Mỹ “đe dọa” trừng phạt Trung Quốc thông qua dự trữ ngoại hối

Kỳ Văn
Nếu Trung Quốc cũng vướng phải các lệnh trừng phạt tương tự đối với Nga, tài sản ở nước ngoài của họ thậm chí có thể đối mặt với nguy cơ biến thành 0...
my-de-doa-1649654113.png
Bằng cách thực hiện các lệnh trừng phạt, Mỹ đã cho thấy việc kiểm soát đối với hệ thống thanh toán toàn cầu mang lại một lượng quyền lực to lớn thế nào

Các biện pháp trừng phạt tài chính của Mỹ đối với Nga vì tấn công Ukraine, đã khiến Trung Quốc lo ngại về mức độ tiếp xúc lớn với trái phiếu chính phủ Mỹ, mặc dù các chuyên gia cho rằng, không có giải pháp thay thế thực sự nào để nước này đầu tư dự trữ ngoại hối.

Trong những tuần gần đây, cựu cố vấn Ngân hàng Trung ương Yu Yongding và cựu Phó Chủ tịch Ngân hàng Trung Quốc Wang Yongli, đã đưa ra cảnh báo về tác động mà các lệnh trừng phạt của phương Tây có thể gây ra đối với hoạt động đầu tư chứng khoán nước ngoài của Trung Quốc, trong bối cảnh Hoa Kỳ đe dọa "hậu quả" nếu Bắc Kinh giúp Nga trốn tránh các lệnh trừng phạt.

“Nếu Trung Quốc cũng vướng phải các lệnh trừng phạt tương tự đối với Nga, tài sản ở nước ngoài của họ thậm chí có thể đối mặt với nguy cơ biến thành 0”, ông Yu quan ngại.

GS. Michael Pettis tại ĐH Bắc Kinh cho biết, một quốc gia xuất siêu như Trung Quốc phải đầu tư vào tài sản nước ngoài và có rất ít sự lựa chọn khác ngoài trái phiếu của Mỹ.

Ông nói: “Bằng cách thực hiện các lệnh trừng phạt, Mỹ đã cho thấy quyền kiểm soát đối với hệ thống thanh toán toàn cầu mang lại một lượng quyền lực to lớn thế nào. Các quốc gia như Trung Quốc, Iran, Nga và Venezuela, những người rất quan tâm đến việc thực thi quyền lực đó hiện có động cơ lớn hơn để nắm giữ một thứ gì đó khác ngoài đồng USD. Nhưng… họ còn có thể nắm giữ được gì khác?".

Trung Quốc vốn được mệnh danh là công xưởng của thế giới, đã tích lũy thu nhập nước ngoài từ xuất khẩu của mình kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001. Năm ngoái, thặng dư thương mại của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới đã tăng 29% so với một năm trước đó lên 676,43 tỷ USD - mức cao nhất kể từ mức kỷ lục bắt đầu vào năm 1950. Mặc dù Trung Quốc không tiết lộ nguồn thu ngoại thương của mình ở đâu, nhưng một phần đáng kể đã được đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, vào tháng 1 năm nay, Trung Quốc nắm giữ trái phiếu Mỹ trị giá 1,06 nghìn tỷ USD, khiến nước này trở thành quốc gia nắm giữ lớn thứ hai sau Nhật Bản. Theo đó, trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ chiếm khoảng một phần ba giá trị trong tổng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc, đang ở mức 3,22 nghìn tỷ USD.

Cựu Phó Chủ tịch Ngân hàng Trung Quốc Wang Yongli khẳng định, dự trữ ngoại hối quốc gia chủ yếu là tiền tệ của các nước phát triển như USD và đồng Euro, cũng chủ yếu được lưu trữ ở các nước như Hoa Kỳ và châu Âu. “Điều này cũng có nghĩa là một khi mối quan hệ với Hoa Kỳ và châu Âu tan vỡ, an ninh của dự trữ ngoại hối Trung Quốc sẽ bị đe dọa rất nhiều”.

Vừa qua, Trung Quốc đã từ chối lên án việc Nga tấn công Ukraine và cho biết sẽ tiếp tục duy trì hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước. Nhưng một nguồn tin ngoại giao ở Bắc Kinh cho hay, Trung Quốc cũng lo ngại về những “đe dọa” của Mỹ và các hình thức can dự kinh tế với Nga có thể gây ra một lệnh trừng phạt tương tự.

Thực tế, Trung Quốc đã giảm tỷ lệ tiếp xúc với trái phiếu chính phủ Mỹ kể từ năm 2015, mặc dù nước này chưa thể tìm được trái phiếu thay thế tương tự. Đầu tư vào chứng khoán bằng đồng Euro và trái phiếu Chính phủ Nhật Bản cũng không phải là những lựa chọn thay thế tốt.

GS. Michael Pettis đã đánh giá, châu Âu cần mua tài sản ở nước ngoài và sẽ không hoan nghênh hậu quả của việc chuyển quá nhiều tiền từ đồng USD sang Euro, bởi vì điều đó sẽ buộc giá trị của đồng Euro tăng lên và khiến người châu Âu gặp khó khăn trong việc điều hành thặng dư tài khoản vãng lai. Giống như Trung Quốc, vì nhu cầu trong nước quá yếu.

“Nhật Bản cũng dựa vào thặng dư tài khoản vãng lai để hấp thụ nhu cầu trong nước và chúng tôi đã thấy trước đây, nếu bạn mua quá nhiều yên, người Nhật sẽ tức giận, vì vậy bạn thực sự không thể làm được điều đó. Mặc dù các nước đang phát triển sẽ hoan nghênh đầu tư của Trung Quốc, nhưng mức độ rủi ro như vậy được coi là quá rủi ro và điều tương tự cũng áp dụng đối với vàng và các hàng hóa khác, vì tài sản dự trữ nên được đầu tư một cách ổn định trong thời kỳ hỗn loạn”, vị GS phân tích.

Cả hai vị cựu quan chức Trung Quốc đều cho rằng, Bắc Kinh cần cân nhắc các biện pháp đáp trả nếu Mỹ và châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hoạt động đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài.

Tài sản và nợ phải trả ở nước ngoài nên được cân bằng, đặc biệt là không nắm giữ quá nhiều tài sản bằng USD… để có khả năng đưa ra các biện pháp đối phó tương đương nếu cần. Đồng thời Trung Quốc nên tiếp tục mở cửa kinh tế và tài chính với thế giới, khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ nhiều tài sản của Trung Quốc hơn, để hình thành một “sự hội nhập lợi ích mạnh mẽ hơn”.

“Rất khó để Hoa Kỳ tách rời hoàn toàn khỏi Trung Quốc và việc đóng băng hoặc thậm chí tịch thu tài sản dự trữ của Trung Quốc chỉ có thể là một kết quả cực kỳ hiếm gặp,” ông Wang Yongli nói.