Ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho biết, khu vực châu Á đang diễn ra sự suy giảm đầu tư nước ngoài rất rõ. Các dự án mới (Green-Field Projeco ject) ở Đông Á năm 2022 và xu hướng năm 2023 giảm khoảng 52%, Đông Nam Á giảm gần 40%, duy nhất Nam Á tăng lên gần 300%.
Xu hướng giảm đầu tư nước ngoài do nhiều nguyên nhân. Đó là quá trình tái cấu trúc dòng vốn đầu tư nước ngoài đã xảy ra trước khi COVID-19 xuất hiện và giai đoạn sau này, xu hướng ngày càng mạnh mẽ.
Khu vực châu Á đang nổi lên các cực mới trong thu hút đầu tư nước ngoài là Australia và Ấn Độ. Trong đó, Ấn Độ là cực rất lớn, đóng góp chủ yếu trong mức tăng trưởng 300% các dự án mới đến Nam Á.
Đồng thời, những tính toán của các nhà đầu tư nước ngoài về tác động của thuế tối thiểu toàn cầu (15%); so sánh tương quan giữa Đông Nam Á với Ấn Độ (giá cả lao động tại Đông Nam Á cao hơn Ấn Độ trung bình khoảng 40 - 50 USD/người/tháng, trong khi lao động chất lượng của Ấn Độ có trình độ cao hơn ngôn ngữ, chuyển đổi số) cũng khiến Ấn Độ thu hút mạnh đầu tư nước ngoài.
Xu hướng mới, tăng trưởng xanh, tăng trưởng số cũng tác động đến dòng chảy vốn đầu tư nước ngoài. Những quốc gia nào có thể sẵn sàng đón nhận các xu hướng mới này thì dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ chảy đến.
Thế giới đã chứng kiến sự suy giảm dòng vốn đầu tư nước ngoài, nhưng sự suy giảm này có phải là xu hướng tái cấu trúc dòng vốn đầu tư nước ngoài toàn cầu trong trung và dài hạn hay không thì chưa xác định được và vẫn cần theo dõi thêm.
Con số giải ngân vốn đầu tư nước ngoài năm 2022 đạt gần 25 tỷ USD và là con số cao nhất, có thể nói là đột biến trong vòng 5-6 năm qua. Giải ngân vốn đầu tư nước ngoài năm 2022 cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong phòng, chống COVID-19 và Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong việc bao phủ vaccine, cũng như mở cửa nền kinh tế.
Tuy nhiên, đã xuất hiện xu hướng sụt giảm trong quý I/2023 và sự sụt giảm này có diễn biến nhanh kể cả trong các dự án mới, cũng như giải ngân trong bối cảnh nền kinh tế đã mở cửa, các điều kiện và ưu đãi của Việt Nam vẫn tương tự, bối cảnh kinh tế thế giới còn những khó khăn như tiếp tục cuộc chiến chống lạm phát, nguy cơ suy thoái...
Thu hút đầu tư nước ngoài, giải ngân chững lại là việc cần phải theo dõi và tiếp tục quan sát kỹ, bởi có dấu hiệu tương đối bất thường.
Điểm cần chú ý là ASEAN sụt giảm đầu tư nước ngoài 39%, nhưng đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn lại tăng lên. Điều này cho thấy, các nước ASEAN dường như đang trở thành một cực để thu hút đầu tư nước ngoài về sản xuất bán dẫn. Đây là lĩnh vực nhạy cảm và có xu hướng tách rời Trung Quốc.
Trong bối cảnh mới, nếu không thận trọng, Việt Nam sẽ bị mất đi cơ hội. Bởi vì, nhà đầu tư nhìn nhận ưu thế, lợi thế của nước tiếp nhận đầu tư nước ngoài một cách tổng thể, chứ không chỉ giới hạn vào các ưu đãi như thuế, đất đai...
Đặc biệt, những nhà đầu tư chất lượng cao, hay còn gọi là những nhà đầu tư ở nấc cao hơn trong chuỗi giá trị, ngoài yếu tố ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô, sẽ quan tâm đến các vấn đề như cơ sở hạ tầng, logistics, lao động có chất lượng... Đây là những yếu tố có thể hỗ trợ việc thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao.
“Tôi muốn nhấn mạnh, nấc thang mới của đầu tư nước ngoài là chuỗi giá trị cao tập trung sản xuất xanh, chuyển đổi số, nhưng nếu Việt Nam không có chính sách kịp thời, sẽ bị tụt hậu trong cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng khốc liệt”, ông Cường nói.