Lễ hội năm nay được chuẩn bị khá chu đáo, công phu nhằm mang đến cho du khách những trải nghiệm mới lạ về văn hóa vùng tây xứ Quảng. Chương trình lễ hội bao gồm các hoạt động chính như: hội trại Khát vọng tuổi trẻ, phiên chợ sâm và hàng nông sản đặc trưng miền núi, trưng bày triển lãm ảnh nghệ thuật, hội thi sâm Ngọc Linh, tổ chức các trò chơi dân gian miền núi, chương trình liên hoan nghệ thuật cồng chiêng, tái hiện nghi thức rước thần sâm Ngọc Linh, chương trình nghệ thuật "Ngọc Linh mời gọi".
Khi đến với lễ hội, du khách cũng được thỏa sức tham quan các điểm du lịch vùng sâm Tắc Ngo xã Trà Linh, các bản làng cùng với nét văn hóa, ẩm thực đặc trưng. Đặc biệt là du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên đại ngàn hoang dã với khí hậu mát mẻ trong lành ở Nam Trà My.
Chủ đề “Ngọc Linh mời gọi”, lễ hội mang chủ đích quảng bá những đặc trưng văn hóa, loài cây dược liệu qúy hiếm của huyện, những danh lam thắng cảnh của quê hương tới công chúng mọi miền trên cả nước. Tạo cầu nối để các doanh nghiệp thúc đẩy đầu tư khai thác tiềm năng thế mạnh về dược liệu và các dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch khám phá, nghỉ dưỡng tại Nam Trà My. Lễ hội sẽ bao gồm những hoạt động đầy ý nghĩa.
Sự kiện cũng góp phần phát triển sâm Ngọc Linh trở thành cây dược liệu có thương hiệu, giá trị kinh tế cao, xứng tầm những loại sâm trên thế giới như sâm Hàn Quốc, sâm Mỹ, sâm Nga, sâm Canada…
Diễn ra trong 3 ngày (1-3/8), sự kiện gồm nhiều hoạt động như mua bán sâm Ngọc Linh và nông sản, giao lưu hóa văn nghệ thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, nhà đầu tư và các nhà quản lý. Đây cũng là dịp để quảng bá du lịch và thu hút đầu tư cho ngành dược liệu, nông nghiệp sạch của Nam Trà My nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung.
Đại diện UBND huyện Nam Trà My, ông Trần Văn Mẫn cho biết, Phiên chợ đón khoảng 1.000 khách du lịch gồm khách lữ hành các tỉnh, các tập đoàn doanh nghiệp, doanh nhân, cơ quan truyền thông cả nước tham quan và tìm hiểu cơ hội đầu tư. Những hoạt động trên mang thông điệp về mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện với trục xoay là rừng, sâm Ngọc Linh. Còn rừng thì mới phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu gắn với du lịch. Không có sâm Ngọc Linh, không có dược liệu sẽ không còn điểm khác biệt để phát triển du lịch. Phát triển du lịch là điểm tựa phát triển dược liệu, đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng nhanh và hiệu quả nhất. Đây là một loại dược liệu quý hiếm, là loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao nhất trên một đơn vị diện tích, đã xuất hiện tỷ phú giữa núi rừng Ngọc Linh.
Tháng 6/2017, cây sâm Ngọc Linh đã được Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh mục sản phẩm quốc gia, mở ra tiềm năng và hướng phát triển mạnh mẽ cho cây sâm Ngọc Linh nói riêng và cho triển vọng đưa Nam Trà My thành thủ phủ cây sâm, cây dược liệu trong tương lai gần.
Hiện nay, tỉnh Quảng Nam đã quy hoạch trên 15.000 ha để trồng sâm. Phong trào trồng sâm trong nhân dân phát triển mạnh mẽ, số hộ trồng sâm tăng lên đến 1.500 hộ với diện tích trồng là 1.600 ha, tại 7/10 xã được quy hoạch. Giá cả cây sâm Ngọc Linh không ngừng tăng lên. Các nhà khoa học, các doanh nghiệp đã tập trung vào việc đầu tư nghiên cứu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng sâm, sản xuất sản phẩm từ sâm. Đặc biệt, trồng sâm đi đôi với công tác bảo vệ và phát triển rừng, vì cây sâm chỉ sống dưới tán rừng nguyên sinh.