Thống đốc NHNN vừa ban hành văn bản 9499/NHNN-TT về việc tiếp tục áp dụng chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán. Văn bản nêu rõ, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp tác động đến người dân, DN, để tiếp tục chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế, NHNN đã ban hành Thông tư số 19/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2013/TT-NHNN ngày 05/12/2013 của NHNN ban hành biểu phí dịch vụ thanh toán qua NHNN nhằm kéo dài thời gian giảm 50% mức phí giao dịch thanh toán qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, áp dụng từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 30/6/2021.
Ảnh minh họa
Thống đốc NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi tắt là TCTD) tiếp tục áp dụng chính sách giảm phí dịch vụ chuyển tiền qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng của NHNN cho khách hàng với mức giảm tối thiểu bằng số tiền giảm phí mà NHNN đã điều chỉnh giảm cho TCTD. Đồng thời, NHNN khuyến khích các TCTD thực hiện giảm phí lớn hơn mức giảm phí của NHNN đã thực hiện.
Thống đốc NHNN yêu cầu, Chủ tịch HĐQT/HĐTV, Tổng giám đốc các TCTD cần rà soát lại biểu phí dịch vụ thanh toán của tổ chức mình (loại phí, mức phí); xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể về việc áp dụng miễn giảm phí và thông tin công khai rộng rãi đến khách hàng về phạm vi, hình thức, thời gian áp dụng.
Trong năm 2020, NHNN đã hai lần chỉ đạo các TCTD giảm phí cho khách hàng: Đợt một miễn, giảm phí đối với giao dịch 24/7 dưới 500.000 đồng; đợt hai đối với các giao dịch dưới 2 triệu đồng. Tổng số phí miễn, giảm cho khách hàng của các TCTD trong năm 2020 ước khoảng 1.100 tỷ đồng.
Hiện nay, một số loại phí ngân hàng thường thu của người sử dụng dịch vụ là phí chuyển tiền qua Internet Banking, Mobile Banking, phí rút tiền mặt và chuyển tiền trên các máy ATM nội mạng ngân hàng và liên ngân hàng. Ngoài ra, các khoản phí giao dịch chuyển tiền thực hiện tại quầy, các ngân hàng thu theo biểu tự xây dựng...
Theo các chuyên gia, mỗi ngân hàng có một biểu phí giao dịch khác nhau, nhưng phải nằm trong khung quy định. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, các ngân hàng chia sẻ phí với khách hàng là để nuôi dưỡng và mở rộng thêm khách hàng trong tương lai. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng cần xác định việc miễn, giảm phí giao dịch cho khách hàng lúc này là một khoản đầu tư cho khách hàng dùng thử và tạo thói quen thanh toán qua ngân hàng. Dịch bệnh rồi cũng sẽ qua đi, ngân hàng đã có một khối lượng khách hàng mới và một nhóm đã thường xuyên thanh toán qua ngân hàng. Khi đó việc giải bài toán phí trên một tập khách hàng quy mô lớn sẽ có lợi hơn tính phí trên những nhóm khách hàng hiện hữu.
Mặc dù thanh toán không dùng tiền mặt đã có bước phát triển mạnh mẽ trong năm qua. Nhưng công bằng mà nói, với nhiều người dân, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa… các sản phẩm thanh toán không dùng tiền mặt hiện đại vẫn còn khá xa lạ. Trong khi ngân hàng cũng như DN, với bất kỳ một sản phẩm mới nào cũng cần có chiến lược marketing và cho khách hàng sử dụng thử miễn phí. Bên cạnh việc các ngân hàng bỏ ra một chi phí quảng bá hình ảnh sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trên các phương tiện truyền thông, thì việc miễn giảm phí giao dịch cho người sử dụng cũng sẽ khuyến khích người dân sử dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng.
Thanh toán không dùng tiền mặt phát triển, hệ thống ngân hàng còn góp phần giảm khoảng cách giữa người dân đến với Chính phủ điện tử. Phát biểu trong hội nghị sơ kết một năm Cổng dịch vụ công Quốc gia, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá cao NHNN trong năm 2020 đã chỉ đạo các NHTM và trung gian thanh toán miễn phí cho người dân khi giao dịch các dịch vụ công và tiếp tục xem xét miễn phí thanh toán dịch vụ công cho người dân trong năm 2021.