Ngân hàng Mỹ rung chuyển: Giật mình điểm yếu ngân hàng Việt

Admin
Các ngân hàng trong hệ thống tài chính Mỹ rung chuyển. Sự cố diễn ra rất nhanh do ngân hàng mất thanh khoản. Ở Việt Nam, một số điểm yếu trên thị trường tài chính và ngân hàng vẫn tồn tại.
ngan-hang-sillicon-valley-chinh-thuc-sup-do-1678763846.jpg
Ngân hàng Sillicon Valley chính thức sụp đổ (Ảnh minh hoạ: Reuters).

Rủi ro huy động ngắn hạn, cho vay trung - dài hạn

Silicon Valley Bank (SVB) - ngân hàng có 40 năm hoạt động tại Mỹ (chuyên cho vay đối với các công ty khởi nghiệp startup trong lĩnh vực công nghệ) bị buộc phải dừng hoạt động vào ngày thứ Sáu tuần trước 10/03 sau khi bị khách hàng ồ ạt rút tiền. Hai ngày sau vụ sụp đổ của SVB, vào ngày Chủ nhật (12/3), nhà chức trách bang New York vội vã tiếp quản ngân hàng tiền ảo khổng lồ Signature Bank (SB) để ngăn chặn rủi ro hệ thống trong bối cảnh niềm tin giảm sút. Trước đó ngày 8/3, một ngân hàng tiền ảo lớn khác là Silvergate Capital cũng tuyên bố đóng cửa.

Những diễn biến này thổi bùng nỗi sợ hãi rằng lãi suất tăng nhanh cuối cùng đã bắt đầu gây ra những hệ quả to lớn đối với hệ thống tài chính Mỹ và thậm chí xa hơn nữa.

SVB gặp rắc rối một phần bởi đầu tư mạnh vào trái phiếu chính phủ Mỹ và các trái phiếu bất động sản được đảm bảo. Các tài sản này đã mất giá mạnh khi Fed nâng lãi suất.

Những trái phiếu mà SVB nắm giữ giảm giá đáng kể do Fed tăng lãi suất mạnh, từ gần 0% lên biên độ 4,5-4,75% trong vòng chưa đầy một năm. Lãi suất tăng vọt khiến các loại trái phiếu mà ngân hàng mua bằng tiền gửi giá rẻ từ khách hàng giảm giá trị. SVB gặp rắc rối một phần bởi đầu tư mạnh vào trái phiếu chính phủ Mỹ và các trái phiếu bất động sản được đảm bảo. Các tài sản này đã mất giá mạnh khi Fed nâng lãi suất.

Trong khi đó, lãi suất tăng cũng khiến các khách hàng của SVB là những công ty công nghệ, gồm nhà sáng lập công ty startup huy động vốn khó khăn, họ buộc rút tiền gửi từ những ngân hàng đối tác như SVB. Chỉ riêng ngày 9/3, họ đã tìm cách rút 42 tỷ USD, khiến dòng tiền của SVB âm 958 triệu USD.

Với Signature Bank (SB), cổ phiếu nhà băng này hôm 10/3 giảm 23% - tệ nhất kể từ khi niêm yết năm 2004, sau thông tin về Silicon Valley Bank. Mã này đã giảm 5 phiên liên tiếp và bị ngừng giao dịch. SB là ngân hàng thương mại với 9 dòng kinh doanh như buôn bán bất động sản và ngân hàng tài sản kỹ thuật số…Tính đến tháng 9/2022, khoảng 25% tiền gửi của họ đến từ lĩnh vực tiền số.

Điểm chung của cả hai trường hợp này sẽ là thứ mà các ngân hàng khác cần phải dè chừng. Nhìn chung, SVB và SB đều gặp phải thách thức giống nhau là tình trạng rút tiền ồ ạt. Những khách hàng trước đây của họ, cho dù là sàn giao dịch tiền số hay công ty khởi nghiệp công nghệ, đều đang đối mặt với thách thức kinh doanh lớn. Điều đó dẫn đến việc giảm tiền gửi và tăng cường rút tiền mặt vào đúng thời điểm mà nhiều tài sản phi tiền mặt của các ngân hàng bị thị trường vùi dập. Khi nhu cầu tiền mặt tăng cao, Silvergate và SVB phải chấp nhận bán những tài sản đó với khoản lỗ lớn.

Với Silvergate Capital, là một trong hai ngân hàng cho vay chính đối với các công ty tiền ảo, cùng với Signature Bank có trụ sở ở New York. Động thái mới nhất của Silvergate đã đưa công ty này vào danh sách các vụ phá sản thu hút sự chú ý trong lĩnh vực tiền kỹ thuật số kể từ năm ngoái.

Dù có thêm ngân hàng thứ ba đổ vỡ trong vòng 1 tuần, Chính phủ Mỹ đã công bố một loạt biện pháp nhằm bảo vệ tiền gửi tại các ngân hàng vừa lâm vào cảnh sụp đổ và tăng cường thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Họ cho biết đây chỉ là các biện pháp bảo vệ người gửi tiền, bình ổn hệ thống tài chính và không có kế hoạch giải cứu ngân hàng nào.

Siết chặt quy định quản lý

Đánh giá về nguyên nhân sụp đổ của SVB, Giám đốc phân tích Khối khách hàng Cá nhân Công ty Chứng khoán Yuanta Nguyễn Thế Minh nói: "Một lần nữa sai lầm đã lặp lại như giai đoạn khủng hoảng của năm 2008".

Cú sụp đổ của SVB và làn sóng bán tháo cổ phiếu của các ngân hàng Mỹ đã phơi bày những rủi ro lâu dài của một chiến lược mà nhiều tổ chức tài chính sử dụng để tăng lợi nhuận khi lãi suất thấp. Đó là, lấy tiền gửi của khách hàng (nguồn tiền gửi ngắn hạn) để đầu tư vào những tài sản dài hạn (trái phiếu). Xu hướng đầu tư trái phiếu của các ngân hàng ở Mỹ rất nhiều. Sau vụ SVB đã có ít nhất gần 10 nhà băng tại Mỹ đang chứng kiến tình trạng rút tiền của nhà đầu tư. Đây là điều không tách bạch giữa ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư mà gây ra tình trạng này. Ông Nguyễn Thế Minh phân tích.

Sẽ thực hiện một số giải pháp để kiểm soát rủi ro đầu tư trái phiếu của ngân hàng (Ảnh minh hoạ).

Theo TS Cấn Văn Lực, việc đóng cửa SVB có thể sẽ khó gây ra hậu quả lan truyền trên thị trường tài chính khi đã được can thiệp sớm. Nhưng một số ngân hàng có quy mô nhỏ, có mô hình hoạt động tương tự đã và đang chịu ảnh hưởng với giá cổ phiếu giảm, khách hàng rút tiền, chất lượng tín dụng có vấn đề hơn... đang là vấn đề mà các cơ quan chức năng của Mỹ quan tâm xử lý.

TS Nguyễn Hữu Huân – Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh nhận định, SVB có thể không liên quan trực tiếp đến ngân hàng Việt Nam nhưng những bài học về quản trị rủi ro trong ngân hàng là điều đáng lưu ý.

“Ở Việt Nam, các ngân hàng hiện nay cũng đang gặp tình trạng tương tự khi vẫn huy động vốn ngắn hạn để mua trái phiếu. Và những ngân hàng đứng đầu bảng về huy động lãi suất hiện nay đều là những ngân hàng đang kinh doanh trái phiếu nhiều”- TS. Nguyễn Hữu Huân nhận định.

Hết năm 2022, nhiều ngân hàng đã giảm nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, tại một số nhà băng, danh mục đầu tư trái phiếu doanh nghiệp vẫn tăng.

Đánh giá của FiinRatings tại Báo cáo "Nhìn lại 2022 & Triển vọng thị trường vốn 2023", danh mục trái phiếu doanh nghiệp của một số ngân hàng đang tiềm ẩn rủi ro tín dụng khi thị trường đã xuất hiện một số trường hợp chậm trả lãi và gốc trái phiếu. Đây cũng là một trong những lý do, NHNN nhiều lần yêu cầu các ngân hàng thương mại kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh chứng khoán, lĩnh vực bất động sản,…

TS Cấn Văn Lực cho rằng, các tổ chức tài chính, ngân hàng cần quan tâm cả hai vế trong hoạt động: Thứ nhất, tăng trưởng trong kiểm soát được rủi ro, trong đó cần đa dạng hóa và quản lý các loại rủi ro chính, và cần phát triển bền vững. Hai là, thị trường tài chính vốn rất nhạy cảm, hiệu ứng tâm lý đám đông mạnh, vì vậy minh bạch, kỷ luật thị trường cùng với nâng cao hiểu biết của người dân, doanh nghiệp về dịch vụ tài chính, và hiệu quả truyền thông là rất quan trọng.

Bên cạnh đó, mỗi quốc gia cần có một màng lưới an toàn tài chính, trong đó cần quan tâm đến rủi ro hệ thống, rủi ro liên thông giữa ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và nền kinh tế thực, cần có sẵn cơ chế xử lý khủng hoảng để có thể phản ứng nhanh, bài bản, hiệu quả, trong đó các cơ quan thanh tra - giám sát cần độc lập hơn, vai trò bảo hiểm tiền gửi cũng cần rõ nét hơn.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho hay, cơ quan Thanh tra ngành ngân hàng vừa qua đã tập trung nguồn lực thanh tra các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, dễ phát sinh sai phạm. Với hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, NHNN đã thanh tra đột xuất và có kết luận thanh tra tại 11 tổ chức tín dụng. Trên cơ sở kết quả thanh tra, cơ quan quản lý tiền tệ đã ban hành một số quyết định xử phạt vi phạm hành chính với các ngân hàng có hành vi vi phạm.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục thực thực hiện một số giải pháp để kiểm soát, hạn chế rủi ro với đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng. Trong đó, sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật theo hướng nâng cao yêu cầu, chuẩn mực quản trị của tổ chức tín dụng khi đầu tư, nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp.

“NHNN cũng đưa ra quy định tổ chức tín dụng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp phải có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ và chỉ được mua khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành có mục đích cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp, tăng quy mô vốn, góp vốn… Ngược lại, tổ chức tín dụng không được bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty con của mình…”- Thống đốc cho biết.

"Có rất nhiều sự biến động trên thị trường tài chính trong giai đoạn 2021-2022. Các cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam cũng đã có những hành động kịp thời và khôi phục niềm tin của thị trường. Tuy nhiên, có một số biến động cho thấy rằng, một số điểm yếu trên thị trường tài chính và ngân hàng vẫn tồn tại. Và Việt Nam cần giải quyết các điểm yếu này nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô trong tương lai" - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Carolyn Turk.