Nhận diện điểm sáng trong kinh doanh và đầu tư

Admin
Kinh tế Việt Nam vẫn có những điểm sáng nhất định. Tuy nhiên, một vấn đề lớn vẫn đang tồn tại, là niềm tin của thị trường và nhà đầu tư.

Đây là nhận định của TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh tại Hội thảo "Nhận diện điểm sáng kinh doanh và đầu tư năm 2024"do CafeF (một thành viên của VCCorp) tổ chức ngày 26/3 tại Hà Nội.

toancanh3-17114552167421214436893-1711492472.jpg
 

Trong cái khó vẫn có điểm sáng

TS Võ Trí Thành nhận định, kinh tế thế giới vẫn còn phải đối mặt với khó khăn, tăng trưởng vẫn chưa đạt được mức trung bình trong nhiều năm qua.

Với nền kinh tế trong nước, TS Võ Trí Thành nhận định: Kinh tế Việt Nam vẫn có những điểm sáng nhất định.

Theo đó, nguy cơ suy thoái của các đối tác thương mại tài chính đầu tư lớn nhất của Việt Nam khá thấp, lạm phát giảm nhanh nên áp lực lên chính sách tiền tệ sẽ giảm. Bên cạnh đó, xu thế về kinh tế số, kinh tế xanh, công nghệ đang rất mạnh mẽ.

Từ năm 2022 đến nay, kinh tế Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Thị trường tài chính, tiền tệ đã có chuyển biến tốt hơn. Việt Nam đứng trước những áp lực vô cùng lớn về tỷ giá, lãi suất, lạm phát...

Sang năm 2023 và cho đến nay, tình hình kinh tế vĩ mô, lạm phát nằm trong tầm kiểm soát, áp lực về tỷ giá, lãi suất cơ bản giảm đáng kể, tạo dư địa cho điều hành chính sách tiền tệ. NHNN đã 4 lần giảm lãi suất điều hành và sẽ giữ nguyên trong 6 tháng đầu năm 2024. Thị trường trái phiếu DN đã có chuyển biến ổn hơn dù chưa được như kỳ vọng.

Đáng chú ý, lĩnh vực xuất khẩu tăng rất mạnh, lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo quay trở lại là động lực tăng trưởng... Một chỉ số nữa cho thấy tín hiệu tích cực của sản xuất công nghiệp là PMI. Gần như tất cả các tháng năm 2023 (trừ tháng 2 và tháng 8), PMI đều thấp hơn 50, nhưng 2 tháng đầu năm 2024 đã vượt 50.

Bên cạnh yếu tố sản xuất - xuất khẩu, đầu tư nước ngoài FDI và đầu tư công cũng đã có thành tích đáng chú ý. Cụ thể, tiếp tục đà tăng từ nửa cuối năm 2023, cả mức cam kết và giải ngân FDI tăng rất mạnh trong 2 tháng đầu năm. Trong đó, đáng chú ý là "giải ngân FDI 2 tháng đầu năm gần 10% là con số chưa từng có", ông Võ Trí Thành phân tích.

Khôi phục niềm tin thị trường, kinh tế sẽ tốt hơn

Tuy nhiên, TS Võ Trí Thành lưu ý, còn một vấn đề đang tồn tại, là niềm tin của thị trường và nhà đầu tư. Trong năm 2023, đầu tư tư nhân chững lại, con số thống kê danh nghĩa có tăng chút, nhưng khi loại trừ yếu tố giá thì thực chất là giảm ít nhiều. Tăng trưởng tín dụng, bất động sản có cải thiện nhưng còn thấp.

Đặc biệt, một động lực để duy trì đà tăng trưởng là tiêu dùng có mức tăng thực ngày càng giảm. Tóm lại, vị chuyên gia này cho rằng, bức tranh kinh tế Việt Nam có nhiều điểm sáng, những điểm khó có xu hướng chuyển biến tích cực hơn.

Trước tình hình trên, TS Võ Trí Thành ủng hộ việc điều hành chính sách theo hướng giữ ổn định kinh tế vi mô, hoạt động ổn định của thị trường tài chính, vốn, NHTM. Kích cầu về tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư (FDI, tư nhân, công). Tiếp tục chính sách tài khóa, tiền tệ hoãn nợ, giảm thuế phí… để hỗ trợ DN, tạo động lực mới để Việt Nam bắt nhịp với tăng trưởng thế giới.

Cần đẩy mạnh phát triển hạ tầng số cả cứng cả mềm và quy hoạch 63 tỉnh, thành sẽ xong cùng cơ chế đặc thù và một số cơ chế đặc thù như TPHCM và Đà Nẵng.

Nhìn từ các động lực tăng trưởng, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia TS. Cấn Văn Lực dự báo kinh tế Việt Nam năm 2024-2025 sẽ tốt hơn khi lạm phát tăng trong mục tiêu, lãi suất giảm nhẹ và tỷ giá ổn định hơn. Đối với các DN, nghĩa vụ tài chính đã qua giai đoạn khó khăn nhất, tiếp cận vốn được duy trì và khả năng huy động vốn cũng như nguồn lực đầu tư – kinh doanh dễ dàng hơn. Trong khi đó, các vướng mắc về pháp lý dần được tháo gỡ, thể chế được quan tâm hoàn thiện, niềm tin đã phục hồi, dù còn chậm.

Riêng về bất động sản, TS Cấn Văn Lực phân tích: Nhiều tín hiệu cho thấy thị trường bất động sản đang dần phục hồi.

TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh, thị trường bất động sản cần thời gian để khắc phục, nhưng sẽ phục hồi nhanh và phục hồi tốt so với một số nước do Việt Nam không dư cung.

Đưa ra giải pháp để phục hồi thị trường, TS Cấn Văn Lực cho rằng cần quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh về vướng mắc vốn, đất đai. "Đặc biệt, cần quyết liệt khôi phục thị trường bất động sản. Bất động sản nên giảm giá chứ không phải tăng giá như thời gian gần đây", TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Còn bà Dương Thị Thùy Dung - Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cho hay: Nếu so sánh giá cùng phân khúc sản phẩm trung cấp với chất lượng tương tự thì giá bất động sản tại TPHCM đang cao hơn khoảng 30% so với thị trường Hà Nội. Giai đoạn 2018-2019, nhà đầu tư miền Bắc vào miền Nam đầu tư thì hiện tại họ đang quay lại thị trường miền Bắc với nhiều dư địa.

Về thị trường chứng khoán (TTCK), ông Lã Giang Trung – CEO Passion Investment đánh giá cao các chính sách hiện tại đang kích thích mạnh và là điều kiện tốt để chứng khoán phát triển.

Theo ông Lã Giang Trung, năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam tiếp tục xu hướng phục hồi, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát. Cùng với đó, các cân đối lớn như thu - chi ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công được đảm bảo, nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực đạt được mục tiêu đề ra. Từ đó, Việt Nam trở thành điểm sáng về kinh tế trong khu vực và trên thế giới.

"Tôi nghĩ ngành hưởng lợi lớn nhất, có thể dẫn dắt thị trường là ngân hàng. Định giá của ngành này đang ở mức thấp và còn nhiều dư địa tăng trưởng. Kết quả kinh doanh của họ cũng đang khá tốt. Ngoài ngân hàng thì ngành bán lẻ cũng đang có định giá rất hấp dẫn.", ông Lã Giang Trung phân tích.

Đại diện DN, ông Bùi Quang Anh Vũ – Tổng Giám đốc CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt bày tỏ niềm tin, với chu kỳ mới của nền kinh tế, bất động sản vẫn là kênh đầu tư tốt. Tuy nhiên, thị trường cũng cần sự quản lý, định hướng, bền vững để mang đến lợi ích cho nhiều người.

Anh Minh