Kỳ vọng gói tín dụng cho bất động sản

Admin
Doanh nghiệp bất động sản trước mắt có thể phải hy sinh thành quả trong nhiều năm để tự cứu mình.
luong-tien-1676791425.jpg

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững mới đây, Thống đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết đã họp với 4 NH thương mại nhà nước, thống nhất dành một gói tín dụng cho lĩnh vực BĐS trị giá 120.000 tỉ đồng với lãi suất cho vay thấp hơn 1,5-2 điểm % so với bình quân trên thị trường.

Cũng tại hội nghị này, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho hay đã đề xuất Chính phủ bố trí gói tín dụng khoảng 110.000 tỉ đồng theo phương thức tái cấp vốn cho các NH thương mại để cho vay đối với dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Những thông tin trên đang thu hút sự quan tâm của thị trường BĐS trong bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn.

Việc đưa ra gói tín dụng 120.000 tỉ đồng không có nghĩa NH Nhà nước mở rộng cung tiền để 4 NH thương mại cho vay, mà có thể NH thương mại dành ra khoản tín dụng để cơ cấu lại một số mảng gặp rủi ro cao và chuyển sang đối tượng vay có rủi ro thấp. Tuy nhiên, sự cam kết giảm lãi suất là một tín hiệu tốt với thị trường lúc này.

Còn đề xuất của Bộ Xây dựng về gói tín dụng 110.000 tỉ đồng dành cho phát triển nhà ở xã hội là cần thiết bởi sự phát triển của thị trường BĐS thời gian qua đã khiến nhiều người phải "lùi về phía sau" trong việc tiếp cận nhà ở. Nếu đề xuất này được thực thi, hy vọng NH Nhà nước sẽ mở hạn mức (room) tín dụng để "tưới tiêu" phần nào cho thị trường, thúc đẩy thị trường chuyển động nhanh hơn.

Thời gian qua, để phát triển nhanh, không ít doanh nghiệp (DN) BĐS đầu tư cùng lúc quá nhiều dự án. Đổ quá nhiều vốn vào đầu tư cũng tức là họ dùng vốn vay quá nhiều. Khi nhiều DN cùng dựa vào vốn vay để hoạt động sẽ gây ra một số vấn đề cho toàn hệ thống. Thực tế, nợ xấu của NH thương mại vẫn thấp, lợi nhuận vẫn lớn và NH có công cụ để đẩy các khoản nợ xấu ra khỏi bảng cân đối tài sản. Tuy nhiên, DN BĐS cần tự xử lý những vấn đề của mình thông qua phương án chấp nhận bán một số dự án có tài sản lớn để quay vòng dòng tiền thay vì chờ vốn tín dụng cấp thêm, chờ nhà nước hỗ trợ.

Nhiều DN nói rằng lúc này khó cắt lỗ bằng cách bán dự án vì không ai có tiền để mua. Nếu dự án đã giảm 20% vẫn chưa có người mua thì DN có sẵn sàng giảm đến 40% để sản phẩm hấp dẫn hơn? Việc giải bài toán khó lúc này nằm trong tay DN. Nói nền kinh tế thiếu vốn là chưa hẳn đúng vì tín dụng liên tục tăng trưởng cao, NH Nhà nước cũng không rút mạnh tiền về hay tăng mạnh lãi suất. Tiền vẫn nằm trong dân và nhà đầu tư tiềm năng luôn chờ cơ hội.

DN BĐS trước mắt có thể phải hy sinh thành quả trong nhiều năm để tự cứu mình. Tuy nhiên, tình hình hiện tại tốt hơn nhiều so với giai đoạn 2011-2013, nguồn lực quốc gia cũng mạnh hơn và ảnh hưởng của BĐS với hệ thống NH thấp hơn. Những DN làm ăn đàng hoàng sẽ hiểu được quy luật của thị trường BĐS để từ đó không đầu tư dàn trải, vay nợ bất chấp và thậm chí có thể phát triển nhờ tận dụng cơ hội từ những khó khăn của DN khác.