Lã Thành Luân nghệ nhân 'tay ngang': Từ đam mê điêu khắc đến những tuyệt tác để đời

Kỳ Văn
Không ai nghĩ từ chỗ bị gia đình cấm cản, phải đi học nghề sửa chữa xe ôtô theo ý nguyện của cha mẹ thay vì được theo đuổi niềm đam mê từ bé là điêu khắc gỗ, chàng trai 8X lại tự học hỏi, mày mò và cho ra đời những tuyệt tác điêu khắc được rất nhiều người yêu mến, ủng hộ.

Sự quyết tâm của Nghệ nhân điêu khắc “tay ngang” Lã Thành Luân (sinh ra tại xã Yên Phương, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) khiến nhiều người phải ngưỡng mộ. Và hành trình dám bỏ lại tất cả, để theo đuổi đam mê, mà bất kỳ ai khi nghe chàng trai này kể lại, đều cảm thấy được truyền nguồn động lực, niềm tin vào cuộc sống, chỉ cần có đam mê cộng thêm sự quyết tâm, không gì là không thể.

Điêu khắc ăn sâu vào máu

Anh Luân mê các bức tượng bằng gốm và gỗ từ nhỏ, khi cùng cha mẹ đi chơi chợ Viềng, được tận mắt quan sát các bức tượng trong lòng đã ấp ủ niềm khát khao được sở hữu, nhưng do gia đình không có điều kiện để mua nên đã nảy sinh ý tưởng đi học nghề để vừa được làm vừa được chơi cho thoả niềm đam mê.

“Hình ảnh các pho tượng được các nghệ nhân thổi hồn vào luôn hiện hữu trong đầu. Thủa bé tôi đã luôn suy nghĩ làm sao để mình có thể tạc được các pho tượng đẹp bằng những khúc gỗ sần sùi. Niềm đam mê từ lâu đã luôn chảy trong máu của tôi. Từ những chi tiết nhỏ như đôi mắt, đến kích cỡ của pho tượng luôn được tôi ghi nhớ để làm vốn cho mình, để một ngày nào đó mình sẽ tạo ra những pho tượng tuyệt tác” anh Luân chia sẻ.

Lã Thành Luân kể: “Năm học lớp 9, một mình vào Sài Gòn ở nhờ nhà anh họ để học điêu khắc ở xưởng mộc. Nhưng chỉ được mấy tháng phải bỏ dở về quê vì cha mẹ chỉ muốn tôi trở về nhà để làm nghề khác”.

Đến năm 18 tuổi anh Luân nhập ngũ, sau khi hoàn thành quân ngũ trở về quê được cha mẹ định hướng cho đi học nghề sửa chữa ôtô. Trong thời gian đi học vì được đọc nhiều cuốn sách về đam mê cuộc đời nên mơ ước trở thành nghệ nhân điêu khắc gỗ trong người lại trỗi dậy.

“Lúc đó chỉ còn 2 tháng là tôi sẽ tốt nghiệp lớp nghề sửa chữa ôtô nhưng tôi quyết định bỏ tất cả, chạy theo đam mê của mình, tôi bỏ dở việc học và dấu gia đình trở lại Sài Gòn một lần nữa”, anh Luân bộc bạch.

Những tưởng chỉ cần có đam mê thì mọi việc sẽ dễ dàng, suôn sẻ nhưng đời không như là mơ, trở lại xưởng mộc cũ nhìn thấy hình ảnh những thế hệ sư huynh học nghề từ năm mình còn lớp 9 tới nay vẫn chưa ra nghề được ý chí có sự lung lay. Nhưng bằng sự quyết tâm, cố gắng anh Luân ngày ngày tự nhắc nhở bản thân phải cố gắng. Và cuối cùng cũng bắt đầu cho ra được những tác phẩm điêu khắc đầu tay.

la-thanh-luan-1625281505.jpg
Tác phẩm điêu khắc Thiên Trà.

Hành trình gian nan tạo ra những tuyệt tác

“Sau thời gian bỏ nghề, chỉ được học trên sách vở mà không thực hành thực tế, đối tay lắm lúc cứ tỏ ra bất hợp tác. Năm 24 tuổi tôi mới bắt đầu mày mò khắc vẽ những bức tượng đầu tiên, nên chỉ biết đặt mục tiêu phải làm bằng được và cố gắng hết mình. Tôi lao vào nghề miệt mài từ sáng sớm tới đêm muộn, lúc đầu mọi người trong xưởng ai cũng chế nhạo. Nhưng sự cố gắng hết mình, chịu khó quan sát học hỏi để thu lượm kiến thức dần dần ở xưởng ai cũng tin yêu và chỉ dạy thêm nhiều để tôi có thể hoàn thiện các tác phẩm”, anh Luân tâm sự.

Ngoài giờ ở xưởng, cứ lúc rảnh rỗi anh Luân lại xin ra ngoài để học hỏi thêm những cái mới về nghề điêu khắc. Luân tìm đến các nghệ nhân ở TP HCM để trau dồi thêm về nghề nhưng đều bị từ chối. Không nản chí anh Luân lại mày mò sách vở, học trên các phương tiện Internet, rồi lâu dần có thêm nhiều kinh nghiệm và chắc tay hơn.

Năm 2014 anh đã quyết định thuê một ngôi nhà hoang vắng gần nghĩa địa để tự học hỏi vì nơi đó yên tĩnh và giá cả phù hợp với với khả năng chi trả tiền mặt bằng. Lúc ban đầu mới mở xưởng, khách hàng không có, tay nghề yếu, máy móc không có đủ để tác nghiệp, ban ngày anh Luân phải tìm đến các xưởng xin việc gia công các mặt hàng ( con giống, cây cối, tượng di lạc..vv) đem về xưởng của mình làm, ban đêm tự nghiên cứu học thêm.

“Lúc bấy giờ tôi chỉ mong sao có đủ tiền chi trả mặt bằng, trang trải cuộc sống thường nhật để tiếp tục đam mê, quả thực những năm đó rất khó khăn, ngày tết cũng không có điều kiện về thăm bố mẹ phải một mình đón tết xa nhà”, anh Luân bộc bạch.

dieu-khac-1625281728.jpg
Tuyệt tác Diện Tổ Bồ Đề Đạt Ma rất tâm huyết do chính tay Lã Thành Luân điêu khắc.

Anh Luân kể, kỷ niệm khó quên khi làm sang lĩnh vực truyền thần bức tượng đầu tiên đến từ một vị khách lạ, vị khách yêu cầu làm tượng truyền thần bố, mẹ. Đây là lĩnh vực anh chưa từng làm trước đó nhưng vẫn liều nhận để làm, loay hoay mãi không tìm ra phương án, gần đến ngày trả hàng mà chưa xong. Cuối cùng tôi quyết định đóng cửa xưởng nghiên cứu ngày đêm để làm bằng được tượng cho khách. Vừa làm vừa tâm niệm, cầu xin nhân vật mình đang khắc chỉ đường dẫn lối và may mắn đã mỉm cười. Cuối cùng sau 10 ngày đã hoàn thành được bức tượng, vượt qua giới hạn chính mình. “Qua những lần như thế tôi cảm thấy tay nghề của mình được tôi luyện, trưởng thành hơn nhiều, từ đó người khách trước giới thiệu người khách sau, đơn hàng nhiều càng nhiều lên”, anh Luân kể.

Những năm 2016, nghệ nhân Lã Thành Luân đã tạo ra được rất nhiều tuyệt tác, với các đơn hàng đa dạng. Làm người nổi tiếng Như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cố nhạc sỹ Trần Lập, cố nhạc sỹ Văn Cao, Nhà bác học Albert Einstein...vv… Đầu năm 2018, anh Luân cũng đã chuyển xưởng về quê nhà Nam Định sau những tháng ngày mưu sinh học hỏi ở mảnh đất Sài Thành.

Giờ đây, Lã Thành Luân còn thông qua cả mạng xã hội để nhận làm các đơn hàng để điêu khắc tượng chuyền thần đa dạng hơn (tổ đạt ma, tượng chân dung…) và đều được mọi người đón nhận yêu mến, ủng hộ. Được biết, 2 năm qua xưởng điêu khắc của Lã Thành Luân đi theo điêu khắc truyền thần & tuyệt tác nhân vật Tổ Đạt Ma là một trong nhiều tuyệt tác được yêu mến và đón nhận.

Lã Thành Luân tâm sự cho kế hoạch dự định trong tương lai anh mong muốn được đóng góp thêm nhiều tác phẩm điêu khắc đẹp và mang những ý nghĩa nhân văn cô đọng tới với mọi người anh luôn tâm niệm “không có áp lực thì sẽ không có kim cương” và tuổi trẻ khi tìm được đam mê hãy nuôi dưỡng, sống hết mình với đam mê.

Với sự sáng tạo trong điêu khắc, táo bạo và dám đột phá đan lẫn kết hợp giữa tượng gỗ và màu sắc đã làm cho những tác phẩm mang tính chất khác biệt và tạo thương hiệu riêng cho Lã Thành Luân ngày hôm nay.