Lãi huy động giảm, tạo đà giảm lãi suất cho vay

Admin
Tận dụng lợi thế nguồn vốn rẻ để giảm lãi suất các gói tín dụng kinh doanh cuối năm đang được các TCTD đẩy mạnh triển khai để hỗ trợ người dân, DN phục hồi sản xuất - kinh doanh trong những tháng còn lại của năm 2020.

Tạo nguồn vốn rẻ

Tính đến trung tuần tháng 11/2020, làn sóng giảm lãi suất huy động của các NHTM trong nước đã lan tỏa khắp hệ thống. Nhiều ngân hàng đã mạnh tay giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài trên 12 tháng về dưới 6%/năm; trong khi các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng ở một số ngân hàng về quanh 3%/năm, thấp hơn nhiều so với trần quy định của NHNN.

Ghi nhận tại Vietcombank cho thấy, đến tuần vừa qua, lãi suất huy động kỳ hạn 24 tháng của TCTD này đã ở mức 5,7%/năm, kỳ hạn 36 tháng là 5,4%/năm so với biểu lãi suất hồi tháng 10. Tại Agribank lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng là 5,9%. Trong khi đó tại Techcombank, khách hàng gửi tiết kiệm 3 tỷ đồng kỳ hạn dưới 6 tháng lãi suất đã chỉ còn từ 2,65-2,95%/năm; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên chỉ còn khoảng 4,7-4,9%/năm.

Lãi huy động giảm, tạo đà giảm lãi suất cho vay - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

So với tháng 10, lãi suất gửi tiết kiệm trực tuyến tại nhiều ngân hàng khác cũng có sự điều chỉnh khá mạnh. Chẳng hạn gửi tiết kiệm trực tuyến (kỳ hạn 3 tháng) tại SCB, GPBank, VIB, VietCapitalBank hiện nằm quanh mức 3-4,05%. Kỳ hạn 6 tháng tại CB và NCB khoảng 4-6,65%, trong khi kỳ hạn 12 tháng cao nhất tại NCB, SCB và Kienlongbank hiện cũng chỉ 7,1-7,3%/năm.

Việc lãi suất huy động giảm liên tục trong những tháng vừa qua một mặt giúp cho các ngân hàng cơ cấu lại nguồn vốn huy động; mặt khác tạo ra nguồn vốn rẻ, từ đó tạo ra dư địa giảm thêm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, DN phục hồi sản xuất - kinh doanh những tháng cuối năm.

Có nhiều nguyên nhân khiến lãi suất huy động giảm. Thứ nhất lạm phát đang giảm tốc khá nhanh đã tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm sâu hơn lãi suất huy động mà vẫn đảm bảo thực dương để hấp dẫn người gửi tiền. Thứ hai, thanh khoản của hệ thống cũng đang rất dồi dào do tín dụng tăng chậm. Thanh khoản dồi dào đã khiến lãi suất liên ngân hàng giảm sâu và đứng ở mức rất thấp. Thứ ba, hiện tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư an toàn và có mức sinh lời khá hấp dẫn đối với nhiều người dân. Bằng chứng là dù mặt bằng lãi suất huy động giảm khá mạnh so với đầu năm, song nguồn vốn chảy vào hệ thống ngân hàng qua kênh tiết kiệm vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá.

Tuy nhiên, ở góc độ kinh doanh của các NHTM, việc gia tăng dòng tiền gửi tiết kiệm trong khi đầu ra tín dụng gặp khó vì cầu tín dụng yếu như hiện nay cũng là một áp lực lớn.

Tạo dư địa giảm thêm lãi suất cho vay

Theo ghi nhận của Thời báo Ngân hàng, hiện các NHTM đều đã chủ động nhiều giải pháp tích cực và phù hợp để kích thích nhu cầu tín dụng, trong đó có việc giảm sâu hơn lãi suất cho vay.

Đơn cử hiện Vietcombank đã công bố cho vay kinh doanh đối với các DNNVV ở mức 5,9%/năm tức là tương đương với mức huy động kỳ hạn 12 tháng. Agribank cũng đã tuyên bố giảm tiếp 0,3% lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên. Trong đó, cho vay ngắn hạn chỉ ở mức tối đa 4,5%/năm. Các NHTM khác như MB, HDBank, VPBank hiện cũng đã áp dụng cho vay kinh doanh và mua sắm cuối năm với mức lãi suất từ 5,99% - 6,8%/năm. Tất cả những diễn biến này cho thấy rằng, nhiều khả năng làn sóng giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và tiêu dùng sẽ tiếp tục lan tỏa và tạo ra sự cạnh tranh sôi động trong 2 tháng còn lại của năm 2020.

Đặc biệt những ngân hàng có tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn lớn như Techcombank, Vietcombank, MB, MSB… càng có cơ hội để hạ sâu lãi suất cho vay. Theo đó, trong 10 tháng vừa qua, tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn của các nhà băng này đạt mức từ 22,6-37% tổng tiền gửi khách hàng. Các nhà băng khác như ACB, VIB, LPB, OCB… tỷ trọng này cũng ở mức 10-18%.

Điều này cho thấy những chiến lược số hóa, đổi mới tiện ích thanh toán để thu hút tiền gửi lãi suất thấp (0,1-0,2%/năm) của các ngân hàng đang khá hiệu quả. Đây sẽ là cơ sở để các đơn vị tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với các gói tín dụng trọng điểm mặc dù hiện nay 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên lãi suất cho vay đã ở mức gần bằng lãi huy động là 4,5% (đối với kỳ ngắn hạn).

Bên cạnh đó, các ngân hàng còn đẩy mạnh các sản phẩm dịch vụ phi tín dụng để tăng nguồn thu bù đắp cho sự giảm sút từ hoạt động tín dụng. Báo cáo tài chính quý 3 của nhiều ngân hàng đã ghi nhận mức tăng trưởng khá tích cực của các mạng kinh doanh phi tín dụng. Chẳng hạn như Techcombank, trong 9 tháng đầu năm lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của nhà băng này đạt tới gần 3.120 tỷ đồng, tăng tới 65% so với cùng kỳ năm trước. Hay như VPBank, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ 9 tháng cũng tăng 20% so với cùng kỳ, đạt 2.323 tỷ đồng… Việc gia tăng lợi nhuận từ mảng dịch vụ cũng sẽ giúp cho các ngân hàng có thể giảm thêm lãi suất cho vay mà vẫn đảm bảo được chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.