Bên lề diễn đàn, khách mời được tham gia một số hoạt động trải nghiệm như cuốn sổ tay điện tử giới thiệu 100 DN ngành hàng trà, cà phê, nông thủy sản (eBook) bằng thiết bị điện tử hiện đại, hình ảnh trực quan in khổ lớn; khu tư vấn về trang Facebook DN của giảng viên do Meta đào tạo; khu vực trưng bày sản phẩm của một số DN được giới thiệu trong cuốn eBook; trải nghiệm số và hướng dẫn DN sáng tạo thực tế ảo tăng cường (AR) bằng Spark Studio.
Ông Ruici Tio - Quản lý Chương trình Chính sách của Tập đoàn Meta khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết: "Chúng tôi tự hào về mối quan hệ đối tác lâu dài với VCCI, qua đó hỗ trợ hơn 32.000 DNNVV trên toàn quốc. Việc ra mắt cuốn sổ tay điện tử giới thiệu các DN trên nền tảng số là một dẫn chứng thể hiện sức mạnh của công cụ số trong việc hỗ trợ các DNNVV bán hàng xuyên biên giới, cũng như cơ hội được khám phá bởi người tiêu dùng trong và ngoài nước. Chương trình hỗ trợ này phản ánh cam kết lớn hơn của Tập đoàn Meta trong việc hỗ trợ CĐS và đổi mới nhằm đóng góp vào các mục tiêu của chính phủ Việt Nam".
|
Nền tảng để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp
Admin
18:06 09/11/2022
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, nếu các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) không dùng nền tảng số thì không thể đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số. Nhờ nền tảng số mà công nghệ số sẽ biến thành dịch vụ, nên DNNVV có thể dùng được ngay, không lo phải có hệ thống công nghệ, nhân lực công nghệ để vận hành và quản trị.
Những rào cản
“Đồng hành cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuyển đổi số” là Diễn đàn do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) và Tập đoàn Meta tổ chức sáng 9/11 tại Hà Nội. Tại diễn đàn, ông Bùi Trung Nghĩa - Phó Chủ tịch VCCI khẳng định, hoạt động chuyển đổi số (CĐS) trong cộng đồng DN đã diễn ra mạnh mẽ trong những năm gần đây như một nhu cầu tự nhiên nhằm đáp ứng sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng cũng như nhu cầu quản lý.
Ông Bùi Trung Nghĩa - Phó Chủ tịch VCCI.
Thực tế cho thấy, CĐS đang là yêu cầu bắt buộc, xu hướng tất yếu, khách quan để cộng đồng DN đứng vững và phát triển, đặc biệt là sau mấy năm bị ảnh hưởng và tác động của đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, việc CĐS không diễn ra một sớm một chiều và có không ít những khó khăn trong quá trình triển khai, đặc biệt là đối với các DNNVV. Nhìn chung, các thách thức phổ biến mà DNNVV thường gặp trong quá trình CĐS vẫn là các vấn đề về: nhận thức và sự cam kết của lãnh đạo đối với CĐS, lựa chọn công nghệ và sự sẵn có hệ sinh thái số cần thiết, con người và năng lực triển khai của tổ chức, cùng với những thách thức về nguồn lực.
Dẫn kết quả khảo sát gần đây do Bộ KH&ĐT phối hợp với USAID tiến hành, ông Trần Duy Đông - Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, nhiều DN đang gặp khó khăn, rào cản để tiến hành CĐS. Cụ thể, hơn 60% DN phản ánh rào cản gặp phải khi CĐS là lo ngại về chi phí đầu tư tăng cao, ứng dụng công nghệ cao. 52,3 % DN phản ánh gặp khó khi thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số cũng như để thay đổi thói quen của DN và người lao động.
Ông Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin & Truyền thông).
Trong khi đó, đề cập đến thực trạng mức độ CĐS của DNNVV trên toàn quốc, ông Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin & Truyền thông) cho hay, các DNNVV sử dụng các nền tảng số mới chủ yếu tập trung vào các chức năng, nghiệp vụ đơn giản. Sử dụng các nền tảng số trong lĩnh vực chế tạo, quản lý chuỗi cung ứng hay cung cấp dịch vụ còn ở mức rất thấp.
Từ góc nhìn công nghệ, khảo sát năm 2021 của CISCO cho thấy, đối với Việt Nam chỉ 18% DNNVV nâng cấp hệ thống phần cứng công nghệ thông tin, 18% đầu tư vào điện toán đám mây và 11% đầu tư vào hệ thống an toàn, an ninh mạng...
Còn khảo sát của VCCI đối với hơn 1.000 DN về CĐS cho thấy, các DNNVV sử dụng các nền tảng số mới chủ yếu tập trung vào các chức năng, nghiệp vụ đơn giản. Sử dụng các nền tảng số trong lĩnh vực chế tạo, quản lý chuỗi cung ứng hay cung cấp dịch vụ còn ở mức rất thấp.
Nhận thức có vai trò quan trọng
Tại phiên toàn thể cũng như phiên thảo luận, các diễn giả đều có chung nhận định, trong bối cảnh hiện nay, đổi mới sáng tạo và CĐS trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, là phương thức hữu hiệu giúp các DN đổi mới mô hình, chuyển dần các mô hình kinh doanh trên nền tảng số để tìm kiếm thị trường, cắt giảm chi phí, khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, tăng doanh số...
Các diễn giả trong phiên thảo luận tại diễn đàn.
Ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông cho biết, từ 2020 đến 2022, Thủ tướng Chính phủ đã lần lượt ban hành Chương trình CĐS quốc gia, Chiến lược phát triển Chính phủ số, Chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số.
"Điểm đặc biệt xuyên suốt trong cả 3 văn bản chiến lược quốc gia này là cách tiếp cận của Việt Nam trong thực hiện CĐS, tạo hiệu ứng cho các DNNVV khi thực hiện, đó là các nền tảng số. Với gần 1 triệu DN, trong đó trên 98% DN là nhỏ và vừa, nếu không dùng nền tảng số thì không thể đẩy nhanh tiến trình CĐS", Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh.
Các nền tảng số cung cấp công nghệ và các chức năng, nghiệp vụ như dịch vụ và nhờ nền tảng số mà công nghệ số sẽ biến thành dịch vụ giống như điện, nước. Do đó, các DNNVV có thể dùng được ngay, dùng bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu. DN không phải lo phải có hệ thống công nghệ cũng như nhân lực công nghệ để vận hành và quản trị.
Theo Phó Chủ tịch VCCI Bùi Trung Nghĩa, nhận thức và năng lực của DN về chuyển đổi số là vô cùng quan trọng. Để thành công, DN cần được cung cấp đầy đủ thông tin để hiểu đúng và lựa chọn cho mình chiến lược và lộ trình CĐS hiệu quả.
Về định hướng, cần phải khẳng định, chiến lược kinh doanh của DN là quan trọng nhất. Chiến lược CĐS là một phần của chiến lược kinh doanh. Chuyển đổi số phải được thực hiện dựa trên với năng lực và thực trạng của DN và phải hướng tới mục tiêu cuối cùng là nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của DN. Nếu thực hiện CĐS mà DN khó khăn hơn trong vận hành, kết quả kinh doanh chậm được cải thiện thì chưa thể coi là thành công.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông cho rằng, bối cảnh hiện nay đòi hỏi các DN phải nỗ lực tìm kiếm các giải pháp hiệu quả để bứt phá tăng tốc, chủ động ứng phó với những khó khăn phía trước.
Việc hỗ trợ các DNNVV, đặc biệt là trong đổi mới sáng tạo và CĐS có ý nghĩa hết sức quan trọng khi hơn 800.000 DNNVV chiếm trên 98% tổng số DN của Việt Nam là những đơn vị kinh tế linh hoạt, cần khả năng thích ứng cao, không ngừng nâng cao năng lực để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, giá trị toàn cầu.
Thời gian tới, Bộ KH&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan và đối tác trong và ngoài nước để huy động nguồn lực hỗ trợ DN, khắc phục khó khăn, rào cản để có thể nâng cao năng lực, đổi mới sáng tạo và CĐS thành công.