Người dân TP.HCM cần làm gì nếu xét nghiệm là F0?

Kỳ Văn
TP.HCM đang triển khai chiến dịch xét nghiệm "thần tốc" tách F0 khỏi cộng động, vậy nếu là F0, người dân cần làm gì?

Chiều 25/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh tại thành phố.

Tại họp báo, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, đến nay thành phố đã thành lập 401 trạm y tế lưu động hỗ trợ điều trị F0 tại nhà.

Khi thành phố triển khai xét nghiệm diện rộng toàn thành phố, số F0 sẽ tăng lên. Người dân có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính SARS-CoV-2 (được coi như F0) cần liên hệ với các trạm y tế lưu động hoặc tổ phản ứng nhanh để được hỗ trợ.

“Các trạm y tế lưu động này có đầy đủ bác sĩ, thuốc, thực phẩn, lực lượng hỗ trợ để giúp người dân. Khi xét nghiệm là F0 người dân cần bình tĩnh. Khi xét nghiệm ra là F0 sẽ được hỗ trợ điều trị tại nhà thông qua trạm y tế lưu động. Các trường hợp có bệnh nền, béo phì, chuyển nặng sẽ được đến các nơi cách ly tập trung”, ông Nam nói.

Người dân TP.HCM cần làm gì nếu xét nghiệm là F0? - 1

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, trạm y tế lưu động không chỉ tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 mà còn tiếp nhận các bệnh khác và tiêm vaccine. Do đó khi cần người dân có thể liên hệ các trạm này tại địa phương.

Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng cho biết, sau 2 ngày, TP.HCM lấy được 500.000 mẫu xét nghiệm nhanh. Như vậy, thành phố không đạt kế hoạch hết ngày 25/8, phải lấy được 2 triệu mẫu xét nghiệm “vùng cam, đỏ” mà trước đó Sở Y tế đã thông tin tại họp báo chiều 24/8.

Tuy nhiên, theo ông Nam, năng lực xét nghiệm của thành phố đã tăng cao. Cách đây 10 ngày, số lượng lấy mẫu xét nghiệm nhanh mỗi ngày chỉ đạt 10.000 - 15.000 mẫu nhưng ngày 23 và 24/8, số lượng mẫu đã lên tới hàng trăm nghìn.

"Cố gắng lấy hết mẫu xét nghiệm để đánh giá lại bản đồ COVID-19, phân loại “vùng xanh, vàng, cam, đỏ” sau đó sẽ lặp lại xét nghiệm sau 2-3 ngày, để có giải pháp chống dịch cụ thể sắp tới”, ông Nam cho biết.

Về vaccine, tổng số mũi tiêm đã triển khai đến 24/8 là 5.568.999 mũi. Trong đó, mũi 1 là 5.346.793 liều gồm khoảng 885.000 mũi vaccine Vero Cell; mũi 2 là 222.198 liều. Số người trên 65 tuổi và có bệnh lý nền đã được tiêm vaccine là 561.934 người.

Thời gian tới, TP.HCM sẽ triển khai đội lấy mẫu xét nghiệm kết hợp tiêm vaccine để thực hiện tiêm và lấy mẫu tại nhà cho người dân.