Một lượng tiền lớn hơn 100.000 tỷ đồng được bơm ra thị trường

Kỳ Văn
Lượng tiền này đã giúp thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào trở lại, lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm.
mot-luong-tien-lon-1628560095.jpg

Trong báo cáo về thị trường tiền tệ mới đây, Bộ phận phân tích của chứng khoán SSI cho biết, tính tới thời điểm hiện tại, đã có khoảng 75% lượng hợp đồng bán ngoại tệ đã đáo hạn và khối lượng còn lại sẽ được thực hiện hoàn toàn trong tháng 8.

Trước đó, theo ước tính của SSI, hồi đầu năm, các ngân hàng thương mại đã bán gần 7 tỷ USD kỳ hạn 6 tháng về Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Theo đó, tương ứng khoảng 157 nghìn tỷ đồng sẽ được bơm ra vào tháng 7 và tháng 8 khi các hợp đồng này đáo hạn.

Lượng tiền này đã giúp thanh khoản hệ thống dồi dào trở lại thời gian gần đây, lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt trong tháng 7. Theo NHNN, phiên giao dịch cuối tuần qua (6/8), lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm chỉ còn ở mức 0,92%, lãi suất kỳ hạn 1 tuần là 1,16%, 1 tháng là 1,61%/năm.

Báo cáo mới đây của chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng nhận định, thanh khoản hệ thống ngân hàng giai đoạn này được kỳ vọng dồi dào hơn so với quý trước khi các nguồn lực mới có thể xuất hiện trên thị trường sau khi các hợp đồng mua ngoại tệ của NHNN được thực hiện. Điểm sáng ở thời điểm này tiếp tục đến từ việc dòng vốn tiếp tục lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư với con số vốn FDI đăng ký và FDI giải ngân vẫn đang trong xu hướng tăng. Bên cạnh đó, mục tiêu ổn định lạm phát đang được thực hiện tốt, cùng dư địa kiểm soát vẫn còn nhiều. Như vậy với các yếu tố này, thanh khoản liên ngân hàng dồi dào, từ đó đưa mặt bằng lãi suất giảm trở lại trong tháng 8.

Trong khi thanh khoản dư thừa, đầu ra tín dụng đang có dấu hiệu chậm lại trong thời gian gần đây do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM, tín dụng tháng 7/2021 chỉ tăng khoảng 0,56% so với tháng trước trong khi các tháng trước đó bình quân tăng trên 1%. Tổng dư nợ tín dụng cuối tháng 7 của thành phố ước đạt 2,69 triệu tỷ đồng, tăng 6,2% so với cuối năm 2020.

Hoạt động huy động trên thị trường 1 (tiền gửi của khách hàng) cũng có dấu hiệu tăng chậm. Tổng huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM cuối tháng 7 ước đạt hơn 3,02 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 4% so với cuối năm 2020.

Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 vẫn đang có diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của biến thể Delta, và NHNN đã bước đầu có một số hành động phần nào hỗ trợ khó khăn. Cụ thể, NHNN ban hành công văn số 5517/NHNN-TT chỉ đạo NAPAS tiếp tục triển khai chính sách giảm phí dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử năm 2021, từ đó có thể giảm phí giao dịch trên ATM, POS và liên ngân hàng cho khách hàng.

Ngoài ra, Hiệp hội Ngân hàng vừa qua cũng đã đề xuất với NHNN sửa đổi Thông tư 03, bao gồm kéo dài thời hạn trích lập dự phòng, mở rộng phạm vi cơ cấu nợ xấu,…

Do vậy, SSI cho rằng NHNN sẽ tiếp duy trì chính sách tiền tệ theo hướng hỗ trợ tăng trưởng, giúp các DN duy trì thanh khoản trong giai đoạn khó khăn hiện nay và cũng không loại trừ khả năng có các động thái tiếp tục nới lỏng chính sách, nếu tình hình dịch bệnh có những diễn biến phức tạp, kéo dài hơn so với dự kiến.