Mượn hồ sơ để xin việc để rồi ngậm quả đắng

Admin
Tham gia BHXH không đúng tên thật, quyền lợi về BHXH của người lao động sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là chế độ hưu trí sau này.

Mới đây, BHXH tỉnh Bình Dương cho biết đã phát hiện hơn 800 người lao động (NLĐ) trùng hồ sơ trong quá trình tham gia BHXH. Hầu hết các trường hợp này là do NLĐ mượn hồ sơ của người khác để làm việc.

"Hồn Trương Ba, da hàng thịt"

Cách đây 5 năm, do chưa đủ tuổi đi làm nên chị Võ Thị M. - SN 2000, công nhân (CN) một công ty trong KCN Việt Nam - Singapore 2 (VSIP 2; TP Thủ Dầu Một) - đã mượn hồ sơ của chị họ xin việc. Khi điều trị bệnh, chị M. bị từ chối thanh toán chi phí điều trị do CMND không khớp với thông tin ghi trên thẻ BHYT.

Rất nhiều trường hợp NLĐ mượn hồ sơ người khác để đi làm như chị M. đa phần là lao động phổ thông. Người mượn, người cho mượn hồ sơ có mối quan hệ thân thiết (anh, chị em ruột hoặc họ hàng) và điểm chung ở họ là thiếu hiểu biết về pháp luật. Do không biết chữ nên anh Nguyễn Văn Đ. mượn hồ sơ của anh mình là Nguyễn Văn H. để xin việc tại một công ty ở TP Thuận An. Khi nghỉ việc và làm thủ tục hưởng chế độ, anh Đ. được thông báo là do hồ sơ không hợp lệ nên không được giải quyết. "Nói thật, tôi chỉ đơn giản là mượn hồ sơ để đi làm và lãnh lương, chứ đâu biết là tự mình gây ra rắc rối… thế này" - anh Đ. chia sẻ.


Cán bộ BHXH tỉnh Bình Dương giải quyết những trường hợp mượn hồ sơ đi làm

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài hiểu biết hạn chế về pháp luật của một bộ phận NLĐ, việc người sử dụng lao động không xem xét kỹ hồ sơ trong quá trình tuyển dụng đã dẫn đến tình trạng trên. Lý giải việc này, cán bộ nhân sự một công ty cho rằng NLĐ ra vô như cơm bữa, làm vài hôm lại nghỉ nên khó kiểm tra, đối chứng. Vô hình trung việc này lại ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của NLĐ, đặc biệt là NLĐ làm việc và tham gia các loại hình bảo hiểm liên tục nhiều năm liền.

Vi phạm pháp luật

Ông Nguyễn Văn Dạ, Phó trưởng Phòng Cấp sổ - thẻ BHXH tỉnh Bình Dương, cho biết việc dùng hồ sơ người khác để đi làm là vi phạm pháp luật và khi kiểm tra đối chiếu hồ sơ, không thể thanh toán BHXH khi 2 người cùng chung hồ sơ.

Theo các chuyên gia lao động, việc NLĐ mượn hồ sơ tư pháp của người khác để đi làm và tham gia BHXH đã vi phạm khoản 1 điều 137 Luật BHXH. Tình trạng này không chỉ gây khó khăn đối với cơ quan BHXH trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của NLĐ. Thực tế, thời gian làm việc càng dài thì bản thân NLĐ càng thiệt thòi về quyền lợi, nhất là quyền lợi về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Chẳng hạn như NLĐ có thẻ BHYT nhưng thẻ mang tên người khác thì không được thanh toán chi phí khám chữa bệnh. Tình trạng cũng xảy ra tương tự với những người được hưởng trợ cấp BHXH một lần. Người cho mượn tên là người có đầy đủ giấy tờ pháp lý để nhận trợ cấp chứ không phải người mượn tên, mặc dù người mượn tên mới là người có tham gia đóng BHXH, BHYT. "Việc mượn giấy tờ của người khác để xin việc tiềm ẩn nhiều nguy cơ tranh chấp quyền lợi BHXH. Vì vậy, NLĐ đang mượn tên hoặc dùng hồ sơ mang tên người khác để đi làm việc nên thông báo cho người sử dụng lao động và cơ quan BHXH biết để được hướng dẫn điều chỉnh hồ sơ, nhằm bảo vệ quyền lợi của bản thân" - ông Đặng Anh Đức, Giám đốc Công ty TNHH Luật Đặng và Cộng sự (TP Hà Nội), lưu ý.

Theo chỉ đạo của BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh Bình Dương đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh thành lập tổ rà soát xem xét từng trường hợp cụ thể nhằm giúp NLĐ điều chỉnh hồ sơ đúng họ tên của mình để hưởng các chế độ BHXH. Khâu xác minh gặp không ít khó khăn và mất khá nhiều thời gian do phải giải quyết dứt điểm cho cả người mượn và người cho mượn hồ sơ. Chưa hết, trong quá trình xác minh, có trường hợp cán bộ cơ quan BHXH tìm đến tận nơi NLĐ làm việc nhưng doanh nghiệp đã giải thể; có công ty do thay đổi quản lý nên không xác nhận cho NLĐ. Qua xác minh 213 trường hợp mượn hồ sơ đi làm, đến nay, 2 cơ quan trên đã điều chỉnh thông tin tham gia BHXH cho 66 trường hợp.