Nhằm đánh giá thực trạng sản xuất, chế biến nông thủy sản, bàn giải pháp phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, đồng bộ, bền vững cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Hội thảo với chủ đề “Nâng tầm nông – thủy sản Việt” đã diễn ra vào chiều ngày 27/4 tại TP Cần Thơ.
Nằm trong khuôn khổ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Văn phòng Đại diện Báo Người Lao động khu vực ĐBSCL, Hội thảo do Báo Người Lao động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), UBND TP Cần Thơ tổ chức. Tham dự Hội thảo có Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, GS,TS Võ Tòng Xuân - đại diện Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, các hiệp hội, doanh nghiệp và nông dân nuôi trồng nông sản, thủy sản.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan.
Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam tuy đứng thứ 15 thế giới và đứng thứ 2 Đông Nam Á về kim ngạch xuất khẩu hàng nông – lâm – thủy sản, với năng lực sản xuất đạt trên 140 triệu tấn/năm nhưng chủ yếu vẫn xuất khẩu thô nên giá trị thu về chưa tương xứng với tiềm năng. Ở thị trường trong nước, sản phẩm nông nghiệp nhiều thời điểm rơi vào tình trạng “được mùa rớt giá”, người nông dân thu nhập bấp bênh.
Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận, đánh giá thực trạng ngành sản xuất – chế biến nông – thủy sản, tìm giải pháp phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, đồng bộ, bền vững với những sản phẩm có tính cạnh tranh cao ở thị trường trong và ngoài nước, nâng tầm giá trị nông – thủy sản Việt, nâng cao thu nhập cho DN và người nông dân.
Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định, chuyển từ ngành sản xuất sang phát triển nền kinh tế nông nghiệp; từ sản xuất nông nghiệp sang tích hợp đa ngành dịch vụ, công nghiệp; từ đơn giá trị nông sản tích hợp sản phẩm đa giá trị; từ tập trung hỗ trợ người sản xuất sang hỗ trợ tất cà các tác nhân trong chuỗi giá trị.
ĐBSCL là vùng đất rộng lớn với gần 40 ngàn km2, chiếm 12% diện tích với khoảng 18 triệu dân, chiếm 19% dân số cả nước, đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây cả nước, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu.
ĐBSCL có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đang đối diện nhiều nguy cơ thách thức, biến đổi khi hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn sâu vào nội vùng; vòng lẩn quẩn của nông sản “trúng mùa, rớt giá; được giá mất mùa”…
GS,TS Võ Tòng Xuân phát biểu tại hội thảo.
Theo GS,TS Võ Tòng Xuân, câu chuyện được mùa rớt giá và việc giải cứu nông sản được nhắc đi nhắc lại nhiều năm. Một trong những vấn đề lớn của hàng hóa nông, thủy sản của Việt Nam là thiếu sức cạnh tranh với các nước xung quanh, nhất là với Thái Lan, thậm chí là trên "sân nhà".
Nguyên nhân chính là liên kết sản xuất giữa người nông dân với DN rất lỏng lẻo, cả DN và nông dân thường “bẻ kèo” nhau, tức là mặc dù đã ký kết, nhưng khi thị trường thay đổi thì họ lén bán ra bên ngoài thay vì bán cho DN; trong khi DN cũng có tình trạng "bỏ của chạy lấy người", khiến mối liên kết này chưa bền vững.
Về vấn đề nâng tầm nông - thủy sản Việt, GS,TS Võ Tòng Xuân cho rằng, mỗi địa phương cần lựa chọn những sản phẩm hàng hóa nổi bật, đặc thù của địa phương để có hướng tập trung sản xuất và tiêu thụ không chỉ trong nước mà còn ở thị trường ngoài nước, bởi hiện chúng ta có nhiều sản phẩm OCOP, nhưng sản phẩm OCOP ở các tỉnh, thành lại na ná nhau; vấn đề nữa là việc nông dân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sẽ gặp khó khăn nếu đi vào đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ, cần có diện tích lớn, giảm phân hóa học, sử dụng phân vi sinh và sinh học, giảm phát thải nhà kính, nâng cao chất lượng sản phẩm; DN cần quan tâm đúng mức đến việc phát triển thương hiệu, nhãn hiệu; nâng cao hiệu quả hoạt động marketing, xem thị trường đang cần gì và hàng hóa xuất đi đâu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Thị Diễm Ngọc kiến nghị giải pháp bảo vệ thương hiệu gạo ngon ST25.
Bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, gắn với thế mạnh vùng ĐBSCL, Sóc Trăng xác định nông nghiệp là nền tảng, thủy sản là mũi nhọn. Trong gần 10 năm qua, sản lượng lúa của Sóc Trăng luôn đạt trên 2 triệu tấn/năm. Đặc biệt, gạo ST24, ST25 nằm trong top gạo ngon của thế giới.
Đồng tình với ý kiến việc liên kết giữa nông dân – DN còn rất lỏng lẻo, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, bà Ngọc còn nêu lên những khó khăn của ngành nông nghiệp thời gian qua là cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng, địa phương đến hay cũng chưa có DN chế biến các mặt hàng nông sản bảo đảm yêu cầu xuất khẩu. Vì vậy, ngoài việc kêu gọi các DN đầu tư xây dựng nhà máy tại địa phương, Sóc Trăng kiến nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo các địa phương trong vùng rà soát lại quy hoạch sản xuất lúa gạo đặc sản, có chiến lược liên kết sản xuất, bảo đảm mục tiêu xuất khẩu, bảo đảm gạo ST25 không bị làm giả, làm nhái.
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, chúng ta đang nói nâng tầm nông thủy sản nhưng khó khăn là nền nông nghiệp đa phần nhỏ lẻ, manh mún, tự phát và không phải lúc nào liên kết với nông dân cũng suôn sẻ. Cũng chính do sản xuất manh mún nên chất lượng sản phẩm không đồng đều, chi phí cao, tự phát, xung đột, cạnh tranh lẫn nhau. DN sẽ không về nếu tỉnh không trả lời được câu hỏi mua nguyên liệu ở đâu? Tỉnh có cam kết nông dân giữ chữ tín trong hợp đồng bao tiêu không? Để có được lời giải, mấu chốt là phải tổ chức lại sản xuất, ngành hàng, nông dân.
Chúng ta cần thoát khỏi tư duy thuận mua vừa bán, mua đứt bán đoạn mà phải hình thành niềm tin cho nông dân, phát huy vai trò dẫn dắt để hình thành hệ sinh thái xung quanh giữa doanh nghiệp và nông dân.
"Tôi mong rằng mỗi DN cùng ngồi lại, chuyển từ tư duy thuận mua vừa bán sang tư duy hợp tác đường dài. Các hiệp hội ngành hàng rau củ quả, thuỷ sản cũng phải thật sự trở thành một hiệp hội cùng kiến tạo không gian phát triển với địa phương từng vùng, kết nối doanh nghiệp, nông dân thành một khối liên kết bền chặt để cùng nhau đi xa hơn", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.