn đánh giá.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, dự kiến tốc độ phát triển của thị trường ĐTĐM sẽ đạt bằng tốc độ phát triển của thị trường ĐTĐM Trung Quốc giai đoạn 2016 - 2020 là 49%. Theo đó sẽ đạt con số tương đối ngưỡng mộ là 4,7 tỷ USD năm 2025, chiếm khoảng gần 1% GDP quốc gia, và khoảng 20% doanh thu của các dịch vụ ĐTĐM đó sẽ đến từ khối Chính phủ", ông Tuấn nói.
"Chúng tôi đặt ra mục tiêu hết sức kỳ vọng đến năm 2025, 80% DN Việt Nam sẽ sử dụng ĐTĐM. 100% cơ quan Nhà nước sử dụng dịch vụ ĐTĐM của nhà cung cấp dịch vụ trong nước. 70% thị phần doanh thu và thuê bao dịch vụ ĐTĐM tại Việt Nam thuộc các nhà cung cấp dịch vụ trong nước - cao hơn rất nhiều so với con số hiện nay là 20%", ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn, đến năm 2030, ĐTĐM được ứng dụng rộng khắp phục vụ Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Các DN công nghệ số Việt Nam làm chủ hạ tầng ĐTĐM. Ngoài ra, các dịch vụ ĐTĐM có chất lượng cao, đa dạng loại hình, giá cước phù hợp, khả năng lưu trữ và xử lý ĐTĐM mạnh mẽ phục vụ phân tích dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo.
ĐTĐM sẽ bùng nổ rất mạnh khi Chính phủ tung ra chương trình "Cloud first", trong đó khuyến khích tất cả các DN và cơ quan Nhà nước sử dụng ĐTĐM. Điều này đòi hỏi tất cả các DN Việt Nam, đặc biệt là các DN cung cấp dịch vụ phải sẵn sàng cung cấp dịch vụ bởi vì nhu cầu của người dân và DN đã có.
Với mục tiêu và kỳ vọng trên, ông Tuấn đề xuất hình thành các cụm trung tâm dữ liệu quy mô lớn, theo tiêu chuẩn xanh bám sát quy hoạch vùng năng lượng, phục vụ mục tiêu phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Bảo đảm hạ tầng trung tâm dữ liệu được kết nối đồng bộ, dữ liệu liên thông và có khả năng dự phòng lẫn nhau, thúc đẩy phát triển công nghiệp dữ liệu lớn. Đồng thời nâng cao hiệu suất và khai thác hiệu quả các trung tâm dữ liệu hiện có, thúc đẩy phát triển các trung tâm dữ liệu biên phân tán quy mô vừa và nhỏ đặt gần với người sử dụng.