Thu nhập của giới nhân viên ngân hàng vẫn được coi là cao hơn mặt bằng chung, không chỉ bởi lương hàng tháng mà còn ở tiền thưởng Tết. Tuy nhiên, trong ngành này cũng có “chỗ nọ chỗ kia", thưởng Tết cũng không ngoại lệ.
Trong số đó, Vietcombank vẫn là nơi làm việc trong mơ đối với giới banker thông qua việc chi thưởng Tết. Nằm trong chuỗi những ngày thưởng Tết năm nay, ngay trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới Tân Sửu, 17/2/2021, nhân viên Vietcombank đồng loạt nhận được “ting ting” 1 tháng lương.
Ngoài Vietcombank, Vietinbank cũng “chơi trội” bằng việc lì xì cho nhân viên mỗi người 1 chỉ vàng kèm 1 phong bao lì xì. Đáng chú ý, 1 chỉ vàng này được Vietinbank đặt chế tác thành hình logo của chính ngân hàng.
Trong khi đó, Sacombank cũng không làm nhân viên phải thất vọng bằng việc chuyển tiền lì xì vào tài khoản cho nhân viên với giá trị tương đương 1 tháng lương cơ bản trong ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết.
“Sống bằng lương, giàu bằng thưởng” từ lâu đã trở thành “slogan” của giới nhân viên ngân hàng. Nhưng với Vietcombank, không ít các bankers tương lai đã mơ về một ngày được mặc chiếc áo đồng phục của ngân hàng này khi ngay trong đêm Giao thừa tết Nguyên đán vừa qua, ngân hàng này đã “ting ting” 12 triệu “chi động viên cán bộ trong đêm giao thừa Tết Nguyên đán 2021”.
Thực tế việc “dội bom ting ting” này đều nằm trong kế hoạch chi thưởng Tết của các ngân hàng. Chẳng hạn như Vietcombank, mức chi thưởng Tết cho nhân viên trong Tết này là từ 5-7 tháng lương.
Tết này các ngân hàng lì xì nhân viên đậm nhất
Theo báo cáo tài chính của ngân hàng Vietcombank, thu nhập bình quân mỗi tháng của nhân viên Vietcombank trong quý 1/2020 là 34,13 triệu đồng, nhưng sang quý 2 đã giảm 1,21 triệu đồng xuống còn 32,92 triệu đồng/người/tháng. Mặc dù vậy, mức thu nhập của nhân viên nhà băng này vẫn là niềm mơ ước đối với nhân viên nhiều ngân hàng khác. Trong khi đó, nhân viên ngân hàng Vietinbank có mức thu nhập bình quân mỗi tháng trong quý 2/2020 là 24,31 triệu đồng/người/tháng.
Không phủ nhận thu nhập từ lương và thưởng tại một số ngân hàng là niềm mơ ước của cả xã hội. Tuy nhiên, phía sau câu chuyện lương thưởng là cả một sự hy sinh công việc gia đình của nhân viên, nhất là đối với nhân viên nữ.
Tâm sự của một nữ nhân viên ngân hàng lớn cho biết, trong khi người lao động nói chung được nghỉ Tết từ ngày 28 Âm lịch thì chị và đồng nghiệp chỉ được rời khỏi cơ quan vào tối 28 Tết. Thậm chí, những ngày cuối cùng của năm dương lịch, chị còn phải nhờ người đón con nhỏ, sau đó vừa làm việc vừa… trông con tại văn phòng.
“Có những hôm nhìn con ngủ ngay tại gầm bàn làm việc của mẹ mà ứa nước mắt, nhưng không thể làm khác được vì công việc không cho phép chúng tôi rời văn phòng trước 8h tối”, nữ nhân viên này cho hay.
Không chỉ bị áp lực về thời gian, hầu hết nhân viên tại các ngân hàng còn bị áp lực bởi một loạt các chỉ tiêu gồm: huy động, cho vay, bảo hiểm, trái phiếu,…
Anh Nguyễn Hữu Trí, nhân viên mới của một ngân hàng TMCP chia sẻ: “Mới vào ngân hàng tôi được giao chỉ tiêu mỗi tháng huy động 2,5 tỷ đồng, cho vay tín chấp 150 triệu đồng, bán bảo hiểm 30 triệu đồng, và phải mời được ít nhất 5 người mở thẻ tín dụng.
Hai vợ chồng tôi đều làm ngân hàng, anh làm quan hệ khách hàng doanh nghiệp còn tôi làm quan hệ khách hàng cá nhân. Năm vừa rồi cả hai đứa đều lao đao vì không làm đủ chỉ tiêu được giao. Tôi đỡ hơn một chút vì khách cá nhân dù sao khoản vay cũng không quá lớn, chỉ vất mỗi làm làm tờ trình xin cơ cấu nợ hơi lắt nhắt, nhưng tới cuối năm tôi cũng vớt vát lại được gọi là.
Còn chồng tôi vướng phải mấy doanh nghiệp xuất nhập khẩu, dịch gần như là đóng băng hoạt động, bảo lãnh không làm được, hạn mức cấp cũng chẳng giải ngân hết, mà còn trình mãi mới được cơ cấu nợ. Tới lúc đỡ hơn chút, khách hàng dần hồi phục lại, bắt đầu giải ngân mới tiếp thì hết room, lại hì hục trình xin thêm dăm ba lượt nữa. Cứ quay qua quay lại như vậy cũng hết năm”, một nữ nhân viên ngân hàng chia sẻ.