Méo mặt vì lỡ vay vàng lúc giá 36 triệu đồng/lượng

Admin
Vay vàng từ thời điểm giá vàng 36 – 37 triệu đồng/lượng, những ngày gần đây giá vọt lên gần 51 triệu đồng/lượng, những người vay vàng đứng ngồi không yên.

Giá vàng khiến nhiều người "tính già hóa non"

Chị Kim Hân, ngụ tại quận Bình Tân TPHCM cho biết, năm ngoái khi quyết định mua căn hộ chung cư, chị đã cân nhắc giữa chuyện vay tiền mặt từ ngân hàng hay vay vàng từ người thân. Thấy giá vàng nhiều năm qua ít biến động, cuối cùng chị quyết định mượn 10 lượng vàng ở thời điểm giá vàng 36 triệu đồng/lượng. Theo hạn trong giấy mượn nợ chỉ một vài tuần nữa chị phải trả số vàng đã vay. Những ngày này giá vàng nhiều phiên tăng theo giờ, kỷ lục liên tục bị xô đổ khiến Hân mất ăn mất ngủ

vay vàng

Giá vàng trong tuần này đã lên mức 50,8 triệu đồng/lượng, mức cao nhất trong lịch sử

Số vàng chị vay trong năm 2019 quy đổi ra tiền là 360.000 triệu đồng, nhưng nếu phải trả theo giá vàng hiện nay sẽ là 507 - 508 triệu đồng, tức chị Hân phải trả thêm gần 150 triệu đồng.

“Người cho mượn yêu cầu đến hạn trả hết một lần, không được trả lắt nhắt từng chỉ hoặc từng lượng. Vì vậy dù để dành được một ít tiền tôi đem gửi ngân hàng, chờ đến hạn mới rút ra mua vàng. Cuối năm 2019, giá vàng đã bắt đầu tăng lên mức 39 triệu đồng, thấy đã lỗ nên tôi cố gắng chờ vàng giảm. Nhưng càng chờ thì vàng lại càng tăng. Nếu mua vào thì cũng lỗ, chờ tiếp biết đâu giá vàng sẽ quay đầu giảm mạnh, thành ra liên tục rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan” – chị Hân than vãn.

Một số người vay vàng để đầu tư bất động sản dù đã có lời từ việc nhà đất tăng giá. Tuy nhiên, không ít người đến hạn trả vàng mà bất động sản chưa bán được sức ép còn lớn hơn.

Anh Hoàng, ngụ quận Tân Bình kể, năm ngoái anh cũng vay vàng của người thân để đầu tư đất. Lúc đầu miếng đất anh mua có giá 600 triệu đồng, hiện nay đã tăng giá lên gần gấp đôi. Nếu bán đất để mua vàng trả, anh Hoàng vẫn còn lời khoảng 300 triệu đồng.

“Năm trước đất tăng ào ào, có đất bán lúc nào chẳng được. Nhưng từ đợt bùng phát dịch COVID-19 đến nay thị trường như đóng băng. Đến hạn trả vàng nhưng đất rao bán hơn 3 tháng nay vẫn chưa có ai mua. Cứ mỗi ngày nhìn thấy vàng tăng giá là tôi như muốn khóc” – anh Hoàng bày tỏ.

Vay vàng dễ xung đột khi giá tăng

Hầu hết các vay mượn vàng mua bất động sản, xe cộ là giao dịch giữa cá nhân nên rất dễ xảy ra nhiều vụ tranh chấp khi vàng tăng giá vì điều kiện vay do hai bên tự thỏa thuận và soạn giấy vay hay hợp đồng với nhau. Tuy nhiên khi giá vàng biến động mạnh rất dễ xảy ra tranh cãi, thậm chí có thể lôi nhau ra tòa.

Một vụ kiện về vay vàng xảy ra tại quận 6 từng được nhiều người nhắc đến. Bà V. cho vợ chồng ông H. vay 7,5 lượng vàng với lãi suất 7%/năm, mức lãi suất này tính theo giá trị vàng thời điểm vay (năm 2007) là 14,38 triệu đồng/lượng. Hai năm sau đến hạn trả nợ, vàng tăng lên 20 triệu đồng/lượng tranh cãi nổ ra. Bà V. yêu cầu vợ chồng ông H. phải trả lại toàn bộ số vàng hoặc nếu trả tiền thì phải trả bằng giá quy đổi ra số vàng thời điểm trả nợ, trong khi ông H. không chấp nhận vì cho rằng mình đã trả lãi hàng tháng và chỉ chấp nhận trả tiền bằng giá quy đổi vàng vay ban đầu.

Luật sư Nguyễn Hà Phong – Đoàn Luật sư TPHCM cho biết, ông tiếp nhận không ít vụ việc thưa kiện nhau ra tòa vì cho vay mượn vàng đã lấy lãi suất nhưng vẫn yêu cầu trả vàng với mức giá đã tăng so với trước đó; chưa đến thời hạn trả vàng, nhưng thấy vàng tăng giá cao nên người cho vay yêu cầu trả vàng trước thời hạn…

Thậm chí có trường hợp bên cho vay vàng yêu cầu người vay phải ký hợp đồng bán tài sản (thường là giá rẻ hơn nhiều so với thị trường) trong trường hợp người vay không trả được nợ. Do vàng tăng giá cao, vượt ngoài tầm khả năng trả của nhiều người nên họ đành bán tài sản lại cho bên vay để khấu trừ nợ.

“Nếu có vay, mượn vàng giữa các cá nhân với nhau thì cần phải lưu ý, nên ghi rõ hình thức trả là gì? Vàng hay tiền mặt? Phương thức trả ra sao, cách tính lời lãi như thế nào để tránh những tranh chấp về sau” – luật sư Nguyễn Hà Phong nói.

Nói về thực trạng nhiều người phải méo mặt trả do vàng tăng giá quá cao, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính cho rằng, đây là một bài học đối với những người muốn đầu tư nhưng lại không hiểu rõ về cơ chế thị trường. Có không ít người mượn, vay vàng với suy nghĩ giá bất động sản lúc nào cũng sẽ tăng nhanh và cao hơn vàng, cứ vay đi rồi sẽ có lời; thậm chí là đầu tư chỉ vì nghe theo lôi kéo của một số người xung quanh. Nhưng vàng là tài sản đầu khá rủi ro, có thể tăng giảm hay lên xuống thất thường. Riêng bất động sản thì không phải lúc nào cũng sốt hoặc muốn bán là đẩy đi ngay được. Chỉ nên đầu tư khi cân đối được phần lớn tài chính, dự báo được những rủi ro nếu có xảy ra và phương pháp giải quyết những rủi ro đó như thế nào.