Mobile Money (dịch vụ tiền di động) là phương tiện trao đổi, thanh toán và lưu trữ tiền kỹ thuật số. Theo đó, người dùng Mobile Money không cần tài khoản ngân hàng để thực hiện giao dịch. Đối tượng chính của dịch vụ này là những người dân sống ở vùng sâu vùng xa, không có điều kiện tiếp cận dịch vụ ngân hàng. Đặc biệt, người dùng không cần phải sử dụng Smartphone, chỉ cần sử dụng điện thoại "cục gạch", điện thoại ít tiện ích vẫn có thể triển khai được Mobile Money.
Theo BSC, một trong những ưu điểm của Mobile Money là khi giải ngân qua dịch vụ này sẽ nhanh chóng hơn mô hình truyền thống. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu cũng ở mức thấp. Một ví dụ điển hình, tỷ lệ nợ xấu các khoản cho vay qua Mobile Money tại Kenya chỉ ở mức 2% - 3%.
BSC cũng cho hay, giá trị thanh toán qua Mobile Money thường là nhỏ và siêu nhỏ, nên việc triển khai Mobile Money sẽ thúc đẩy tiếp cận tài chính cho người dân và doanh nghiệp siêu nhỏ cùng một bộ phận lớn GDP đang giao dịch bằng tiền mặt. Ngoài ra, hệ thống thanh toán này cũng có thể hạn chế các rủi ro dùng tiền mặt như: mất cắp, tiền giả, đặc biệt tại những nơi an ninh không được đảm bảo.
Dịch vụ tiền di động sẽ đem lại nhiều tiện ích cho người dân. (Ảnh minh họa)
Theo TS. Cấn Văn Lực, tiềm năng phát triển dịch vụ Mobile Money của Việt Nam là rất lớn. Bởi vì hiện nay, phía người dùng Việt còn rất nhiều dư địa để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
Ông Lực cũng cho biết thêm, khi dịch vụ Mobile Money được triển khai, đi vào hoạt động chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của hơn 20 ví điện tử khác hiện nay. Tuy nhiên, sự cạnh tranh này diễn ra theo “tinh thần 3C”: cạnh tranh lành mạnh, có kết hợp, có hợp tác với nhau. Nhiều nước trên thế giới cũng đã trải qua giai đoạn này như: Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan... Do đó, sự ảnh hưởng này sẽ không nhiều và không đáng lo ngại.
Mới đây, tại Nghị quyết số 84 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Một trong những giải pháp mà Thủ tướng yêu cầu là cấp phép thí điểm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money).
Còn trong phát biểu về thúc đẩy Chính phủ điện tử gần đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng lưu ý rằng, cần thúc đẩy nhanh thanh toán điện tử, phải mở thật nhanh để cho người dân có thể thanh toán trên di động.
Theo đánh giá chung của các chuyên gia kinh tế, việc triển khai Mobile Money sẽ đặc biệt hữu ích ở các vùng sâu vùng xa, những vùng mà người dân không có tài khoản, không có dịch vụ ngân hàng. Đây cũng là mong muốn của Chính phủ để dần tiến tới 1 nền kinh tế phi tiền mặt.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm và tiện ích, việc triển khai Mobile Money tại Việt Nam còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức. Đó là những rủi ro về chính sách tiền tệ. Tiền di động này nếu chỉ dựa trên số tiền của người dân đóng vào thì có thể không ảnh hưởng đến cung tiền. Thế nhưng, nếu kiểm soát không kỹ, những công ty viễn thông họ phát hành ra tiền di động cho chính họ hay cho những thành phần kinh tế khác nữa, tiền đó đi vào trong lưu thông sẽ trở thành nguồn cung tiền. Cung tiền này ảnh hưởng đến cung tiền của hệ thống tài chính tiền tệ. Từ đó, sẽ tác động tiêu cực đến chính sách tiền tệ.
Để phát huy được tính tích cực của Mobile Money, các chuyên gia cho rằng, cần phải quản lý được các công ty viễn thông khi nhận tiền của khách hàng. Các công ty này bắt buộc phải cam kết chỉ sử dụng số tiền do khách hàng đã gửi để thanh toán mà không được sử dụng số tiền đó cho mục đích đầu tư riêng của họ.
Dù tiền của mỗi người dân bỏ vào tiền di động này có thể rất nhỏ nhưng không loại trừ khả năng họ có thể rửa tiền, tiền bẩn, chẳng hạn như: từ ma túy, mại dâm hoặc trốn thuế. Tiền đó có thể được chuyển vào trong tiền di động qua nhiều người chia nhỏ ra. Bài học cách đây mấy năm đã cho thấy, nhiều người có thể lợi dụng kẽ hở để đánh bạc bằng thẻ cào điện thoại. Mobile money cũng tương tự như vậy nếu không có sự quản lý chặt chẽ./.
VOV