Ngầm hóa lưới điện: Hành trình một thập kỷ chuyển mạng nhện xuống lòng đất

Admin
Có thể nói, với rất nhiều nỗ lực từ ngành điện TPHCM cùng với sự phối hợp của các cơ quan ban, ngành liên quan và sự chỉ đạo sát sao của chính quyền Thành phố, những búi mạng nhện đã hiện hữu hàng thập kỷ qua của TPHCM đã và đang được nhanh chóng chuyển xuống lòng đất.
Ngầm hóa lưới điện giúp nâng cao mỹ quan đô thị thành phố, tạo thành hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật lưới điện và dây thông tin theo tiêu chuẩn đô thị hiện đại - Ảnh: VGP/Minh Thi
Từ thí điểm 5 công trình…

Để nâng cao mỹ quan đô thị của TPHCM tiến tới xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật lưới điện và dây thông tin theo tiêu chuẩn đô thị hiện đại và thực hiện chủ trương ngầm hóa lưới điện của Thành phố, ngay từ các năm 2003-2005, Tổng công ty Điện lực TPHCM đã thực hiện thí điểm ngầm hóa lưới điện trên các tuyến đường Lê Lợi, Lê Duẩn, Nguyễn Huệ. Tuy nhiên, việc ngầm hóa này chưa triệt để do chỉ mới ngầm hóa lưới điện, chưa kết hợp được việc ngầm hóa được dây thông tin và chiếu sáng nên tình trạng “mạng nhện” dây thông tin chưa được cải thiện triệt để.

Trong năm 2009-2010, Tổng công ty Điện lực Thành phố đã tiếp tục triển khai thực hiện thí điểm 5 công trình ngầm hóa thí điểm lưới điện kết hợp ngầm hóa cáp viễn thông tại một số khu vực trung tâm Thành phố, bao gồm các khu vực xung quanh hội trường thành ủy; xung quanh chợ Bến Thành và trên các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tôn và Trương Định.

Các công trình ngầm hóa nêu trên sử dụng giải pháp ngầm hóa hạ tầng kỹ thuật theo hướng hiện đại, quản lý tập trung hệ thống công trình hạ tầng ngầm kỹ thuật đô thị (gồm điện và viễn thông thông tin), phối hợp đồng bộ với công tác chỉnh trang, cải tạo vỉa hè, không chỉ đem lại vẻ mỹ quan đô thị, góp phần nâng cao năng lực cung ứng điện, an toàn trong vận hành, sử dụng hiệu quả vỉa hè mà còn góp phần cải thiện môi trường sống cho người dân trong khu vực.

Theo đó, giai đoạn đến năm 2015, tập trung ngầm hóa lưới điện trung, hạ thế trên các tuyến đường và các hẻm đã được xây dựng ổn định theo quy hoạch trên địa bàn của khu vực trung tâm Thành phố (Quận 1, Quận 3) và đến năm 2020, cơ bản hoàn tất ngầm hóa lưới điện trung, hạ thế cho khu vực nội thành Thành phố. Đối với các quận, huyện còn lại thì thực hiện ngầm hóa tại các khu trung tâm hành chính, thương mại.

Cụ thể, về khối lượng thực hiện giai đoạn 2011-2015, đã thực hiện ngầm hóa lưới điện 400 km lưới trung thế, 500 km lưới hạ thế, tỉ lệ lưới điện trung thế ngầm đến năm 2015 đạt 30% và giai đoạn 2016-2020, đã thực hiện ngầm hóa lưới điện 650 km lưới trung thế, 1.150 km lưới hạ thế, tỉ lệ lưới điện trung thế ngầm đến năm 2020 đạt 35%.

Đánh giá về lợi ích của quá trình thực hiện ngầm hóa lưới điện, ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực TPHCM cho biết, về mặt tổng quan, các dự án ngầm hóa lưới điện kết hợp ngầm hóa dây thông tin được thực hiện hoàn tất đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc nâng cao mỹ quan đô thị Thành phố.

Cải tạo ngầm hóa lưới điện kết hợp hoàn thiện kết cấu lưới điện, tạo mạch vòng linh hoạt trong vận hành, góp phần giảm tổn thất điện năng, giảm suất sự cố, bảo đảm an toàn trong vận hành, góp phần nâng cao độ tin cậy lưới điện, đồng thời nâng cao năng lực truyền tải, tăng cường chất lượng dịch vụ cung ứng điện cho khách hàng.

… đến mở rộng quy mô toàn thành phố

Có thể nói, mặc dù quá trình triển khai ngầm hóa gặp nhiều khó khăn, song với nỗ lực của ngành điện Thành phố cùng các bên liên quan, tỉ lệ ngầm hóa lưới điện trung thế toàn Thành phố tăng từ 25% vào năm 2011 lên 32% vào cuối năm 2015 và đạt 45% vào cuối năm 2020 (kế hoạch đề ra là 35%). Cơ bản hoàn tất ngầm hóa lưới điện và cáp viễn thông khu vực trung tâm Thành phố (tỉ lệ ngầm hóa lưới trung thế Quận 1 và Quận 3 đạt 98%), khu vực nội thành các quận: 4, 5, 6, 10, 11, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú, và Gò Vấp đạt tỉ lệ 60% (chỉ tiêu đề ra là ngầm hóa khu vực các quận nội thành đạt trên 50%).

Các dự án ngầm hóa lưới điện kết hợp ngầm hóa cáp viễn thông được thực hiện hoàn tất đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc nâng cao mỹ quan đô thị Thành phố, hệ thống dây thông tin được ngầm hóa đồng bộ với lưới điện tạo thành hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật lưới điện và dây thông tin theo tiêu chuẩn đô thị hiện đại.

Sau 10 năm tiến hành ngầm hóa lưới điện, Điện lực Thành phố đã phối hợp với các chủ đầu tư mương cáp viễn thông (Viettel, VNPT, FPT, SCTV, Tradincorp) thực hiện hoàn thành 240 dự án ngầm hóa tại 195 tuyến đường. Trong đó, giai đoạn 2011-2015, hoàn thành 97 dự án ngầm hóa tại 74 đoạn tuyến đường với khối lượng 350 km lưới điện trung thế, 576 km lưới điện hạ thế; giai đoạn 2016-2020, hoàn thành 143 dự án ngầm hóa tại 121 đoạn tuyến đường với tổng khối lượng 675 km lưới điện trung thế, 1.160 km lưới điện hạ thế.

Chính từ những lợi ích của việc ngầm hóa lưới điện đã ảnh hưởng tích cực tới sự phát triển kinh tế-xã hội và cuộc sống của người dân nên Tổng công ty Điện lực TPHCM cho biết sẽ mở rộng quy mô toàn Thành phố với khối lượng thực hiện ngầm hóa lưới điện giai đoạn 2021-2025 đạt 500 km lưới điện trung thế, 800 km lưới điện hạ thế. Khối lượng thực hiện ngầm hóa lưới điện bình quân hằng năm là 100 km lưới điện trung thế, 160 km lưới điện hạ thế trong giai đoạn năm 2021-2025.

Đặc biệt, ngầm hóa lưới điện trung thế trên địa bàn Thành phố để đến năm 2025, toàn Thành phố đạt tỉ lệ ngầm hóa từ 50% đến 60%. Trong đó, các quận nội thành đạt tỉ lệ ngầm hóa 80% đến 90%, riêng các quận: 1, 3, 5 đạt tỉ lệ ngầm hóa xấp xỉ 100%. Đồng thời, tiếp tục ngầm hóa lưới điện hạ áp trên địa bàn Thành phố để đến năm 2025, toàn Thành phố đạt tỉ lệ ngầm hóa từ 35% đến 40%, trong đó khu vực trung tâm Thành phố đạt tỉ lệ ngầm hóa 80%.

Để thực hiện mục tiêu đề ra, ngành điện Thành phố sẽ xã hội hóa nhằm phát huy hiệu quả với sự tham gia ngày càng nhiều các nhà đầu tư hạ tầng để lắp đặt cáp ngầm viễn thông. Đồng thời, triển khai huy động vốn thực hiện các công trình ngầm hóa lưới điện với các ngân hàng thương mại để thực hiện các dự án ngầm hóa và đăng ký các công trình ngầm hóa lưới điện vào danh mục các dự án thuộc Chương trình kích cầu hỗ trợ lãi suất của Thành phố. Đến nay, đã có 187 dự án ngầm hóa với tổng mức đầu tư 8.072 tỷ đồng được đưa vào Chương trình kích cầu hỗ trợ lãi suất của Thành phố, trong đó, vốn vay được hỗ trợ lãi suất là 4.568 tỷ đồng. Tổng số tiền lãi vay được hỗ trợ trong giai đoạn 2016-2020 là 350 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, sẽ tăng cường thông tin, truyền thông bằng việc thực hiện nhiều phóng sự, các chương trình tuyên truyền về hiệu quả, lợi ích mang lại của các dự án ngầm hóa, tạo mỹ quan các tuyến đường sau khi thực hiện để tạo sự đồng thuận của dư luận, sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và tranh thủ sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp trong các khu vực thi công.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị “Tổng kết 10 năm thực hiện chương trình ngầm hóa lưới điện trên đại bàn thành phố” ngày 15/1 tại TPHCM, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM chỉ rõ, toàn Thành phố, trong đó tiên phong là ngành điện, phải xem ngầm hóa lưới điện là tham gia vào cuộc cách mạng hiện đại hóa đô thị. Vì vậy, ngành điện cần nỗ lực cùng với hình thức xã hội hóa, tìm sự đồng lòng của người dân dưới chủ trương của Thành phố.

Đây là một công việc đã đem đến lợi ích cho tất cả mọi đối tượng từ thành phố đến doanh nghiệp, người dân bởi vì ngầm hóa lưới điện giúp nâng cao mỹ quan đô thị, hệ thống dây thông tin được ngầm hóa đồng bộ với lưới điện tạo thành hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật lưới điện và dây thông tin theo tiêu chuẩn đô thị hiện đại, tạo điều kiện môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, quá trình ngầm hóa lưới điện của đô thị đã phát triển từ lâu theo kiến trúc cũ sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với đô thị mới. Chính vì vậy, đề đạt mục tiêu đề ra đến năm2025, toàn Thành phố đạt tỉ lệ ngầm hóa từ 35% đến 40%, trong đó khu vực trung tâm Thành phố đạt tỉ lệ ngầm hóa 80% thì ngành điện cần tiếp tục hoàn thiện, củng cố ban chỉ đạo ngầm hóa để tạo ra những nhân lực mới có chất lượng.

Bên cạnh đó, cần nhanh chóng xây dựng kế hoạch hóa ngầm hóa tổng thể trong giai đoạn 2021-2025 để tất cả các đơn vị liên quan cùng tham gia để thực hiện đồng bộ. Gắn ngầm hóa với kế hoạch đầu tư của Thành phố, trong đó chú trọng việc chỉnh trang đô thị thành phố Thủ Đức. Đồng thời, các quận, huyện phải xây dựng kế hoạch tuyến đường, ngõ, hẻm sẽ ngầm hóa dựa trên thiết kế, kế hoạch tổng thể của Thành phố.

Song song với những giải pháp trên, ngành điện cần triển khai các liên kết với các ngân hàng, quỹ tài chính để nâng mức hỗ trợ lãi suất cho vốn vay ngầm hóa; cải tiến những thiết kế của các thiết bị điện để tạo mỹ quan đẹp hơn nữa; kếp hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí để tăng cường truyền thông nhiều hơn, sâu rộng hơn để người dân, xã hội nhận thấy vai trò của ngầm hóa trong việc xây dựng Thành phố văn minh hơn, hiện đại hơn.