Nắm giữ 'kho vàng' của thế giới nhưng Trung Quốc đang mất dần lợi thế

Admin
Trung Quốc đã thành công nắm giữ vị thế gần như độc quyền trong việc sản xuất đất hiếm, một vật liệu mang tính chiến lược. Nhưng phần còn lại của thế giới đang "thức tỉnh".

Đất hiếm là một nhóm gồm 17 nguyên tố hóa học và/hoặc kim loại đã trở nên thiết yếu trong xã hội của chúng ta theo thời gian. Điện thoại thông minh, màn hình, đèn, pin, ô tô, đèn LED, ổ cứng, tua-bin gió, tấm quang điện và mọi thứ liên quan đến số hóa… tất cả những công nghệ này đều cần đến đất hiếm. Cần khoảng 3 gram đất hiếm trong 1 chiếc điện thoại thông minh và lên đến 600 kg đối với một tua-bin gió ngoài khơi.

Trung Quốc đã phát triển sản xuất đất hiếm trong nhiều thập kỷ, đặc biệt là vào những năm 1980, vươn lên thay thế vị trí của Mỹ trước đó cả thập kỷ và trở thành nước đứng số 1 thế giới về sản lượng đất hiếm.

Nắm giữ 'kho vàng' của thế giới nhưng Trung Quốc đang mất dần lợi thế
Hoạt động khai thác tại một mỏ đất hiếm của Trung Quốc, quốc gia có ảnh hưởng lớn trong ngành công nghiệp này. (Nguồn: Global Times)

Các công nghệ phụ thuộc

Để hiểu mối quan tâm của nhân loại hiện nay mà không đi sâu vào chi tiết về đặc tính kỹ thuật của những loại đất hiếm này (không quá "hiếm" nhưng trữ lượng của chúng không quá dồi dào, việc khai thác có thể phức tạp và đôi khi không sinh lời), hãy lấy ví dụ về neodymium.

Neodymium thường được kết hợp với một loại đất hiếm khác là dysprosium giúp tạo ra các nam châm cực mạnh với kích thước hạn chế. Điều này cho phép tạo ra máy rung hoặc các thành phần khác trong điện thoại thông minh cũng như động cơ tua-bin gió không bánh răng (lý tưởng để giảm các giai đoạn bảo trì tua-bin gió ngoài khơi vì việc bảo trì trên biển rất tốn kém và phức tạp) hoặc thậm chí là tối ưu hóa hiệu suất của ô tô điện.

Trong số những nước đang khai thác,nhờ chi phí sản xuất thấp, với các tiêu chuẩn môi trường lỏng lẻo cho đến những năm 2000, Trung Quốc đã khiến thị trường tràn ngập đất hiếm rẻ tiền và khiến cả thế giới phải phụ thuộc vào nước này.

Trung Quốc sản xuất hơn 90% tổng số đất hiếm toàn cầu những năm 2010. Tuy nhiên, kể từ đó, phần còn lại của thế giới đã "thức tỉnh" và bắt đầu sản xuất loại nguyên liệu này, ngay cả khi điều đó có nghĩa là chấp nhận trả mức giá cao hơn, để giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Tuy nhiên, Trung Quốc hiện vẫn đứng đầu thế giới với gần 70% sản lượng vào năm 2022. Một ví dụ về việc đất hiếm tác động đến địa chính trị là trường hợp của Nhật Bản vào năm 2010. Sau khi căng thẳng Trung-Nhật leo thang, Bắc Kinh đã ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản. Điều này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với nhiều công ty công nghệ vốn cực kỳ phụ thuộc vào đất hiếm.

Thế giới đang dần "thức tỉnh"

Mặc dù giá của neodymium tăng vọt vào đầu những năm 2010 và có thể thấy áp lực tăng giá vào năm 2022, giá đất hiếm cuối cùng vẫn tương đối ổn định (khoảng 150.000 Euro/tấn hay 165.300 USD/tấn) trong khi nhu cầu (do số hóa rộng rãi và quá trình chuyển đổi năng lượng) chỉ ngày càng tăng.

Đầu tiên, có thể đưa ra giả thuyết rằng Trung Quốc đã sản xuất đất hiếm với giá cực thấp nhằm bóp nghẹt cạnh tranh và giữ cho xuất khẩu của nước này ở mức cao. Tuy nhiên, quốc gia này đang dần thay đổi chiến lược để tinh chế các vật liệu này và sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh, có giá trị gia tăng cao.

Sau đó, Mỹ và Australia cùng các quốc gia châu Á khác cũng hồi sinh hoặc tăng cường sự hiện diện của họ trong ngành khai thác đất hiếm.

Chỉ có Brazil dường như là một ngoại lệ. Trong khi nước này có trữ lượng lớn, sản lượng đất hiếm hàng năm của nước này đã giảm xuống chỉ còn 80 tấn đất hiếm vào năm 2022, so với 2.200 tấn vào năm 2016.

Hoạt động tái chế cũng giúp giảm nhẹ áp lực. Các giải pháp thay thế hoặc vật liệu thay thế đất hiếm được sử dụng trong một số tấm quang điện, dù hiệu suất không bằng. Điều này đã giúp ổn định giá một phần.

Annabelle Livet, chuyên gia về các vấn đề an ninh năng lượng của Tổ chức Nghiên cứu Chiến lược (FRS) cho biết: lưới điện thông minh và những lưới điện khác sẽ yêu cầu rất nhiều kim loại, nhưng không chỉ đất hiếm. Hiện tại, tình hình tương đối được kiểm soát bởi vì thế giới chỉ mới bắt đầu xuất hiện các công nghệ carbon thấp.

Nhưng với tham vọng về chuyển đổi năng lượng và số hóa ở khắp nơi trên thế giới, áp lực đối với kim loại, nói chung và đặc biệt là lithium, sẽ khiến tình hình thay đổi. Khi đó, giá đất hiếm có thể sẽ bước vào chu kỳ tăng mạnh.

Đất hiếm không chỉ được sử dụng trong tất cả những ngành công nghệ cao, chúng cũng có mặt trong ngành y tế và thậm chí trong ngành vũ khí. Tên lửa, hệ thống dẫn đường, thiết bị viễn thông thu nhỏ, vệ tinh, radar, máy bay không người lái, máy tạo từ trường... đều cần đến đất hiếm. Sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong lĩnh vực này rõ ràng là vấn đề lớn.

Do đó, đảm bảo nguồn cung, tinh chế và sản xuất thành phẩm liên quan đến đất hiếm là một trong những điểm chiến lược không nên bỏ qua.

Giá của một số loại đất hiếm hiện nay:

Neodymium: Ứng dụng trong nam châm cực mạnh và hệ thống hướng dẫn, tua-bin gió, điện thoại thông minh, xe hybrid và xe điện…, hiện có giá khoảng 150.000 USD/tấn.

Dysprosium: Dùng cho nam châm vĩnh cửu, ứng dụng y tế; giá khoảng 500.000 USD/tấn.

Lantan: Dùng trong pin, máy ảnh, máy tính, điện thoại thông minh; khoảng 20.000 USD/tấn.

Terbi: Dùng cho bóng đèn, màn hình, ống huỳnh quang; khoảng 500.000 USD/tấn.

Xeri: Đánh bóng, chất xúc tác, giảm ô nhiễm; khoảng 370.000 USD/tấn.

Europium: Dùng cho tiền giấy (Euro). Khi tiếp xúc với tia cực tím, tiền giấy phát ra huỳnh quang cụ thể. Đất hiếm này có giá từ 700.000 đến 1 triệu Euro/tấn (khoảng 771.000 đến 1,1 triệu USD).