Làm mất tài sản thế chấp, Eximbank thua kiện khách hàng

Admin
Sau gần nửa năm thế chấp tài sản tại Eximbank - Chi nhánh Quận 7 (TP HCM), hơn 451.359m³ gỗ căm xe của Công ty NTC nhập khẩu từ Myanmar đã “không cánh mà bay”. Phát hiện sự việc, khách hàng kiện ra tòa và Eximbank thua kiện.

Hơn 451.359m³ gỗ "bốc hơi"

Theo hồ sơ thể hiện, ngày 19/01/2012, Công ty NTC (gọi tắt theo đề nghị của công ty - PV) và Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam – Chi nhánh Quận 7 (gọi tắt là Eximbank) cùng ký kết Hợp đồng thế chấp tài sản số 1/12/EIBQ7-KHDN/TSTC để thế chấp 455 lóng gỗ căm xe (tương đương 546.192m³), nhập khẩu từ Myanmar.

Giá trị hàng hóa thế chấp được xác định theo biên bản ngày 19/1/2012 là hơn 5,7 tỷ đồng. Toàn bộ hàng hóa thuộc hợp đồng thế chấp tài sản này được dùng để đảm bảo cho Hợp đồng tín dụng kiêm khế ước nhận nợ số 1403-LDS-201200091 ngày 20/1/2012, với khoản vay 4 tỷ đồng, lãi suất vay là 20,8%/năm, lãi suất vay quá hạn là 150% lãi suất vay.

lam mat tai san the chap eximbank thua kien khach hang
Bản án sơ thẩm của TAND Quận 7, TP HCM

Để thực hiện hợp đồng thế chấp, Eximbank Quận 7 đã chỉ định Công ty Cổ phần Đầu tư và Tiếp vận Mê Kông (Công ty Mê Kông) làm đơn vị bảo quản số tài sản thế chấp trên.

Cùng ngày 19/1/2012, Công ty NTC đã ký Hợp đồng bảo quản tài sản thế chấp số 01/2012/HĐTK giữa 3 bên là Công ty NTC (bên A), Eximbank (Bên B), Công ty Mê Kông (Bên C) để bảo quản và trông giữ tài sản thế chấp nói trên.

Ngày 20/1/2012, Công ty NTC đã nhận được khoản tiền vay theo đúng hợp đồng tín dụng.

Khoảng tháng 5/2012, trong lần ghé kho của Công ty Mê Kông, Công ty NTC phát hiện hàng hóa thế chấp cho ngân hàng tại kho bị thiếu hụt.

Ngày 5/7/2012, Công ty NTC cùng Eximbank và Công ty Mê Kông tiến hành kiểm tra tình trạng hàng và phát hiện số lượng hàng bị thiếu hụt là 376 lóng, tương đương 451.359m³ gỗ.

Quá trình kiểm tra đã xác định được Công ty TNHH Trường Sao (Công ty Trường Sao) là đơn vị lấy số hàng trên.

lam mat tai san the chap eximbank thua kien khach hang
Biên bản kiểm tra hàng hóa thế chấp ngày 5/7/2012, phát hiện số lượng hàng bị thiếu hụt là 376 lóng, tương đương 451.359m³ gỗ

Theo biên bản làm việc ngày 5/7/2012, được ký giữa Công ty Trường Sao, Công ty NTC và Công ty Mê Kông có thể hiện: “Trong quá trình hợp tác kinh doanh giữa các Công ty Trường Sao, Công ty Hùng Hưng (cùng do ông Châu Đại Quang làm đại diện) và Công ty NTC, Công ty TPL do ông H.V.D làm đại diện có trao đổi và mượn hàng hóa với nhau” (viết tắt theo yêu cầu của bạn đọc - PV).

Do đó, để giải quyết lượng hàng hóa bị thiếu hụt do Công ty Trường Sao lấy, Công ty Trường Sao và Công ty NTC đã ký cam kết trong thời hạn 60 ngày sẽ thực hiện các nội dung sau: “Công ty Trường Sao và Công ty Hùng Hưng sẽ tất toán với Ngân hàng Quân đội số tiền vay hơn 6 tỷ đồng để giải chấp lô hàng gỗ trắc đã mượn của Công ty TPL và Công ty NTC; Còn Công ty TPL và Công ty NTC sẽ tất toán 2 khoản vay tại Ngân hàng Eximbank với tổng số tiền 7,5 tỷ đồng để giải chấp 2 lô hàng được lưu giữ tại kho cảng Mê Kông, Quận 9 (lô gỗ giả tỵ và lô gỗ căm xe) đã mượn của Công ty Trường Sao và Công ty Hùng Hưng”.

Tuy nhiên, nội dung biên bản này sau đó được cho là giả tạo. Cụ thể, theo trình bày của Công ty NTC: “Mục đích ký cam kết này là nhằm hạn chế thiệt hại cho các bên, để các bên liên quan có thời gian khắc phục hậu quả. Vì trước đây Công ty Hùng Hưng, Công ty Trường Sao từng là đối tác tin tưởng của Công ty NTC. Còn trên thực tế không hề tồn tại giao dịch này”.

Hết thời hạn 60 ngày, các bên không thực hiện đúng cam kết theo thỏa thuận nên Công ty NTC khởi kiện ra Tòa.

Eximbank thua kiện khách hàng

Ngày 19/11/2019, TAND Quận 7, TP HCM đưa vụ án “Tranh chấp hợp đồng thế chấp tài sản và hợp đồng tín dụng” giữa nguyên đơn là Công ty NTC và bị đơn là Eximbank ra xét xử sơ thẩm.

Tại phiên tòa, Eximbank cho rằng, trong quá trình nhận thế chấp hàng hóa, ngân hàng đã thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình được quy định trong Hợp đồng thế chấp tài sản, Hợp đồng thuê bảo quản tài sản đã ký. Do đó, việc Công ty NTC yêu cầu ngân hàng hoàn trả lại tài sản còn thiếu là không có cơ sở.

Eximbank cũng viện dẫn biên bản làm việc ngày 5/7/2012 được ký giữa các bên để “thoái” trách nhiệm của mình trong vụ việc. Tuy nhiên, nội dung này đã bị Tòa nhận định là không có căn cứ nên bác bỏ.

Hội đồng xét xử (HĐXX) cho rằng, theo nội dung biên bản trên thì loại gỗ mà Công ty Trường Sao mượn của Công ty NTC là gỗ trắc, không phải gỗ căm xe mà Công ty NTC đã thế chấp cho ngân hàng và Công ty NTC có đầy đủ giấy tờ chứng minh số gỗ đã thế chấp cho ngân hàng thuộc quyền sở hữu hợp pháp của Công ty NTC. Trong khi đó, không có tài liệu chứng cứ nào thể hiện đây là tài sản của Công ty Trường Sao hoặc Công ty Hùng Hưng.

Ngoài ra, trong suốt quá trình tố tụng, Công ty Trường Sao và Công ty Hùng Hưng không có ý kiến, cũng không cung cấp chứng cứ chứng minh việc Công ty NTC mượn gỗ của công ty mình đem thế chấp.

Việc Công ty Mê Kông căn cứ vào biên bản làm việc ngày 5/7/2012, thể hiện tài sản thế chấp là của Công ty Trường Sao hoặc Công ty Hùng Hưng nhưng ngoài biên bản trên, Công ty Mê Kông không xuất trình được tài liệu nào khác để chứng minh đây là tài sản của Công ty Trường Sao hoặc Công ty Hùng Hưng. Mặt khác, tại biên bản làm việc ngày 5/7/2012, cũng không có ý kiến và xác nhận của ngân hàng, do đó, không có cơ sở xem xét.

Cũng theo HĐXX, để đưa được hàng hóa thế chấp ra khỏi kho thì ngoài việc phải có lệnh xuất kho của ngân hàng và phải có đầy đủ chữ ký của một trong hai người của ngân hàng thì phía Công ty Mê Kông mới duyệt cho hàng ra khỏi kho. Đồng thời, Công ty Mê Kông cũng xác nhận không có tài liệu chứng cứ nào chứng minh việc Công ty Trường Sao, Công ty Hùng Hưng, Công ty NTC, Công ty TPL vào kho trao đổi hàng hóa và lấy hàng ra khỏi kho.

lam mat tai san the chap eximbank thua kien khach hang
Eximbank bị xử thua tại phiên Tòa sơ thẩm, vụ án đang chờ phán quyết tại phiên tòa phúc thẩm ngày 17/8 tới

“Việc thiếu hụt hàng hóa nêu trên là bị mất trong quá trình bảo quản, lưu giữ tại kho của Công ty Mê Kông chứ không phải là sự cho mượn giữa các bên để thế chấp. Do ngân hàng đã chỉ định Công ty Mê Kông là đơn vị bảo quản hàng hóa thế chấp nên ngân hàng phải có trách nhiệm đối với tài sản thế chấp của Công ty NTC”, Bản án sơ thẩm số 86/2019/KDTM-ST ngày 19/11/2019 nhận định.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên Tòa, HĐXX TAND Quận 7 đã tuyên xử: Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn (Công ty NTC), buộc Eximbank trả lại cho Công ty NTC số tiền 8.350.141.500 đồng.

Đồng thời, bản án cũng chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn (Eximbank), buộc Công ty NTC thanh toán cho ngân hàng này số tiền còn nợ tính đến ngày 26/9/2019 là 8.586.849.267 đồng.

Ngoài ra, kể từ ngày 20/11/2019, Công ty NTC còn phải thanh toán cho Eximbank tiền lãi phát sinh theo mức lãi suất theo Hợp đồng tín dụng kiêm khế ước nhận nợ số 1403-LDS-201200091 ngày 20/1/2012 đã ký kết cho đến khi thanh toán hết nợ.

Tuy nhiên, không đồng tình với bản án nêu trên, cả Công ty NTC và Eximbank đều có đơn kháng cáo 1 phần của bản án. Trong đó, Công ty NTC kháng cáo đối với phần lãi suất phải trả. Bởi theo nguyên đơn, lỗi để mất hàng hóa là do Eximbank chỉ định đơn vị bảo quản có năng lực quản lý yếu kém, chứ không phải do Công ty NTC vi phạm hợp đồng…

Trả lời phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô về vấn đề này, đại diện Công ty NTC cho biết, kể từ ngày hết hiệu lực (sau 60 ngày theo biên bản thỏa thuận ngày 5/7/2012), không có bất cứ ai trong biên bản thực hiện theo thỏa thuận, nên ngân hàng không thể tính bất kỳ một khoản lãi nào đối với Công ty NTC. Bởi lẽ, nếu không có sự tắc trách của Công ty Mê Kông và Eximbank khi để mất hàng hóa thì Công ty NTC đã tất toán hợp đồng tín dụng từ ngày 10/7/2012. Do đó, việc tính lãi quá hạn, lãi phạt là không có cơ sở.

Dự kiến ngày 17/8 tới, vụ án sẽ được TAND TP HCM xét xử phúc thẩm theo quy định.