Nam Long: Hàng tồn kho tăng siêu tốc, loạt dự án bị cầm cố vẫn rao bán

Admin
Hàng tồn kho của Công ty Nam Long tăng đột biến, gây mất cân đối tài chính. Không những thế, dù tài sản bị cầm cố ở ngân hàng nhưng Nam Long vẫn rao bán rầm rộ trên mạng xã hội.

Hàng tồn kho tăng siêu tốc

Thị trường bất động sản đang gặp khó khăn “kép”. Trong khi khó tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, vốn trái phiếu, rất nhiều doanh nghiệp gặp khó trong hoạt động bán hàng. Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Nam Long (Công ty Nam Long) khó tránh được xu hướng chung của thị trường.

Một trong số đó là hàng tồn kho quá cao. Hàng tồn kho quá cao đang là “điểm nhấn” lớn của Nam Long. Tại ngày 30/9/2022, hàng tồn kho lên tới 16.105 tỷ đồng, chiếm tới 64% tổng tài sản công ty. So với hồi đầu năm 2022, chỉ tiêu này không tăng đáng kể nhưng so với năm 2018, đó là bước “tiến” dài.

nam-long-co-luong-hang-ton-kho-cao-1673065823.jpg

Nam Long có lượng hàng tồn kho cao.

Còn so với nhiều đối thủ khác, tỷ lệ hàng tồn kho/tổng tài sản của Công ty Nam Long cao vượt trội. Tỷ lệ này hồi cuối quý 3/2022 tại Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền là 57,1%, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va là 49,9%, Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát là 37%, thấp hơn nhiều so với con số 64% tại Nam Long.

Sau gần 5 năm, hàng tồn kho tại Nam Long đã tăng 12.844 tỷ đồng, tương đương 394%. Trong khi đó, doanh thu năm 2021 chỉ tăng 49% so với năm 2018. Năm 2022 còn tệ hơn khi Nam Long vừa công bố giảm doanh số kế hoạch 47% do dự án Nam Long Cần Thơ và Izumi City thiếu hỗ trợ các khoản cho vay mua nhà.

Cần phải nhấn mạnh, hàng tồn kho đang có xu hướng cao vượt trội so với doanh thu và các khoản phải thu ngắn hạn.Trong 9 tháng đầu năm, dù tăng rất mạnh nhưng doanh thu của Nam Long cũng chỉ đạt 2.710 tỷ đồng. Doanh thu chỉ bằng 16,8% hàng tồn kho.

Hồi cuối tháng 9, các khoản phải thu ngắn hạn cũng rất thấp, chỉ là 2.556 tỷ đồng, tăng rất nhẹ so với con số 1.934 tỷ đồng hồi đầu năm 2022 và bằng 15,9% hàng tồn kho.Các khoản phải thu ngắn hạn và doanh thu quá thấp so với hàng tồn kho cho thấy hoạt động bán hàng của Nam Long gặp nhiều khó khăn.

Thế nhưng, trong kỳ, Nam Long dồn rất nhiều nguồn lực cho hoạt động này.Trong quý 3/2022, chi phí bán hàng tại Nam Long lên đến 107 tỷ đồng, tăng 89 tỷ đồng, tương đương 10,9 lần so với quý 3/2021; lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 325 tỷ đồng, tăng 289,3 tỷ đồng, tương đương 810% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bị cầm cố tại ngân hàng, dự án vẫn được rao bán

Hàng tồn kho tại Nam Long đang ở mức cao ngất ngưởng khiến tỷ lệ hàng tồn kho/tổng tài sản của công ty ở Top “đỉnh” của thị trường. Hàng loạt dự án dù được rót nhiều vốn nhưng lận đận về hoạt động bán hàng.

nhung-du-an-du-da-cam-co-ngan-hang-nhung-van-rao-ban-tren-thi-truong-cua-nam-long-1673065888.jpg

Những dự án dù đã cầm cố ngân hàng nhưng vẫn rao bán trên thị trường của Nam Long.

Đứng đầu danh sách hàng tồn kho là dự án Izumi với giá trị lên đến 7.523 tỷ đồng. Đứng sau là dự án Southgate (3.622 tỷ đồng), dự án Paragon Đại Phước (2.027 tỷ đồng), dự án Vàm Cỏ Đông – Waterpoint (1.427 tỷ đồng).

Đây là 4 dự án có giá trị hàng tồn kho trị giá ngàn tỷ đồng. Ngoại trừ Paragon Đại Phước, ba dự án còn lại đều đã bị cầm cố tại ngân hàng. Dù bị cầm cố ở ngân hàng nhưng các dự án này vẫn được chào bán rộng rãi trên mạng xã hội.

tien-do-thanh-toan-cua-du-an-izumi-duoc-chao-ban-1673065962.jpg  

Hiện tại, nhiều website và các diễn đàn rao vặt bất động sản, dự án Izumi được chào bán với giá 25 tỷ đồng tới 30 tỷ cho dòng Villa Izumi City Nam Long. Mỗi căn biệt thự của dự án rộng khoảng 460m2. Dự án được giới thiệu là mở bán trong tháng 11/2022.

Trong khi đó, dự án Southgate Long An nằm ở phân khúc thấp hơn. Giá căn mỗi căn hộ rộng từ 51m2 tới 67m2 dự kiến từ 980 triệu đồng trở lên. Căn hộ giá cao nhất cũng chỉ gần 1,34 tỷ đồng.

Cùng ở Long An nhưng dự án Vàm Cỏ Đông – Waterpoint ở phân khúc cao cấp hơn. Trên mạng xã hội, nhiều phân khu của dự được chào bán với mức giá rất cao, lên đến 28,6 tỷ đồng cho một căn biệt thự rộng 600m2 (trung bình 48 triệu đồng/m2).

Hiện tại, phần lớn hàng tồn kho của Nam Long đã “nằm” tại ngân hàng. Các chủ nợ đang “ôm” hàng tồn kho của Tập đoàn này có thể kể đến như Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Ngân hàng Mizuho, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – Chi nhánh TP.HCM, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered Việt Nam và Ngân hàng TNHH MTV United Overseas Bank (ngân hàng UOB).

OCB là chủ nợ lớn nhất của Nam Long khi ghi nhận 649 tỷ đồng các khoản vay dài hạn và 462 tỷ đồng các khoản vay ngắn hạn. Nam Long đã dùng nhiều dự án để nhận được những khoản vay này. Đó là quyền sử dụng đất và các tài sản liên quan đến bất động sản tại Long An và Đồng Nai của công ty.

Còn với khoản vay trị giá 212 tỷ đồng tại Techcombank, Nam Long đã dùng “Quyền sử dụng đất và các tài sản trên đất tại đảo Đại Phước, Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai” làm tài sản đảm bảo.