Người thân của khách hàng bị vạ lây

Admin
Không chỉ khách hàng vay tiền bị đòi nợ khủng bố, nhiều người thân của khách hàng này cũng vạ lây, thậm chí có người còn bị mất việc bởi các cuộc gọi điện  thoại khủng bố của những người xưng là nhân viên ngân hàng OCB …

Như Báo điện tử Tầm Nhìn đã thông tin, vụ việc ông Lâm Chí Cường làm đơn tố cáo nhân viên Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đòi nợ khủng bố, theo kiểu xã hội đen vẫn chưa đến hồi kết. Mới đây một số người thân của ông Cường cung cấp thông tin cho chúng tôi cho biết họ bị vạ lây bởi hành vi đòi nợ của những người xưng là nhân viên thu hồi nợ của Ngân hàng OCB.

Trao đổi với chúng tôi chị Lâm Huyền My (em gái ông Cường) cho biết khoảng giữa tháng 7/2020 chị bất ngờ nhận được điện thoại lạ của một số người nhưng chị không kịp nghe máy. Tưởng có người liên hệ công việc nên chị đã dùng số điện thoại bàn của công ty (ở Q. Bình Tân) để gọi lại từ đó các đối tượng biết và liên tục điện thoại khủng bố. Ban đầu những người này nói chuyện giống như xã hội đen nói ông Cường thiếu nợ và yêu cầu gia đình giải quyết. Bị các đối tượng dọa nạt, chị My lo sợ, hẹn gặp giải quyết thì các đối tượng không đồng ý và còn nói là “thích” điện thoại phá.

nguoi than cua khach hang bi va lay

Người xưng là nhân viên Ngân hàng OCB "thả bom" cuộc gọi vào số máy của người thân ông Lâm Chí Cường.

“Các đối tượng gọi nhiều và gọi bất cứ giờ nào, thậm chí 1, 2 giờ sáng đến nỗi khiến gia đình tôi bị lục đục. Thấy số lạ gọi nhiều mẹ chồng và chồng tôi liên tục vặn hỏi, buộc tôi phải khóa máy luôn số điện thoại cá nhân”, chị My nhớ lại kể.

Chưa buông tha, các đối tượng liên tục điện thoại vào chỗ làm của chị My mỗi ngày gọi đến cả trăm cuộc. Ban đầu chị nghe máy nhưng sau này phải nhờ người khác nghe giùm nhưng những nhân viên đòi nợ vẫn không buông tha. Quá lo sợ chị My phải ra công an phường trình báo. Trong khi đó sợ ảnh hưởng đến hoạt động công ty, lãnh đạo công ty buộc phải cho chị tạm ngưng công việc.

“Ban đầu cách nói chuyện của những người điện thoại như dân xã hội đen sau đó họ mới nói là nhân viên ngân hàng. Họ điện thoại nhiều đến lỗi tôi không làm được việc gì cả, còn người trong công ty cũng bị làm phiền. Lãnh đạo công ty đành cho tôi nghỉ việc để không ảnh hưởng đến công ty. Từ đầu tháng 9 này tôi mới xin được vào làm lại nhưng khi vào làm tôi phải thử việc lại, thu nhập chế độ bị giảm, chắc chắn cuối năm không có thưởng và tôi rất ái ngại với những người xung quanh.”, chị My bức xúc.

Còn chị T người cùng ông Lâm Chí Cường trực tiếp đến Hội sở Ngân hàng OCB ngày 20/7/2020 để liên hệ làm việc xoay quanh khoản vay của ông Cường cho biết sau khi trở về từ ngân hàng chị cũng liên tục bị điện thoại đòi nợ. Chỉ trong vòng chưa tới một ngày một số người xưng là nhân viên thu hồi nợ của Ngân hàng OCB đã gọi điện thoại cho chị gần 200 cuộc. Thậm chí đến thời điểm đi ngủ hay sáng sớm các cuộc điện thoại vẫn gọi vào số của chị đến nỗi mấy ngày sau cứ mỗi lần có chuông điện thoại reo là chị lại bị ám ảnh.

“Tôi không thể hiểu nổi cách hành xử của những người xưng là nhân viên thu hồi nợ của Ngân hàng OCB, khoản nợ của Cường không lớn và Cường cũng có thiện chí đến ngân hàng hỏi thông tin để có hướng xử lý, không ngờ về chúng tôi lại bị đòi nợ khủng bố như vậy. chị T. nói”.

Tương tự một số người thân, bạn bè của ông Lâm Chí Cường cũng cho biết nhận được các tin nhắn, điện thoại của người xưng là nhân viên Ngân hàng OCB bêu rếu, truy tìm ông Cường vì thiếu nợ không trả. Ông Lâm Chí Cường cho biết do ở quê thông tin hạn chế nên khi nghe các cuộc điện thoại đòi nợ của nhân viên ngân hàng ba mẹ ông hoang mang mất ăn, mất ngủ và định gom góp tiền trả nợ thay. Cho đến khi ông gửi đơn tố cáo khắp nơi các cuộc điện thoại khủng bố người thân của ông mới tạm lắng.