Những ngày qua, giá lợn hơi trong nước liên tục giảm với mức dao động từ 30.000 - 42.000 đồng/1kg, có nơi còn xuống thấp hơn. Trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng cao cùng gánh nặng chi phí do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 khiến người nông dân càng chăn nuôi càng thua lỗ, kinh tế kiệt quệ. Tình trạng giá lợn “nhảy múa” suốt gần 2 năm nay tiếp tục phơi bày bất cập trong hoạt động quản lý ngành chăn nuôi nước ta.
Nghe theo chủ trương tái đàn của ngành chăn nuôi địa phương, ông Nguyễn Văn Nhật ở xã Đình Cao (huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên) thế chấp sổ đỏ căn nhà đang ở để nhập lợn giống về nuôi. Đầu năm là thời điểm giá lợn giống trong nước đang ở mức rất cao do nguồn cung khan hiếm. Thế nhưng bây giờ thảm cảnh có thể nói là “lợn ăn sổ đỏ” lại tiếp tục lặp lại với gia đình ông Nhật và hàng trăm hộ chăn nuôi ở xã Đình Cao.
Không khí nhiều gia đình ở địa phương trở nên căng thẳng với cảnh vợ chồng cãi nhau, mặt nặng mày nhẹ vì chuyện bán lợn. Vài tuần gần đây, giá lợn hơi ở Hưng Yên giảm mạnh với mức dao động từ 32.000 - 36.000 đồng/1kg.
Ông Nhật chua chát cho biết: "Cám tăng giá lên 340.000 – 350.000/1 bao thì còn chăn nuôi làm sao được nữa, người dân khổ lắm. Có những nhà hôm rồi bán 50 con lợn mà mua về hết 100 triệu, cộng với 350 triệu tiền cám, vậy là chi phí hết 450 triệu, thế mà vừa rồi bán chưa được 400 triệu, nghĩa là lỗ gần 200 triệu đồng…".
Đầu năm nay, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn từng khẳng định, với tốc độ tái đàn, tăng đàn tăng trung bình từ 10 – 15% thì đến khoảng quý 4/2021, giá lợn hơi trong nước sẽ giảm xuống mức 50.000 – 60.000 đồng/1kg. Thế nhưng nhìn vào những gì đang diễn ra thì có thể khẳng định, dự báo của cơ quan này là không sát thực tế.
Trong khi giá lợn hơi đã giảm gần 60% so với thời điểm đầu năm thì người tiêu dùng vẫn đang phải mua thịt lợn với giá cao. Hiện tại, giá thịt lợn tại hệ thống siêu thị, các chợ dân sinh gần như “đứng im”.
Ông Nguyễn Như Thắng ở xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức – TP Hà Nội) cho rằng, những bất cập trong hoạt động chăn nuôi lợn khiến người chăn nuôi, tiêu dùng luôn là đối tượng phải chịu thiệt hại.
Theo ông Thắng: "Thiệt hại thứ nhất là người trực tiếp chăn nuôi, sau đó là đến người tiêu dùng nếu như Nhà nước không bình ổn giá cho nhân dân. Rau thì vẫn giá như vậy, lên xuống không đáng kể, nhưng thịt thì tất nhiên nó sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày".
Giá lợn hơi giảm không chỉ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 mà nguyên nhân cơ bản từ việc đánh giá không đúng nguồn cung – cầu thị trường. Khi giá lợn tăng cao, ngoài việc “chạy đua” tăng đàn của các doanh nghiệp thế mạnh trong lĩnh vực chăn nuôi như CP, Dabaco, Mavin… thì những “đại gia” như Hòa Phát, Greenfeed, Thaco Agri, Hoàng Anh Gia Lai… cũng tham gia phát triển đàn lợn. Điều này khiến nguồn cung lợn thương phẩm trong nước tăng nhanh hơn dự báo.
Trong khi đó, các cơ quan quản lý vẫn tiếp tục cho doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn đông lạnh. Hết tháng 9/2021, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 200.000 tấn thịt lợn.
Lý giải về thực tế này, ông Nguyễn Văn Long – Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) cho biết: "Đến thời điểm hiện nay, phải khẳng định là Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn không có bất kỳ hạn chế gì về quota số lượng nhập khẩu...".
Có thể nói, ngoài ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến sức mua giảm, việc giá lợn hơi liên tục lao dốc những ngày gần đây có nguyên nhân từ sự yếu kém trong cơ chế phối hợp giữa các Bộ, Ngành để thống kê số liệu, dự báo nguồn cung. Điều này gây thiệt hại kinh tế nặng nề cho người dân, cũng như làm thị trường chăn nuôi trong nước tái diễn tình trạng bấp bênh về giá nhiều năm nay.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để kiểm soát giá lợn hơi thì Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cần sớm tham mưu Chính Phủ quy định hạn ngạch chăn nuôi. Lâu nay không quy định điều này nên các doanh nghiệp có thể thoải mái tăng - giảm đàn lợn, cũng như thao túng giá khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh. Trong khi đó, chính quyền và ngành chăn nuôi thì khó kiểm soát tổng đàn, từ đó dễ xảy ra “khủng hoảng” thiếu – thừa. Có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp xây dựng kho lạnh để cấp đông thịt lợn và đưa vào danh mục mặt hàng bình ổn giá.
Ông Hoàng Trọng Thủy – Chuyên gia nông nghiệp khuyến cáo: "Liên kết ngang để thông tin cho nhau còn quá yếu, nên một bên chỉ biết sản xuất và một bên chỉ biết nhập khẩu, không dự báo được thị trường nội địa. Nguyên tắc của một chuỗi giá trị là chúng ta phải liên kết dọc theo đường đi của sản phẩm…".
Dựa vào nguồn cung và sức mua của thị trường, nhiều chuyên gia dự báo giá lợn hơi trong nước sẽ tiếp tục có chiều hướng giảm từ nay đến Tết Nguyên đán 2022. Để đảm bảo nguồn cung thịt lợn những tháng cuối năm, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương… cần quyết liệt triển khai đồng bộ giải pháp nhằm bình ổn thị trường, tránh gây hoang mang cho người tiêu dùng, đảm bảo sự ổn định thị trường thực phẩm nói chung, trong đó có mặt hàng thịt lợn./.