Nhận thấy căng thẳng tại Odessa đang leo thang và có khả năng vượt ngoài tầm kiểm soát, anh Đoàn Văn Chung, một người Việt tại Ukraine, vội vã sắp xếp đồ đạc để kịp lên chuyến tàu sang Ba Lan lánh nạn.
Để chuẩn bị cho một hành trình dài phía trước, hành lý của anh gồm vài bộ quần áo, bánh mì và nước lọc. Sau đó, anh cùng những người bạn của mình chen chúc lên chuyến tàu để đi đến Ba Lan.
“Trong hành trình của mình, tôi cảm thấy giai đoạn khó khăn nhất là lúc bắt tàu sang Ba Lan. Chúng tôi phải chen giữa dòng người đông đúc để mong có được một chỗ ngồi trên chuyến tàu này”, anh Chung nói với Zing.
Hành trình đầy gian nan
Ngoài ra, theo chia sẻ của anh Chung, ngôn ngữ cũng là một rào cản khi anh xin nhập cảnh vào Ba Lan.
“Mọi thứ tương đối khó khăn vì chúng tôi không biết tiếng. Cũng may, tôi được người Ba Lan nhiệt tình hỗ trợ lúc sang biên giới nên mọi khó khăn cũng vơi bớt đi phần nào. Cuối cùng, chúng tôi đã thành công đặt chân đến Ba Lan”, anh Chung thở phào nhẹ nhõm.
“Tôi may mắn lên được chuyến tàu đi thẳng sang Ba Lan nên không mất công phải đứng chờ hàng giờ ở cửa khẩu như nhiều người khác", anh nói thêm.
Bên cạnh đó, anh Chung cho biết thủ tục nhập cảnh Ba Lan đối với người từ Ukraine cũng khá đơn giản vào lúc này. Hộ chiếu của anh nhanh chóng được đóng dấu khi rời khỏi Ukraine cũng như thời điểm nhập cảnh vào Ba Lan.
Từ trước khi Nga tấn công, hiệp định giữa Ukraine và EU vốn cho phép công dân Ukraine vào Schengen trong 90 ngày mà không cần visa. Sau khi cuộc tấn công nổ ra, chính phủ Ba Lan đã cho phép người từ Ukraine có thể băng qua biên giới vào Ba Lan mà thậm chí không cần hộ chiếu. Đây cũng là lý do để nhiều người Việt quyết định rời Ukraine sang Ba Lan và nhiều nước EU khác lánh nạn.
Chuyến tàu chật ních người đi sang Ba Lan của anh Chung. Ảnh: NVCC. |
Cùng chung cảnh ngộ với anh Chung, anh Nguyễn Văn Phú, sống tại Odessa, cho biết bản thân cũng vừa thực hiện một hành trình đầy gian nan, kéo dài gần 1.000 km, khi rời Ukraine sang Ba Lan.
Trò chuyện cùng Zing lúc 7h40 sáng 2/3, tức gần 2h sáng theo giờ Ba Lan, anh Phú kể lại rằng quá trình đi sang nước này bằng đường bộ là gian khổ và vất vả tột độ.
“Chúng tôi đã chờ từ 14h đến 24h để được đóng dấu và cho phép rời khỏi Ukraine. Tuy nhiên, trong đêm nay, chúng tôi vẫn phải tiếp tục chờ đợi biên phòng Ba Lan xác nhận, sau đó mới được phép rời khỏi đây để đi sâu vào nước này”, anh Phú nói.
Không được may mắn như anh Chung, khi xin nhập cảnh vào Ba Lan, anh Phú cho biết tại vùng biên phòng, anh phải chờ đợi quá lâu ở ngoài trời trong khi không có chăn hay bất cứ thứ gì giúp giữ ấm. Để xua tan đi cái lạnh 2 độ C vào ban đêm, anh Phú cùng nhóm bạn đành phải đốt lửa để sưởi ấm, xong “cũng chẳng thấm vào đâu”.
Đoàn của anh Phú phải đốt lửa để xua đi cái lạnh trong lúc chờ nhập cảnh Ba Lan. Ảnh: NVCC. |
“Đến bây giờ vẫn còn hơn 400 người chưa được thông quan tại biên giới Ba Lan. Nhiệt độ ở đây lạnh và khắc nghiệt. Chúng tôi đã đi từ tối 28/2 cho đến bây giờ, và vẫn phải chờ đợi cho đến khi được xác nhận đủ điều kiện ra khỏi khu vực biên phòng của Ba Lan”, anh nói.
Chia sẻ với Zing, anh Phú cho biết đã phải bỏ ra gần 12.000 Hryvnia (tương đương gần 400 USD) để tới Lviv, và sau đó phải tiếp tục đi bộ hơn 25 km để đến cửa khẩu. Hành trình đó quả thực không hề dễ dàng.
“Khi có một đoàn đi qua thành công, tôi có ngỏ ý đề nghị họ giúp đỡ nhưng cuối cùng đã bị quay lưng. Trước đó, chúng tôi thậm chí đã trình bày với họ rằng đoàn của mình có 4 người không biết tiếng. Mọi thứ khiến tôi quá thất vọng”, anh ngậm ngùi nói.
Ngoài ra, chị Đỗ Thị Hảo, một người Việt tại Ukraine, cũng cho biết bản thân vừa thành công đặt chân đến Ba Lan, sau nhiều ngày vất vả rời khỏi vùng chiến sự.
"Trước tình hình xung đột tại Ukraine như hiện nay, tôi và chồng mình đã quyết định di tản để đảm bảo an toàn cho gia đình do lo sợ bom rơi đạn lạc. Sau đó, khi nhận thấy Ba Lan và các nước sát biên giới Ukraine mở cửa, chúng tôi quyết định rời đi", chị Hảo nói với Zing.
"Tương lai chưa biết sẽ ra sao"
Sau khi đặt chân đến Ba Lan, chị Hảo và chồng con được gia đình anh Quốc Phương, một người Việt hiện sống tại thủ đô Warsaw (Ba Lan), giúp đỡ. Theo chia sẻ của anh Phương, gia đình anh và cộng đồng người Việt tại đây đã hỗ trợ nhiều người Việt khi họ di tản khỏi Ukraine để sang Ba Lan.
Cũng như nhiều người Việt khác mà Zing trò chuyện, khi rời khỏi Ukraine để sang một đất nước mới, chị Hảo và gia đình cũng "chẳng thể chuẩn bị gì nhiều. "Đường xá xa xôi như vậy nên chúng tôi chỉ kịp chuẩn bị một vài bộ quần áo và một ít đồ ăn, rồi lên đường. Chỉ vậy thôi", chị nói.
Nhiều người Việt tại Ukraine được gia đình anh Quốc Phương giúp đỡ sau khi đến Ba Lan. Ảnh: Facebook Phương Oanh Nguyễn. |
Theo chia sẻ của anh Phú, nhóm của anh hiện chỉ còn một ít tiền để ngày mai đi tàu lên khu vực trung tâm Ba Lan. Tại đó, anh cho biết bạn của mình sẽ dang rộng vòng tay để giúp đỡ.
Ngoài ra, sau hơn 3 năm đến Ukraine, anh Chung hiện đã rời khỏi nước này và đặt chân đến thủ đô Warsaw (Ba Lan). Tuy nhiên, khi được hỏi về kế hoạch tiếp theo của bản thân, anh chỉ lặng buồn và cho biết vẫn chưa rõ.
“Trước mắt, chúng tôi muốn tránh chiến sự ở Ukraine, còn mọi chuyện khác để sau này mới tính tiếp”, anh cho hay.
Cùng nhận định với anh Chung, anh Phú nói rằng chưa biết tương lai của bản thân sẽ ra sao và cũng chưa có kế hoạch cụ thể sau khi đặt chân đến Ba Lan.
Chị Hảo và gia đình cũng không ngoại lệ. "Chúng tôi vẫn chưa biết tiếp theo sẽ như thế nào. Có lẽ chúng tôi sẽ tạm thời tìm một công việc ở Ba Lan để ổn định trước đã, mọi chuyện để sau này tính tiếp", chị nói.