Muốn xây dựng nhà máy thông minh, doanh nghiệp không được chuyển đổi số tràn lan
Kỳ Văn
16:18 26/12/2021
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất còn lúng túng và có cái nhìn khá lạc hướng về chuyển đổi số, các DN tiên phong và thành công trong xây dựng nhà máy thông minh cho rằng, DN không được chuyển đổi số tràn lan, mà phải có chiến lược cho từng giai đoạn với những bước đi, kế hoạch và hành động chi tiết.
Để DN không lạc hướng trong chuyển đổi số
Ông Nguyễn Quân - Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam (VAA) cho biết, Nhà nước đã coi chuyển đổi số là vấn đề mang tính thời đại. Trong 3 trụ cột của chuyển đổi số có kinh tế số. Trong kinh tế số, hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp (DN) có vai trò quyết định. Việt Nam có thực hiện được mục tiêu kinh tế số đóng góp 40% vào GDP năm 2030 phụ thuộc hoàn toàn vào việc chuyển đổi số của DN có thành công hay không.
Trong khi đó, hoạt động chuyển đổi số tại các DN sản xuất vô cùng khó khăn bởi vì DN phải đưa toàn bộ hoạt động của DN lên môi trường số, sử dụng các công nghệ số mới nhất và ứng dụng vào trong điều hành sản xuất từ AI, blockchain cho đến IoT. Hiện nhiều DN còn lúng túng trước câu hỏi "Chuyển đổi số bắt đầu từ đâu? Chuyển đổi số như thế nào nguồn lực nào để hỗ trợ DN chuyển đổi số?".
Theo ông Nguyễn Quân - Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, DN sản xuất gặp nhiều khó khăn trong chuyển đổi số.
Với mong muốn giúp các DN có thể nhanh chóng thực hiện tiến trình chuyển đổi số, học tập các DN đã chuyển đổi số thành công, ngày 25/12, Hội Tự động hóa Việt Nam (VAA) cùng Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số (VIDTI), Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức hội thảo Chuyển đổi số trong sản xuất công nghiệp với chủ đề Nhà máy thông minh tại Sàn giao dịch Công nghệ Tự động hóa, Hà Nội.
Tại hội thảo, các diễn giả đã chia sẻ điều kiện, lộ trình xây dựng nhà máy thông minh, theo đó giúp DN hình dung được những bước đi cần phải trong tiến trình chuyển đổi số. Đặc biệt, những ví dụ thành công của các doanh nghiệp tiên phong trong chuyển đổi đã được đề cập tại sự kiện, giúp các DN mới bước vào quá trình chuyển đổi số có thể học hỏi kinh nghiệm.
Ông Nguyễn Hoàng Dũng - Giám đốc tư vấn Công ty CP phần mềm Digiwin Software cho biết, hoạt động chuyển đổi số chia thành 3 khía cạnh. Trong đó, tự động hóa quản lý là đánh giá trình độ số hóa về mọi quy trình; tự động hóa thiết bị với việc đánh giá độ tự động hóa thiết bị nhà máy và thông minh hóa nhà máy thông qua việc tối ưu hóa quy trình sản xuất, thiết bị vận hành, tiết kiệm năng lượng - giảm thải, an toàn lao động. Ba khía cạnh này bổ trợ cho nhau lấy mục tiêu cải thiện, nâng cao hiệu suất hoạt động của DN làm trọng tâm.
Việc chuyển đổi số giúp DN tăng hiệu suất, giảm chi phí, giảm tồn kho và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đây là bài toán mà các DN Việt Nam cần phải giải. Theo đó, cần tập trung vào những vấn đề cơ bản trước. Sau đó, mới đủ nguồn lực, cơ sở và niềm tin để thực hiện những điều lớn lao hơn.
"Chúng tôi nhận thấy đa phần các DN sản xuất không chỉ ở Việt Nam mà ở cả Đài Loan, Trung Quốc, các chủ DN có cái nhìn khá lạc hướng về chuyển đổi số. Tựu chung 3 sai lầm các DN thường mắc phải khi thực hiện chuyển đổi số theo cách đuổi công nghệ một cách mù quáng, bỏ qua thiết kế quy trình kinh doanh và vận hành nhà máy, đánh giá sai xu hướng", ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, nếu DN chưa xác định được mục tiêu, xác định nguyên nhân vì sao DN cần chuyển đổi số, thì việc áp dụng công nghệ mù quáng có thể gây thiệt hại về tài chính và thời gian cho DN.
Do đó, để không mù quáng, lạc hướng trong chuyển đổi số, DN không nên thực hiện thông tin hóa trên nền tảng dữ liệu lạc hậu. Không thực hiện tự động hóa trên nền tảng công nghiệp lạc hậu. Không thực hiện thông minh hóa trên mạng lưới không thể số hóa.
Cần có chiến lược chuyển đổi số cho từng giai đoạn
Giám đốc tư vấn Công ty CP phần mềm Digiwin Software cũng đã đưa ra 2 ví dụ thành công trong hoạt động chuyển đổi số của DN. Trong đó, Foxcon Đài Loan chia chuyển đổi số thành nhiều giai đoạn và mỗi giai đoạn tập trung giải quyết 1 vấn đề.
Trong khi đó, Chen Sound lại tập trung giải quyết bài toán giảm thiểu tồn kho, giảm thiểu chi phí tồn kho. Với mục tiêu phát huy tối đa giá trị của nhân viên, DN đã thực hiện hàng loạt các hoạt động tối ưu hóa số hóa. Theo đó Chen Sound quyết định không mua quá nhiều, không mua quá sớm và không nhập quá sớm. Nhờ đó hàng hóa không đến nhà máy quá sớm. Việc cắt giảm số vòng quay hàng tồn kho nguyên liệu tiết kiệm vốn đầu vào của hàng hóa tồn kho.
Bài học kinh nghiệm khác được ông Nguyễn Hoàng Kiên - Quản đốc Xưởng Điện tử LED & Thiết bị chiếu sáng, Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (Rạng Đông) nêu ra là thực hiện chuyển đổi số nâng cao nguồn lực nội tại, từ đó tiến tới Make in Vietnam.
Theo ông Kiên, chuyển đổi số không chỉ là công nghệ mà quan trọng là chuyển đổi mô hình tăng trưởng, mô hình kinh doanh, chuyển đổi sản phẩm. Để làm được điều đó, Công ty Rạng Đông đã nâng cao năng lực thiết kế sản phẩm bằng cách áp dụng các công nghệ hiện đại, nội địa hóa sản xuất để giám giá thành cũng như đưa sản phẩm ra thị trường nhanh nhất.
Bên lề sự kiện, ông Nguyễn Đoàn Kết - Phó Chủ tịch HĐQT Rạng Đông chia sẻ, trong điều kiện thế giới có nhiều bất định thì chuyển đổi số của DN nói chung và DN sản xuất nói riêng là một trong những giải pháp căn bản giúp DN có thể tồn tại và phát triển bền vững.
Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, Rạng Đông bắt đầu xây dựng chiến lược chuyển đổi số từ cuối năm 2019 và triển khai thực hiện từ đầu năm 2020.
Chiến lược chuyển đổi số của Rạng Đông được thực hiện đến tận cốt lõi với việc chuyển đổi số về chiến lược sản phẩm và mô hình kinh doanh. Trong đó, về chiến lược sản phẩm Rạng Đông định hướng định hướng cung cấp cho thị trường 1 hệ sinh thái các sản phẩm 4.0 với các giải pháp chiếu sáng xanh, thông minh lấy con người làm trung tâm, giải pháp chiếu sáng ứng dụng các thành tựu của cách mạng CN 4.0 vào trong hệ thống sản phẩm như công nghệ vạn vật kết nối, điện toán đám mây, điện toán biên...
Theo ông Nguyễn Đoàn Kết - Phó Chủ tịch HĐQT Rạng Đông, DN cần có chiến lược chuyển đổi số theo từng giai đoạn.
Về mô hình kinh doanh, công ty xây dựng quy mô kinh doanh mới, kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử, tích hợp các sản phẩm của DN vào các nền tảng số của các nhà mạng.
"Thực hiện chuyển đổi số tại Rạng Đông là một quá trình toàn diện, theo đó bao gồm chuyển đổi số trước, trong và sau sản xuất. Trước sản xuất, DN phải nâng cao năng lực làm chủ thiết kế. Trong sản xuất, DN áp dụng các thành tựu của cuộc CMCN 4.0 tiến tới xây dựng nhà máy thông minh, linh hoạt, nhờ đó có thể rút ngắn chu kỳ của sản phẩm đưa ra thị trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trước những thay đổi nhanh của hành vi người tiêu dùng. Sau sản xuất, DN tập trung vào nâng cao chất lượng chăm sóc khách hàng, nâng cao năng lực trải nghiệm khách hàng, mang lại giá trị gia tăng cao hơn trên sản phẩm cung cấp cho người tiêu dùng", ông Kết chia sẻ.
Theo ông Kết, chuyển đổi số là quá trình lâu dài nên DN phải có chiến lược, không được chuyển đổi số tràn lan. Trong từng giai đoạn, thời kỳ DN cần phải vạch ra những bước đi cụ thể, lập kế hoạch và hành động chi tiết với lộ trình được xác định rõ ràng. Chuyển đổi số trong một thời gian phải tạo ra kết quả. Khi cán bộ, công nhân nhìn thấy kết quả họ mới có niềm tin và đồng hành trong các hoạt động chuyển đổi số của DN.
Với chiến lược chuyển đổi số cụ thể cho từng giai đoạn, dù đại dịch COVID-19 gây rác nhiều tác động tiêu cực, nhưng năm 2020 - năm đầu tiên Rạng Động chuyển đổi số doanh thu vẫn tăng trưởng 15,8% so với năm trước. Năm 2021, doanh thu tăng trưởng 16,7% so với năm ngoái. Trong khi đó, lợi nhuận tăng trưởng 26%, đặc biệt nộp ngân sách tăng gần 30% so với cùng kỳ. Đây là những kết quả bước đầu sau khi công ty thực hiện chuyển đổi số.