"Dường như ai đi ngang cửa
Gió mùa đông bắc se lòng
Chút lá thu vàng đã rụng
Chiều nay cũng bỏ ta đi”.
“Ngày mai ta bỏ đi
Trần gian xin trả lại”
Phải vậy không mà nhạc sĩ đã chọn một sáng ngày mùa đông Hà Nội se sắt lạnh để giã biệt hồng trần mà ông nương náu cống hiến tình yêu 72 năm nay...
Hà Nội là tất cả sự rung động, suy tư, đắm đuối trong hoài niệm xưa. Không phải Hà Nội hiện đại, xô bồ với nhịp sống hối hả mà là Hà Nội trữ tình, yên bình, một Hà Nội với đêm mùa thu trăng lạnh trong “Im lặng đêm Hà Nội”, Hà Nội với mùa thu lá vàng trong “Đâu phải bởi mùa thu" hay Hà Nội với gió mùa đông bắc se lòng trong “Nỗi nhớ mùa đông", mà không chỉ ông, bất cứ người yêu Hà Nội nào khi nghĩ về đều không khỏi suy tư, thổn thức.
Những bản tình ca đậm tình yêu Hà Nội với hàng trăm ca khúc về mảnh đất này không chỉ hát về sự lãng mạn của mùa thu, chất chứa của mùa đông, lãng đãng của những con phố để có thể làm người nghệ sĩ “Lang thang hoài trên phố/... Bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường”.
Những bản tình ca ấy đôi khi chẳng cần lời lẽ, câu từ, chỉ có âm nhạc thôi cũng đủ chạm sâu vào trái tim để mà tha thiết, đắng ngọt nỗi nhớ tình yêu Hà Nội.
Đã có thời gian nhạc sĩ ở Sài Gòn - TP.HCM, nhưng chỉ là thân Sài Gòn mà thần ở Hà Nội. Khi ấy tình yêu Hà Nội trong ông thật sâu thật đằm, có cả cái nhói buốt tim vì nhớ đến thắt ruột thắt gan…, và với ông, không có gì có thể so với Hà Nội, kể cả chiếc lá cũng thua vẻ đẹp.
Trong hơn 600 ca khúc, chỉ có một số bài nổi tiếng ông gọi đích danh Hà Nội - "Em ơi, Hà Nội phố", "Im lặng đêm Hà Nội", "Hà Nội ngày trở về", "Lãng đãng chiều đông Hà Nội", "Hà Nội và em khi thu chớm đông sang", còn lại đa phần không cần chỉ dấu “Hà Nội”, nhưng ai nghe cũng biết ca khúc nói về Hà Nội.
Phú Quang dung nạp những hình ảnh phố cổ, hoa sữa, cây bàng, gió mùa đông bắc, cơn heo may tiếng dương cầm, nóc nhà thờ, sóng sông Hồng... làm nên một Hà Nội đẹp trong tĩnh lặng, thâm nghiêm, trầm mặc, lãng mạn, nên thơ, sang quý, và cả buồn man mác riêng tư bởi những hao hụt thời gian…
Hà Nội trong ông không là một Hà Nội hào hùng, lộng lẫy, ngược lại là những hồi niệm gắn với ký ức của những đổ vỡ, đau thương, phai tàn... Cảm xúc về Hà Nội trong nhạc Phú Quang là nỗi nhớ nhung, hoài niệm về miền ký ức phố đẹp đẽ, êm đềm, dịu ngọt, đôi khi thổn thức thao thiết đến nghẹn ngào rưng rưng...
Kỷ niệm về ông có nhiều, tôi từng viết bài về ông "Thân Sài Gòn - Thần Hà Nội", từng ghé nhà ông ở Hà Nội mấy lần phỏng vấn, từng nghe show ca nhạc của ông ở Hà Nội...
Có một lần tôi đã rơi nước mắt khi nghe chính nhạc sĩ Phú Quang đàn và hát cho nghe ca khúc "Thương lắm tóc dài ơi" ở cafe Catinat Đồng Khởi- Q1, nhà hàng- cafe nhạc của ông, nơi gặp gỡ các bạn văn nhân tài tử Sài thành và Hà Nội vào Sài thành làm khách.
"Yếm rách còn ngăn được gió, tình em dang dở, yếm nào che. Thương lắm thương lắm tóc dài ơi, cánh chim chiều đã mỏi. Ta hát cho em bỏng rát tiếng ca buồn”.
Tiễn biệt người nhạc sĩ của Hà Nội của tình yêu Hà Nội, của những người yêu Hà Nội và yêu dòng nhạc của ông. Ngày hôm nay nghe "Em ơi Hà Nội phố", chưa bao giờ thấy lòng buồn đến vậy./.