Anh Thành, 45 tuổi, ở Nguyễn Trãi, Hà Nội từng có cuộc sống hạnh phúc với 2 con ngoan ngoãn, học giỏi. Năm năm trở lại đây, anh bắt đầu thay đổi tính cách như hay nói nhiều, đôi lúc quát tháo vợ con.
Cho rằng vợ ngoại tình nên anh cấm chị không chơi với bạn bè, kể cả nam lẫn nữ. Anh không cho vợ xem phim Hàn Quốc vì sợ chị mê diễn viên nam. Tối ngủ, anh khóa chặt cửa, thấp thỏm vì sợ vợ lẻn ra ngoài. Trước khi ngủ, anh bắt chị phải nói nhiều lần câu "yêu chồng” rồi mới được đi ngủ. Nếu không thực hiện, anh dọa sẽ phóng hỏa đốt cả nhà khiến người vợ vừa nói vừa khóc trong sợ hãi.
Vợ anh Thành đang làm ở một ngân hàng, thu nhập ổn định, nhưng anh nhất quyết bắt vợ ở nhà vì sợ vợ ngoại tình với đồng nghiệp. Thấy chồng vô lý, chị vợ nhiều lần phản ứng, đôi co qua lại khiến cuộc sống gia đình ngột ngạt. Thấy vợ phản kháng kịch liệt, anh càng lo, nghi ngờ vợ có "người khác" ở cơ quan nên không ít lần bám theo đến tận chỗ làm.
Để yên tâm, anh còn thoả thuận với vợ sẽ trực tiếp chở đi làm, đến chiều chờ sẵn ở cổng đón chị về. Điện thoại của chị, anh cũng giữ. Bất kỳ tin nhắn nào đến, anh đều đọc trước. Cuộc sống bị kìm kẹp, quá mệt mỏi chị xin nghỉ việc.
Thấy hành động của chồng vô lý, người vợ linh cảm có điều gì đó bất ổn nên đưa anh đến bệnh viện khám. Bác sĩ kết luận chồng chị bị rối loạn hành vi, nhân cách, biểu hiện sự ghen tuông cực kỳ bất thường.
Theo TS. BS Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội), bệnh nhân Thành là một trong những trường hợp bị chứng hoang tưởng ghen tuông. Thành tự nghĩ ra những tình huống chồng hoặc vợ ngoại tình trong khi gia đình vẫn êm ấm, hạnh phúc.
Hoang tưởng ghen tuông là dạng rối loạn nội dung tư duy, nhẹ là ám ảnh về việc vợ có nhân tình, phản bội mình, nặng là hoang tưởng những tình huống kỳ quái, không có thực. Chứng hoang tưởng ghen tuông đôi khi kéo dài rất lâu, từ năm này qua năm khác mà người thân không phát hiện đó là bệnh.
Người mắc chứng bệnh này rất đáng thương. Bình thường họ có thể là những người có thái độ ứng xử nhã nhặn. Nhưng khi mắc bệnh, họ thay đổi hoàn toàn khác.
Chứng hoang tưởng ghen tuông xuất hiện phổ biến hơn ở nam giới. Với các đấng mày râu, bệnh thường là biểu hiện của chứng loạn thần do rượu, xuất hiện ở những người nghiện rượu lâu năm.
“Nếu nghi ngờ về tình trạng tâm lý của người thân hoặc bạn bè, bạn hãy lắng nghe họ chân thành, thể hiện sự quan tâm và tôn trọng, không phê phán hay đánh giá, tạo môi trường thoải mái và an toàn để nhận biết vấn đề sức khỏe tinh thần. Bạn cần tránh những lời lẽ kỳ thị và đánh giá tiêu cực về tình trạng tâm lý của người khác. Nhớ rằng, hỗ trợ và tôn trọng người khác giúp giảm bớt những chuyện đau lòng mà họ đang trải qua, từ đó giúp tìm kiếm giải pháp tốt nhất cho người bệnh”, bác sĩ Thu khuyến cáo.
Mỗi khi nhắc đến bệnh viện tâm thần, người ta thường nghĩ nơi đây là người mất trí, kỳ quặc hoặc vô dụng. Vậy nhưng ai cũng có lúc mệt mỏi, stress, mất ngủ, mắc nghiện cần điều trị như nhiều bệnh khác và có thể hồi phục.
Mỗi bệnh nhân có thể ẩn giấu một hoặc nhiều câu chuyện đau lòng, mà nguyên nhân do quá sợ bị gắn mác bệnh tâm thần, sợ bị bỏ rơi, không dám thừa nhận bệnh. Chỉ những người gắn bó với bệnh viện mới thấm thía được nỗi đau của những người bệnh tâm thần và gia đình bệnh nhân, có khi là những nỗi đau kéo dài qua nhiều thế hệ.