Ngành F&B Việt Nam tiếp tục tăng trưởng với xu hướng mới
Trong năm nay, nền kinh tế Việt Nam được dự báo có những tín hiệu phục hồi khả quan với mức tăng trưởng ước đạt 5,5%, theo kỳ vọng của 37,5% doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report. Khi kinh tế chung tăng trưởng ổn định, các ngành công nghiệp và lĩnh vực khác, bao gồm ngành F&B, cũng được kỳ vọng sẽ phát triển tích cực.
Một môi trường kinh doanh ổn định, thuận lợi có thể mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp F&B, tạo điều kiện thúc đẩy quá trình mở rộng quy mô, cải tiến sản phẩm và tăng cường sức cạnh tranh trên cả thị trường nội địa và quốc tế.
Còn theo khảo sát của Vietnam Report từ tháng 7 - 8/2024, 62,5% doanh nghiệp kỳ vọng ngành F&B sẽ tăng trưởng từ 5-10% trong năm nay. Điều đáng chú ý là sự lạc quan của các doanh nghiệp về triển vọng của thị trường F&B tăng mạnh, với tỷ lệ tăng từ 61,6% lên 87,6%. Sự lạc quan này là hoàn toàn hợp lý khi các số liệu từ Bộ Công Thương dự báo doanh thu ngành F&B sẽ tăng trưởng 10,92% vào năm 2024, đạt hơn 720.000 tỷ đồng.
Thị trường xuất khẩu thực phẩm cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực với nhiều nhóm ngành xuất khẩu như thủy sản, rau quả, cà phê, gạo và hạt điều đã ghi nhận tổng kim ngạch xuất khẩu vượt 2 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2024.
Tín hiệu lạc quan về sự cải thiện của ngành F&B trong thời gian tới còn đến từ tình hình tài chính của người tiêu dùng. Khảo sát người tiêu dùng ngành F&B năm 2024 của Vietnam Report cho thấy có tới 52,7% người tiêu dùng cho rằng thu nhập của họ sẽ cải thiện một chút và 21,8% cải thiện rất nhiều trong 12 tháng tới. Thêm vào đó, Nghị định 74/2024 NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng có hiệu lực từ tháng 7/2024 sẽ tiếp tục đóng góp cho sự tăng trưởng của ngành F&B trong thời gian tới khi bước vào mùa chi tiêu cuối năm.
Khó khăn của doanh nghiệp ngành Thực phẩm - Đồ uống
Theo kết quả khảo sát doanh nghiệp ngành F&B của Vietnam Report, 72,2% doanh nghiệp ngành F&B tham gia khảo sát cho rằng sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng là một trong những khó khăn lớn nhất trong năm nay. Tỷ lệ này đã gia tăng mạnh từ 37,5% vào năm 2022 lên 75,0% vào năm 2024.
Người tiêu dùng hiện nay không chỉ quan tâm đến giá cả hay chất lượng sản phẩm mà còn đặt nặng yếu tố bền vững, an toàn cho sức khỏe và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Họ có xu hướng ưu tiên các sản phẩm xanh, hữu cơ, và có nguồn gốc rõ ràng. Đồng thời, sự phổ biến của thương mại điện tử và xu hướng mua sắm trực tuyến cũng thay đổi cách thức tiếp cận sản phẩm buộc các doanh nghiệp phải đầu tư vào kênh bán hàng số hóa để duy trì lợi thế cạnh tranh.
Sự thay đổi liên tục trong sở thích và nhu cầu của người tiêu dùng đòi hỏi các doanh nghiệp phải linh hoạt, liên tục đổi mới và cập nhật chiến lược để đáp ứng kỳ vọng của thị trường.
Bên cạnh sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng, 44,4% doanh nghiệp trả lời khảo sát của Vietnam Report cho rằng lượng hàng tồn kho lớn đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp. Do những biến động khó lường của thị trường, nhiều doanh nghiệp đã dự trữ hàng hóa với khối lượng lớn nhằm ứng phó với sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng và biến động tiêu dùng.
Tuy nhiên, điều này dẫn đến áp lực lớn về chi phí lưu kho, quản lý hàng tồn và đặc biệt là nguy cơ giảm giá trị sản phẩm khi hàng hóa tồn đọng quá lâu, nhất là đối với các mặt hàng có hạn sử dụng ngắn. Hơn nữa, lượng hàng tồn kho lớn còn khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc điều chỉnh sản xuất và đáp ứng linh hoạt với các xu hướng tiêu dùng mới.
Động lực tăng trưởng của doanh nghiệp ngành F&B
Theo khảo sát của Vietnam Report, thương mại điện tử phát triển mạnh được 69,2% doanh nghiệp lựa chọn là động lực chính cho sự tăng trưởng trong năm 2024. Sau đại dịch COVID-19, nhiều người từng cho rằng sự phát triển của thương mại điện tử trong ngành F&B đã đạt đến đỉnh điểm nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Thương mại điện tử vẫn tiếp tục tạo ra những xu hướng mới, mang lại nhiều cơ hội tăng trưởng cho các doanh nghiệp.
Trong năm 2023, mặc dù thị trường đồ uống có cồn như bia, rượu gặp phải nhiều khó khăn, các doanh nghiệp đã nhanh chóng chuyển hướng, tìm kiếm cơ hội qua các sàn thương mại điện tử. Sự thay đổi này đã đem lại kết quả vượt ngoài mong đợi khi các doanh nghiệp kinh doanh bia đã ghi nhận tổng doanh thu trên các sàn thương mại điện tử lên đến 351 tỷ đồng với mức tăng trưởng 12% so với năm trước.
Điều này chứng tỏ rằng thương mại điện tử không chỉ là giải pháp tình thế trong thời kỳ khủng hoảng mà còn là kênh bán hàng chủ lực với tiềm năng dài hạn. Doanh nghiệp có thể tận dụng sự linh hoạt của nền tảng này để tiếp cận một lượng lớn khách hàng, tối ưu hóa trải nghiệm mua sắm, và đẩy mạnh các chiến dịch quảng cáo cá nhân hóa, từ đó thúc đẩy doanh số và nâng cao giá trị thương hiệu.
Trong bối cảnh thị trường truyền thống đang dần bão hòa, thương mại điện tử tiếp tục đóng vai trò là động lực tăng trưởng quan trọng, giúp các doanh nghiệp F&B vượt qua thách thức và nắm bắt cơ hội mới trong năm 2024.
Hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ đã được 50,0% doanh nghiệp F&B lựa chọn là một trong những động lực tăng trưởng chính trong năm 2024. Theo nhận định của chuyên gia từ Vietnam Report, doanh thu từ các nhà hàng và quán cà phê đã tăng trưởng đột biến trong các dịp nghỉ lễ như 30/4 - 1/5 và Quốc khánh 2/9, đặc biệt là tại các thành phố du lịch lớn như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang và Phú Quốc.
Một điểm nổi bật là doanh thu phát sinh từ 6h tối đến 6h sáng hôm sau chiếm từ 27-33% tổng doanh thu tại nhiều nhà hàng và quán bar, trong đó gần 30% doanh thu đến từ sau 10h đêm. Trong 8 tháng đầu năm 2024, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 11,4 triệu lượt, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2023.
Cùng với đó, doanh thu từ dịch vụ lưu trú và ăn uống trong 8 tháng đầu năm 2024 ước đạt 481,2 nghìn tỷ đồng, tăng 14,3% so với năm trước. Những con số này cho thấy tác động tích cực của sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch đối với ngành F&B, mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng cho các doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường tiêu dùng đang phục hồi.
Mai Anh (t/h)