Nguồn vốn 'nhân văn' đến với người hoàn lương

Tuyết Trang
Tỉnh Đồng Nai hiện có hàng ngàn người chấp hành xong án phạt tù về địa phương sinh sống. Phần lớn trong số họ tìm kiếm việc làm gặp khó khăn do thiếu tay nghề chuyên môn kỹ thuật, trình độ học vấn hạn chế, nguy cơ tái phạm tội cao.

Vì vậy, Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với những người chấp hành xong án phạt tù, có hiệu lực từ ngày 10/10/2023 đã mở ra cơ hội rất lớn về công ăn việc làm, giúp họ ổn định cuộc sống, hoà nhập với cộng đồng, tránh tái phạm tội.

Trước khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định trên, trong nhiều năm qua, Công an tỉnh Đồng Nai đã vận động các mạnh thường quân đóng góp kinh phí ủng hộ Quỹ Doanh nhân với ANTT để hỗ trợ, giúp đỡ những trường hợp tù tha được vay vốn làm ăn, vượt qua tự ty, mặc cảm, tái hoà nhập cộng đồng. Nguồn quỹ đã tạo điều kiện cho hơn 1 ngàn lượt người vay với số tiền xoay vòng lên đến hơn 35 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vốn từ quỹ này cũng chỉ có giới hạn, trong khi số lượng người hoàn lương có nhu cầu vay vốn nhiều. Vì vậy, khi Quyết định trên của Thủ tướng Chính phủ được triển khai, Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp, Công an tỉnh đã phối hợp với Công an cấp huyện, chính quyền địa phương và ngân hàng chính sách xã hội tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhiều người hoàn lương được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi (6,6% một năm).

Để giúp người chấp hành xong án phạt tù tiếp cận nguồn vốn được thuận lợi hơn, ngày 10/6/2024, Công an tỉnh và Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cũng đã ký kết chương trình phối hợp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đơn giản các thủ tục trong quá trình thực hiện cho vay.

1-1726798534.png

Phòng Cảnh sát THAHS và HTTP cùng Công an địa phương thăm hỏi, động viên anh Huỳnh Minh Tài (ngồi mặc áo đen) làm mô hình V.A.C từ vốn vay theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ

Anh Huỳnh Minh Tài, 41 tuổi, thường trú tại ấp Suối Cả, xã Bàu Cạn, huyện Long Thành. Anh chấp hành án xong vào cuối năm 2021, về địa phương tập trung lo làm ăn với mô hình V.A.C. Vốn của gia đình hạn chế nên mong muốn mở rộng đầu tư cây, con giống, đất đai canh tác của anh gặp khó khăn. Biết được nguyện vọng của anh Tài, cuối năm 2023, Công an xã Bàu Cạn đã cùng các ban, ngành đoàn thể địa phương đến gia đình hướng dẫn anh làm thủ tục vay 110 triệu đồng từ ngân hàng chính sách xã hội huyện Long Thành. Với số vốn vay trên kết hợp với tiền vay mượn của gia đình, anh đã đầu tư nuôi heo thịt, thả cá. Hiện trang trại của anh đang nuôi 100 con heo thịt sắp được xuất chuồng, 2 ao nuôi cá diện tích khoảng 4.000m2. Hàng tháng đều trả tiền gốc và lãi ngân hàng.

2-1726798534.png

Phòng Cảnh sát THAHS và HTTP cùng Công an xã Bàu Cạn, H. Long Thành thăm, động viên anh Nguyễn Tiến Thịnh vươn lên làm kinh tế từ vốn vay theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ

Trường hợp của anh Nguyễn Tiến Thịnh, 36 tuổi, ngụ xã Bàu Cạn, huyện Long Thành nhờ nguồn vốn vay đã làm ăn ổn định. Vào giữa năm 2020, sau khi chấp hành án trở về địa phương luôn mặc cảm với quá khứ nông nổi, bồng bột, nhưng được sự động viên kịp thời của gia đình, Công an xã và chính quyền địa phương đã giúp anh sớm lấy lại tinh thần, xin vào Cty làm công nhân.

Tuy nhiên, do yêu thích nghề làm vườn nên anh xin nghỉ việc. Quan sát thấy đất vườn ở địa phương do người ở xa đến mua rồi để không, anh thuê lại với giá rẻ để làm vườn, nhưng thiếu vốn đầu tư. Được sự quan tâm động viên của Công an và các ban, ngành đoàn thể, anh được vay 100 triệu đồng từ ngân hàng chính sách xã hội huyện. Có nguồn vốn, anh đầu tư giống, phân bón trồng rau, củ, quả trên diện tích đến 2,5ha đất thuê. Trời không phụ lòng người, lứa thu hoạch đầu tiên trừ chi phí đi đã có lãi. Anh phấn khởi cho biết “được vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội như có bạn đồng hành với mình”, cam kết sẽ sử dụng vốn vay đúng mục đích để không phụ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước.

3-1726798533.png
Phương tiện chở rác gia đình ông Nguyễn Văn Hiền (áo trắng) mua có phần vốn vay từ Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ

Chung niềm vui như anh Thịnh, anh Tài có ông Nguyễn Văn Hiền, 64 tuổi, thường trú tại ấp Sơn Hà, xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch là một trong nhiều trường hợp đã được vay nguồn vốn trên. Năm 2016, ông thành lập HTX Dịch vụ vệ môi trường, do thiếu vốn trang bị phương tiện phục vụ sản xuất nên tận dụng xe máy cày kéo rơ moóc làm phương tiện thu gom rác thải sinh hoạt, không đảm bảo an toàn kỹ thuật, gây ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, bị TAND huyện Nhơn Trạch tuyên phạt 2 năm tù giam. Nhờ phấn đấu lao động, cải tạo tốt nên cuối năm 2020 ông được tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Với quyết tâm sửa chữa lỗi lầm, sau khi được tha tù về địa phương, ông tích cực lo làm ăn, lên kế hoạch mua thêm một xe tải chở rác đảm bảo kỹ thuật an toàn để mở rộng sản xuất, kinh doanh, giúp môi trường xanh, sạch, đẹp. Nhưng vì nguồn vốn khó khăn, ông đành phải gác lại. Công an xã Vĩnh Thanh biết được nhu cầu chính đáng của ông nên khi Quyết định trên có hiệu lực đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể địa phương khảo sát, hướng dẫn gia đình làm thủ tục vay 100 triệu đồng từ ngân hàng chính sách xã hội huyện Nhơn Trạch.

Với số tiền trên cùng với khoản tiền tích cóp của gia đình, vay thêm bà con họ hàng, ông mua thêm được 1 xe tải trọng 4 tấn để chở rác thải sinh hoạt cho các hộ dân trên địa bàn xã. Hai phương tiện thu gom rác đã tạo việc làm cho 6 lao động và gia đình có thu nhập ổn định, ông Hiền phấn khởi cho biết và bày tỏ lòng biết ơn với Đảng, Nhà nước, lực lượng Công an, các cấp chính quyền, ngân hàng chính sách xã hội đã “hỗ trợ tôi có công ăn việc làm rất thuận lợi, tiếp thêm động lực để tôi làm lại cuộc đời”. Ngoài thu gom rác, gia đình ông còn kinh doanh nước giải khát, dụng cụ bảo quản rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh.

Ông Tạ Thành Đức, Phó Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nhơn Trạch cho biết, sau khi Quyết định của Thủ tướng Chính Phủ có hiệu lực, trên địa bàn huyện Nhơn Trạch đã cho 22 trường hợp vay với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng, đang tiếp tục chỉ đạo cán bộ tín dụng quản lý địa bàn các xã, thị trấn khẩn trương rà soát các trường hợp có nhu cầu và đủ điều kiện được vay để hướng dẫn làm thủ tục và trình cấp có thẩm quyền xin cấp vốn cho vay.

Theo đồng chí Thượng tá Đỗ Khắc Hồng - Trưởng Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh, thực hiện tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định trên, từ tháng 10/2023 đến nay đã hỗ trợ cho 118 trường hợp trên địa bàn tỉnh vay với số tiền hơn 8,4 tỷ đồng để học nghề, sản xuất, kinh doanh ổn định cuộc sống.

Tất cả các trường hợp đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, đang từng bước phát huy hiệu quả. Vấn đề quan trọng nhất để người chấp hành xong án phạt tù không quá 5 năm được vay vốn là phải chấp hành tốt các quy định của pháp luật, tu chí làm ăn. Khi có nhu cầu vay vốn có thể chủ động trình bày nguyện vọng với UBND hoặc Công an cấp xã để được đưa vào diện tiếp cận nguồn vốn một cách sớm nhất và được hỗ trợ, tư vấn các thủ tục, hồ sơ liên quan.

Đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu với Ban Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo Công an các địa phương phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội cùng chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ, tư vấn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi giúp các gia đình có người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận nguồn vốn, tránh kỳ thị, phân biệt. Thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ nhất là Công an cấp xã và đánh giá tác động, hiệu quả của vốn vay. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay đảm bảo đúng mục đích, kế hoạch, đúng đối tượng, tránh tiêu cực trong việc xét duyệt hồ sơ, Thượng tá Đỗ Khắc Hồng nhấn mạnh.

V.C (t/h)