Cụ thể, đêm 16/1, anh M.Q.A đặt một cuốc xe Bike đi từ 3 Hoàng Sa đến đường Lý Văn Phức (Q.1, TPHCM), giá cước là 25.000 đồng.
Kết thúc chuyến xe, do không có tiền mặt, anh A. đã chuyển khoản từ tài khoản ngân hàng cá nhân sang tài khoản ngân hàng của tài xế.
Tuy nhiên, thay vì chuyển khoản 50.000 đồng (25.000 đồng tiền cuốc xe và 25.000 đồng tiền tip) như ý định ban đầu, anh đã chuyển nhầm thành 50 triệu đồng.
Sau khi phát hiện vụ việc, vị khách này đã liên lạc với số điện thoại của tài xế, nhưng người bắt máy lại không phải tài xế đã chở anh. Hiện vụ việc đang được anh M.Q.A cùng đơn vị sở hữu ứng dụng công nghệ gọi xe, cơ quan chức năng xử lý.
Việc gửi nhầm số tiền như anh A nói trên khá hi hữu. Nhưng trên thực tế, trường hợp người gửi vô tình chuyển tiền nhầm số tài khoản của người nhận lại không hiếm gặp. Tuy nhiên khi đề nghị trả lại thì lại không nhận được sự hợp tác của người nhận.
Sau đây là một tình huống được hãng luật Minh Gia tư vấn, có thể giúp nhân vật A nói trên tham khảo phương án xử lý:
Câu hỏi: Chào Luật Sư! Vui lòng tư vấn giúp về việc: Ngày 21/06/20xx, lúc 9h30 phút, tôi có thực hiện giao dịch chuyển tiền internetbanking nhầm vào tài khoản 1 cá nhân số tiền: 20 triệu đồng. Tin nhắn vừa báo trừ tiền thì Tôi phát hiện mình nhầm. Tôi gọi số tổng đài và báo yêu cầu huỷ giao dịch. Nhân viên tổng đài hỏi Tôi sai tên hay tài khoản, thay vì báo sai tài khoản tôi báo nhằm sai tên nên phía ngân hàng nói Tôi ra ngân hàng liền để giải quyết. Khi ra thi ngân hàng kiểm tra cá nhân đó đã rút tiền hết từ tài khoản lúc 9h50. Tôi gọi điện thoại thì cá nhân đó không nghe và tắt máy luôn. Sau đó nhắn tin qua Zalo bảo cho mượn số tiền đó và trả góp từ từ. Tôi không đồng ý vì cá nhân này còn thiếu tôi một số tiền đã lâu nhưng không trả. Nhờ Luật Sư tư vấn giúp và nếu như Tôi muốn khởi kiện thì tôi phải làm như thế nào
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Căn cứ theo quy định của pháp luật dân sự, bạn là chủ sở hữu tài sản ( 20 triệu đồng) và có các quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản. Theo quy định của Điều 185 về bảo vệ quyền chiếm hữu quy định:
"Trường hợp việc chiếm hữu bị người khác xâm phạm thì người chiếm hữu có quyền yêu cầu người có hành vi xâm phạm phải chấm dứt hành vi, khôi phục tình trạng ban đầu, trả lại tài sản và bồi thường thiệt hại hoặc yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người đó chấm dứt hành vi, khôi phục tình trạng ban đầu, trả lại tài sản và bồi thường thiệt hại."
Theo quy định của pháp luật dân sự, người đang giữ 20 triệu đồng của bạn là hành vi chiếm giữ bất hợp pháp và bạn có thể đòi lại tài sản của mình.
Nếu người đang chiếm giữ tài sản của anh không chịu trả lại số tiền 20 triệu cho anh, anh có thể tố cáo hình sự người đó với cơ quan công an. Căn cứ Điều 176 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 về tội chiếm giữ trái phép tài sản :
"1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm."
Căn cứ theo quy định của điều 176 Bộ luật hình sự thì nếu người đang chiếm giữ tài sản bất hợp pháp của anh cố tình không trả lại tài sản anh có thể viết đơn tố cáo người đó về việc cố tình không trả lại tài sản lên cơ quan điều tra công an huyện nơi hành vi chiếm giữ tài sản trái phép đó diễn ra.