Ngân hàng Nhà nước mới có cập nhật liên quan tình hình giảm lãi suất, giảm phí dịch vụ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của 16 ngân hàng thương mại theo cam kết trước đó với cơ quan quản lý tiền tệ và Hiệp hội Ngân hàng.
Theo đó, lũy kế từ 15/7 đến 30/9, cơ quan quản lý tiền tệ cho biết 16 ngân hàng giảm khoảng 12.236 tỷ đồng tiền lãi cho vay với hơn 4,88 triệu khách hàng. So với cam kết giảm 20.300 tỷ trong 5 tháng cuối năm, các nhà băng đã ghi nhận gần 60% số cam kết giảm.
Còn nếu so với số liệu hồi cuối tháng 8, số tiền lãi đã giảm của 16 ngân hàng trong riêng tháng 9 là 3.370 tỷ đồng, tương đương mức tăng 38% sau một tháng.
Trong 16 ngân hàng cam kết giảm lãi suất theo chỉ đạo của NHNN, đến nay, Agribank là nhà băng có số tiền lãi giảm lớn nhất với 4.885 tỷ đồng. Số tiền lãi giảm này được Ngân hàng Nông nghiệp áp dụng với hơn 3,18 triệu khách hàng, với số dư nợ 1,27 triệu tỷ đồng.
Hiện Agribank cũng là ngân hàng có số khách hàng và dư nợ cho vay được giảm lãi suất nhiều nhất trong đợt giảm lãi suất từ giữa tháng 7 đến nay.
SỐ TIỀN LÃI ĐÃ GIẢM TẠI MỘT SỐ NGÂN HÀNG TỪ 15/7 | |||||||||||
Nguồn: NHNN | |||||||||||
Nhãn | Agribank | Vietcombank | BIDV | VietinBank | MBBank | SHB | Techcombank | VPBank | ACB | TPbank | |
Tiền lãi đã giảm | tỷ đồng | 4885 | 1975 | 1901 | 1417 | 602 | 244 | 243 | 224 | 203 | 123 |
Ngân hàng có số tiền lãi cho vay giảm nhiều thứ 2 giai đoạn này là Vietcombank với 1.975 tỷ đồng. Số tiền này được Vietcombank ghi nhận thông qua việc giảm lãi suất cho vay của gần 239.400 khách hàng, với số dư nợ áp dụng là 1,07 triệu tỷ đồng.
So với cuối tháng 8, số tiền lãi giảm tại ngân hàng này đã tăng trên 1.000 tỷ và số dư nợ được giảm lãi suất tăng hơn 300.000 tỷ đồng.
Cũng đến cuối tháng 9, BIDV và VietinBank ghi nhận số tiền lãi đã giảm cho khách hàng theo cam kết lần lượt là 1.901 tỷ đồng và 1.417 tỷ đồng, tăng tương ứng 84% và 65% so với cuối tháng 8.
Trong đó, số dư nợ đã được BIDV giảm lãi suất cho vay trong giai đoạn tháng 7-9 là 1,08 triệu tỷ đồng, và số dư nợ được giảm lãi tại VietinBank là 1,22 triệu tỷ đồng.
Như vậy, 4 ngân hàng quốc doanh kể trên đã giảm hơn 10.000 tỷ đồng tiền lãi cho vay trong quý III vừa qua, chiếm tới 83% tổng số tiền lãi đã giảm của nhóm 16 ngân hàng theo cam kết với NHNN.
Ngoài ra, số khách hàng thuộc 4 ngân hàng này được giảm lãi suất cũng là hơn 4,3 triệu khách, tương ứng số dư nợ được giảm lãi đạt trên 4,64 triệu tỷ đồng.
Gần 5,5 triệu tỷ đồng dư nợ cho vay đã được các ngân hàng giảm lãi suất từ giữa tháng 7 đến nay. Ảnh: Nam Khánh. |
Với nhóm ngân hàng ngoài quốc doanh, MBBank là đơn vị có số tiền lãi cho vay giảm nhiều nhất với 602 tỷ đồng. Số tiền này ghi nhận thông qua việc giảm lãi suất cho vay với hơn 104.000 khách, tương ứng số dư nợ trên 109.100 tỷ đồng.
Tương tự, cũng trong quý III, SHB đã giảm lãi suất cho vay với gần 32.100 khách hàng, tương ứng số dư nợ cho vay gần 130.000 tỷ đồng, qua đó giảm tiền lãi cho khách hàng là 244 tỷ đồng.
Techcombank với việc áp dụng giảm lãi suất cho vay với 1.417 khách hàng, tương ứng 62.455 tỷ đồng dư nợ cho vay cũng đã giảm 243 tỷ đồng tiền lãi.
Ngoài ra, VPBank, ACB, TPBank, Sacombank… đều ghi nhận giảm hàng trăm tỷ tiền lãi cho vay trong giai đoạn 15/7 đến hết tháng 9 thông qua việc giảm lãi suất với hàng trăm nghìn tỷ dư nợ vay của khách hàng.
Tính đến cuối tháng 9, tổng số dư nợ cho vay đã được 16 ngân hàng giảm lãi suất theo cam kết với NHNN, Hiệp hội Ngân hàng là gần 5,5 triệu tỷ đồng, cao hơn 37% so với số liệu cuối tháng 8.
Trước đó, Phó thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết để việc giảm lãi suất cho vay đi vào thực tế, NHNN sẽ tăng cường giám sát việc giảm lãi suất của các ngân hàng thương mại đã cam kết.
Ước tính, tổng số tiền lãi giảm đợt này của các ngân hàng sẽ vào khoảng 20.300 tỷ đồng.