Ngóng cơ chế hỗ trợ tín dụng hậu dịch

Admin
Thông tư 01/2020/TT-NHNN đã hết hiệu lực từ 31/12/2020, và dự thảo sửa đổi Thông tư này đã được đưa ra lấy ý kiến từ nhiều tháng trước đó, nhưng vẫn chưa thể ban hành.

Trong khi đó không chỉ các ngân hàng, mà cả các doanh nghiệp cũng mong NHNN sớm quyết định ban hành Thông tư này.

Ngóng cơ chế hỗ trợ tín dụng hậu dịch - Ảnh 1.

Du lịch là một trong những ngành tiếp tục ngóng cơ chế hỗ trợ để phục hồi sau dịch

Ngân hàng tính toán gì?

Nhiều nhà băng cho hay cũng đã rất "sốt ruột" ngóng văn bản sửa đổi Thông tư 01/2020 /TT-NHNN được ban hành. Bởi nếu đến 30/1/2021 NHNN chưa ban hành Thông tư nói trên, thì trong cả tháng 1/2021, các TCTD sẽ phải hạch toán phân loại các nhóm nợ theo quy định thông thường.

Về đề xuất sửa đổi Thông tư này, có ngân hàng kiến nghị sửa đổi theo hướng kéo dài thời gian trích lập dự phòng xử lý các khoản nợ được cơ cấu hết năm 2021, nếu dịch COVID-19 được đẩy lùi, thì kết thúc tại hết năm nay. Nếu không, lại mở thêm thời gian. Tuy nhiên có nhà băng kiến nghị nên chấm dứt sớm Thông tư này, bởi điều này sẽ giúp các ngân hàng vận dụng nguồn lực tự có, xử lý các khoản nợ phù hợp, tiếp tục lành mạnh hóa tổ chức…

Doanh nghiệp mong… nhiều hơn

Trên thực tế, số lượng doanh nghiệp được cấu thời hạn trả nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN không nhiều. Đơn cử đến tận cuối tháng 12/2020, ông Trần Thế Dũng, Tổng giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour vẫn còn cho biết, việc tiếp cận các gói hỗ trợ từ ngân sách không hề dễ dàng vì doanh nghiệp đang lúng túng về tiêu chí, điều kiện, thủ tục, làm sao để vay ngân hàng. "Các ngân hàng có thể dựa trên tiền thuế đóng góp, nộp ngân sách nhà nước của doanh nghiệp trong những năm trước đây để xem xét cho vay", ông Dũng kiến nghị.

Ngóng cơ chế hỗ trợ tín dụng hậu dịch - Ảnh 2.

Doanh nghiệp đề xuất dựa trên căn cứ thuế nộp Nhà nước năm trước để cho vay, tuy nhiên Ngân hàng sẽ quan tâm liệu năm tới doanh nghiệp có khả năng làm ăn, tạo nguồn thu và đóng được thuế gần như cũ...

Trao đổi với DĐDN, một số doanh nghiệp cũng chia sẻ việc khoanh nợ, kéo dài thời gian trả nợ có lợi cho họ. Song khi kinh tế phục hồi, doanh nghiệp cần được tiếp vốn mới thì việc còn vướng nợ cũ lại là rào cản. "Mỗi doanh nghiệp thường có quan hệ vài ngân hàng khác nhau, song chỉ cần 1 khoản nợ được khoanh chưa trả, các ngân hàng khác cũng không cho vay. Vì vậy, song song với giãn thời gian xử lý nợ, ngân hàng vẫn cân nhắc cơ chế cho doanh nghiệp tiếp cận vốn mới, như vậy mới hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi", đại diện một doanh nghiệp kiến nghị.