Ngành trồng trọt: Nhận diện khó khăn, chủ động sản xuất những tháng cuối năm

Kỳ Văn
Tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm của ngành trồng trọt diễn ra chiều nay (11/7) tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nêu rõ, chủ động sản xuất, giảm thiểu các tác động tiêu cực ngành cần nhận diễn rõ những khó khăn về diễn biến thời tiết bất thường, giá vật tư đầu vào tăng cao; chuỗi cung ứng bị đứt gãy ảnh hưởng do dịch COVID - 19 và xung đột giữa Nga và Ukraine.
nganh-trong-trot-1657591049.jpg
Lĩnh vực trồng trọt là lĩnh vực sản xuất chủ lực của ngành nông nghiệp - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Bộ NN&PTNT thống kê, trong 6 tháng đầu năm giá trị sản xuất trồng trọt tăng trưởng 0,75%, lĩnh vực này tiếp tục khẳng định là lĩnh vực sản xuất chủ lực của ngành nông nghiệp.

Cho rằng sản xuất những tháng cuối năm được dự báo còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID - 19; xung đột giữa Nga và Ukraine khiến chi phí vật tư đầu vào tăng cao, các đại biểu đề nghị, cần có các giải pháp đẩy mạnh sản xuất trong nước các nguyên liệu đầu vào cho trồng trọt. Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, trong điều kiện thị trường có nhiều biến động, cần tiếp tục sản xuất theo hướng chất lượng, an toàn và tiết kiệm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất, tăng cường liên kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ.

Ông Tùng nhấn mạnh: "Khu vực phía Nam tập trung rất nhiều các loại sản phẩm hàng hóa. Ngoài mặt hàng lúa gạo thì cây ăn trái ở những thời điểm khác nhau đều có những biến động. Sản xuất nông sản xuất khẩu đòi hỏi phải linh hoạt thay đổi cơ cấu giống theo yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường ở những thời điểm khác nhau. Ngoài ra, cần có thông tin dự báo, tổ chức sản xuất hợp tác tốt để tạo điều kiện thuận lợi về đầu ra tiêu thụ".

Một số ý kiến đề nghị cần xác định thêm những khó khăn đối với vụ Hè Thu, vụ Mùa, vụ Thu Đông với nhiều nguy cơ do ảnh hưởng của thời tiết cực đoan như mưa lũ gây úng ngập, diễn biến thời tiết bất thường ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng. Theo đó, cần bố trí cơ cấu giống hợp lý, sử dụng giống ngắn ngày là chủ lực. Tăng cường công tác dự báo sâu bệnh hại trên cây trồng, thông tin dự báo cần được cập nhật thường xuyên và có hướng dẫn kịp thời tới người sản xuất. Tiếp tục tái cơ cấu nâng cao chất lượng, giảm chi phí sản xuất thông qua ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển đổi số; thông qua các mô hình khuyến nông để hướng dẫn người dân sử dụng tiết kiệm vật tư đầu vào trong sản xuất.

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt nêu ý kiến: "Vụ Đông Xuân vừa qua một số địa phương đẩy mạnh áp dụng mô hình sử dụng tiết kiệm qua đó giảm được lượng phân bón, tiết kiệm nước và phòng trừ tốt sâu bệnh. Chúng tôi đề nghị đẩy mạnh áp dụng các mô hình '3 giảm, 3 tăng' '1,5 giảm' ở khu vực phía Nam; quản lý dịch hại tổng hợp IPM cho khu vực phía Bắc, điều này rất quan trọng trong thời điểm từ giờ đến cuối năm dự báo giá vật tư tiếp tục tăng cao".

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, ngành trồng trọt phải nhận diện rõ nhưng khó khăn và nguy cơ từ nay đến cuối năm để có kế hoạch cụ thể chủ động trong sản xuất cho từng vùng, từng vụ, từng thời điểm. Các địa phương trong chỉ đạo, điều hành phải đảm bảo đúng kế hoạch đề ra, nhất là trong thời điểm hiện nay sản xuất lương thực được ngành ưu tiên hàng đầu hiện nay.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: "Thời tiết diễn biến khó lường, khó dự báo đặt ra những thách thức đối với các vùng sản xuất trên cả nước, vì vậy phải phải nhận diện được khó khăn để chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể cho sản xuất từng vùng. Tổ chức hội nghị rồi nhưng phải thành lập các đoàn công tác đến từng địa phương để đôn đốc chỉ đạo sản xuất đảm bảo đúng kế hoạch. Trong giai đoạn tới phải ưu tiên các gói kỹ thuật để tiết giảm chi phí. Quan trọng nhất hiện nay là tập trung nâng cao chất lượng nhưng phải giảm giá thành để tăng tính cạnh tranh".