Loạt vấn đề ảnh hưởng đến tính bền vững của ngành gỗ

Admin
Theo Chủ tịch VINFOREST, ngành gỗ đang đối mặt với việc nhiều thị trường xuất khẩu lớn quy định chặt chẽ hơn về tính hợp pháp và bền vững của sản phẩm.

Năm 2023 là một năm thách thức của ngành gỗ Việt Nam. Nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và EU giảm mạnh dẫn đến các đơn hàng sụt giảm, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất; một số doanh nghiệp thậm chí phải đóng cửa.

Nếu đà xuất khẩu giữ ở mức như hiện nay, dự báo kim ngạch xuất khẩu của ngành hết 12 tháng của năm 2023 sẽ đạt 13,5 tỷ USD, giảm 15,5% so với năm 2022. Thị trường hiện đã có một số dấu hiệu hồi phục, tuy nhiên theo nhận định của một số chuyên gia năm 2024 vẫn tiềm ẩn một số khó khăn cho ngành.

Bên cạnh các khó khăn về đầu ra thị trường, ngành gỗ đang đối mặt với một số vấn đề thời sự ảnh hưởng trực tiếp đến tính bền vững của ngành.

Trước bối cảnh đó, tọa đàm “Phát triển bền vững và những thách thức đặt ra cho ngành gỗ” đã được tổ chức với mục tiêu nhằm góp phần giải quyết các vấn đề thời sự trực tiếp ảnh hưởng đến tính bền vững của ngành.

Kinh tế vĩ mô - Loạt vấn đề ảnh hưởng đến tính bền vững của ngành gỗ

Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam (VINFOREST).

Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam (VINFOREST) chỉ ra một số thực tế khó khăn của ngành gỗ.

Theo đó, các thị trường xuất khẩu lớn ngày càng có các quy định chặt chẽ hơn về tính hợp pháp và bền vững của sản phẩm. Cụ thể, quy định chống phá rừng của EU (EU Deforestation Regulation, EUDR) có hiệu lực từ cuối tháng 6 năm 2023 quy định các sản phẩm nhập khẩu vào thị trường này phải đảm bảo tính hợp pháp và không gây mất rừng.

“Ngoài ra, yêu cầu cả ở trong nước và tại các thị trường xuất khẩu về mức phát thải carbon thấp trong các hoạt động của toàn chuỗi cung ứng nhằm đạt mục tiêu net-zero ngày càng tăng. Sản phẩm có hàm lượng các-bon cao sẽ trở nên đắt đỏ và sẽ mất tính cạnh tranh trên thị trường”, ông Lập nói.

Song song với đó, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,5 – 2 triệu m3 gỗ tròn và gỗ xẻ có nguồn gốc từ các quốc gia nhiệt đới, là gỗ rủi ro về pháp lý, chiếm 30-40% tổng lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu của cả ngành. Điều này không chỉ tác động tiêu cực tới hình thành của toàn ngành gỗ Việt mà còn làm mất đi cơ hội trong việc sử dụng gỗ nhập khẩu rủi ro thấp và đặc biệt là nguồn gỗ rừng trồng trong nước có nguồn gốc từ hàng triệu nông hộ.

Phát biểu tại sự kiện, ông Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) chia sẻ, ngành gỗ đang đối diện với một số thách thức, trong đó diện tích rừng trồng nhỏ lẻ, dẫn đến khi truy xuất nguồn gốc, thể hiện tọa độ địa lý rất khó.

Kinh tế vĩ mô - Loạt vấn đề ảnh hưởng đến tính bền vững của ngành gỗ (Hình 2).

Ông Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT).

Về chủ động thích ứng, theo ông Bảo, hiện nay toàn ngành lâm nghiệp chủ động, ngoài hỗ trợ quốc tế, EU có dự án hỗ trợ phát triển ngành lâm nghiệp giai đoạn 2024-2027, dành phần lớn nguồn lực để truy xuất các chuỗi ngành hàng để bảo bền vững. Bên cạnh đó, các nguồn lực trong nước cũng triển khai hỗ trợ các dự án điểm, xây dựng cơ sở dữ liệu.

“Ngay sau khi có hướng dẫn của EU, chúng tôi sẽ chủ động triển khai tập huấn, tuyên truyền quảng bá đến tận người nông dân để đảm bảo thông tin được cung cấp kịp thời, hợp lý, tránh ảnh hưởng đến cả chuỗi giá trị”, ông Bảo nói.

Về khả năng xây dựng nền cơ sở dữ liệu trên toàn quốc ngành gỗ, ông Bảo nhận định, để truy xuất được tất cả các hộ gia đình thì phải cần một thời gian dài. Thời gian tới, ngành gỗ sẽ lựa chọn một vài huyện ở dạng điểm thí điểm, kết hợp cùng chính quyền địa phương, các doanh nghiệp liên kết chuỗi rừng trồng để xây dựng vùng truy xuất nguồn gốc.

Hiện nay, tổng diện tích rừng trồng khoảng 3,5 triệu ha, mà dự báo đến hết năm 2030 diện tích được cấp chứng chỉ rừng với gần 1 triệu ha. Như vậy để thấy, diện tích rừng không có chứng chỉ là rất lớn, có nhiều rủi ro.

Chính vì vậy, ngay trong năm tới, Bộ NN&PTNT với dự án hỗ trợ của Chương trình lâm nghiệp bền vững sẽ thí điểm tại Tuyên Quang và một số điểm ở Tây Nguyên sẽ cấp mã vùng trồng, truy xuất đến vùng địa lý. Việc cấp chứng chỉ rừng có thể rất tốn kém và mất thời gian nhưng mã vùng trồng sẽ được cấp theo quy định của Việt Nam. Các mã vùng trồng nếu đáp ứng theo yêu cầu EUDR sẽ đẩy nhanh quá trình truy xuất nguồn gốc.

Kinh tế vĩ mô - Loạt vấn đề ảnh hưởng đến tính bền vững của ngành gỗ (Hình 3).

Toàn cảnh sự kiện.

Về các yêu cầu của EUDR đối với sản phẩm gỗ xuất khẩu sang EU, ông Hoàng Thành - Đại diện Phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết: “Mục tiêu của quy định để giảm thiểu rủi ro sản phẩm trong chuỗi cung ứng liên quan đến rừng, sinh thái rừng từ EU. Thứ hai là tăng nhu cầu buôn bán sản phẩm hợp pháp không liên quan đến mất rừng”.

Đại diện Phái đoàn EU tại Việt Nam thông tin, đến tháng 12/2024, EU bắt đầu áp dụng quy định, nghĩa vụ cho các doanh nghiệp lớn để thực hiện tuân thủ EUDR. Nội dung chính liên quan đến hệ thống thẩm định, yêu cầu bắt buộc doanh nghiệp xuất nhập khẩu, không chỉ riêng gỗ, phải không liên quan đến mất rừng, suy thoái rừng mới được nhập khẩu vào EU.