Lắng nghe để phát triển
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng vừa tổ Hội nghị Ban Thường vụ mở rộng để thống nhất nội dung chương trình sơ kết 6 tháng đầu năm, đồng thời trao đổi, đề xuất các phương hướng hoạt động trong thời gian tới.
Theo ông Đinh Minh Quý - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Lâm Đồng, trong những tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế tỉnh Lâm Đồng tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ, tạo tâm lý tin tưởng cho người dân và doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh. Lũy kế 8 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 999 doanh nghiệp thành lập mới, vốn đăng ký hơn 12.748 tỷ đồng, tăng 20,2% về số doanh nghiệp và tăng 17,6% về vốn đăng ký; có 276 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 15% so với cùng kỳ.
Hiệp hội Doanh nghiệp Lâm Đồng tổ chức hội nghị lắng nghe ý kiến đóng góp, hiến kế để đổi mới, phát triển.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Hiệp hội đã phát triển thêm 13 hội viên, nâng tổng số hội viên kết nạp trực tiếp tại văn phòng hội lên 523 doanh nghiệp. Phát triển được 12 Chi hội (chuẩn bị ra mắt Chi hội Doanh nghiệp huyện Bảo Lâm – huyện cuối cùng của tỉnh), 2 trung tâm và 4 hội thành viên. Hoạt động của các Chi hội từng bước đi vào nề nếp, nhiều Chi hội hoạt động khá tốt, được các doanh nghiệp và cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao, như: Chi hội Doanh nghiệp huyện Lạc Dương, Chi hội Doanh nghiệp TP Bảo Lộc, Chi hội Doanh nghiệp sản xuất thương mại Sản vật Tây Nguyên…
“Để đáp ứng mong mỏi, kỳ vọng của các doanh nghiệp và lãnh đạo địa phương, Hiệp hội Doanh nghiệp Lâm Đồng rất mong nhận được những ý kiến đóng góp tâm huyết, hiến kế từ các Uỷ viên Ban Thường vụ, lãnh đạo các Chi hội, để hoạt động của Hiệp hội không ngừng đổi mới, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, thực sự trở thành ngôi nhà chung của cộng đồng doanh nghiệp”, ông Đinh Minh Quý nhấn mạnh.
Cần nhân rộng mô hình Cà phê doanh nhân
Trao đổi tại hội nghị, ông Đoàn Trọng Phương - Chủ tịch Chi hội Chè Lâm Đồng cho rằng, để phát huy hơn nữa vai trò, vị thế của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng cần phát huy hơn nữa vai trò cầu nối, gắn kết các doanh nghiệp và các hội thành viên. Trong đó điều cần làm ngay là xây dựng không gian Cà phê doanh nhân để trở thành sân chơi hữu ích cho doanh nghiệp và là cầu nối vững chắc với chính quyền.
Ông Đoàn Trọng Phương- Chủ tịch Chi hội Chè Lâm Đồng, phát biểu ý kiến.
“Tại các nước phát triển, vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp rất quan trọng. Để làm được điều đó thì bản thân các doanh nghiệp hội viên cũng phải tự lực, tự cường, phát huy nội lực để phát triển. Doanh nghiệp mạnh thì Hiệp hội mới mạnh, đóng góp được nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, từ đó vai trò, vị thế sẽ được nâng lên”, ông Đoàn Trọng Phương nêu quan điểm.
Là một trong những Chi hội có nhiều hoạt động tích cực trong thời gian gần đây và cũng là Chi hội Doanh nghiệp đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng được chính quyền địa phương quan tâm bố trí văn phòng làm việc, tổ chức không gian Cà phê doanh nhân, ông Nguyễn Phục Quốc - Chủ tịch Chi hội Doanh nghiệp huyện Lạc Dương, cho rằng, để nâng cao vai trò, vị thế của tổ chức hội rất cần sự đồng hành, ủng hộ của cấp uỷ, chính quyền địa phương.
Ông Nguyễn Phục Quốc- Chủ tịch Chi hội Doanh nghiệp huyện Lạc Dương, đóng góp ý kiến.
“Với cam kết nói được, làm được và làm một cách quyết liệt, có trách nhiệm vì mục tiêu chung là mang lại nhiều hơn giá trị cho hội viên, nên Chi hội nhận được sự tín nhiệm, hỗ trợ của chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Từ đó, Chi hội đã không ngừng phát triển cả về lượng và chất, xây dựng nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực để mang lại nhiều giá trị cho hội viên, đặc biệt là công tác quảng bá, tìm đầu ra cho sản phẩm đặc trưng của địa phương”, ông Nguyễn Phục Quốc chia sẻ.
Đánh giá cao những mặt làm được của Chi hội Doanh nghiệp huyện Lạc Dương trong thời gian gần đây, đặc biệt là mô hình Cà phê doanh nhân, ông Nguyễn Đình Sơn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng, đề nghị các Chi hội học tập, nên nghiên cứu để triển khai mô hình, nhằm phát huy vai trò cầu nối của hội.
Ông Nguyễn Đình Sơn- Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng.
“Thông thường, các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp tại các địa phương khi phản ánh lên Hiệp hội tổng hợp báo cáo UBND tỉnh để giao các sở ban ngành, địa phương xem xét, giải quyết phải mất nhiều thời gian. Khi có Cà phê doanh nhân các kiến nghị liên quan đến với địa phương sẽ được sàn lọc giải quyết ngay từ cấp sơ sở, để bảo đảm tính kịp thời, từ đó tạo sự đồng thuận giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương”, ông Nguyễn Đình Sơn nhấn mạnh.
Phát huy vai trò kết nối
Là Chi hội tham gia rất tích cực trong công tác xúc tiến thương mại nhằm quảng bá, tìm đầu ra cho sản phẩm thế mạnh của địa phương, ông Thân Văn Sửu - Chủ tịch Chi hội Doanh nghiệp sản xuất thương mại Sản vật Tây Nguyên, cho rằng, hiện nay, nhu cầu kết nối giao thương, xúc tiến thương mại của các doanh nghiệp là rất lớn. Tuy nhiên cần phải đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng nhu cầu.
Ông Thân Văn Sửu – Chủ tịch Chi hội Doanh nghiệp sản xuất thương mại Sản vật Tây Nguyên, đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp Lâm Đồng phát huy vai trò kết nối giao thương, xúc tiến thương mại.
“Tổ chức hội cần phát huy hơn nữa vài trò kết nối với các tổ chức và doanh nghiệp trong và ngoài địa phương. Qua đó giúp hội viên kết nối giao thương, phát triển đầu ra cho sản phẩm. Công tác đón tiếp các đoàn doanh nghiệp đến kết nối giao thương, hay thực hiện các chương trình xã hội từ thiện cũng cần phải chuyên nghiệp, bài bản. Bởi vì, khi doanh nghiệp ngồi lại với nhau sẽ tìm hiểu được nhu cầu của nhau, từ đó thấy được cơ hội hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại”, ông Thân Văn Sửu nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Bích Huệ- Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng cũng cho rằng, đẩy mạnh công tác kết nối giao thương là vô cùng cần thiết, qua đó mang lại nhiều giá trị thiết thực cho doanh nghiệp hội viên. Tuy nhiên, Hiệp hội cần bố trí thêm nhân sự chuyên trách để công tác kết nối được chuyên nghiệp, kịp thời.
Bà Nguyễn Thị Bích Huệ- Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng, đề nghị công tác kết nối giao thương, xúc tiến thương mại cần chuyên nghiệp, bài bản hơn.
“Hàng năm, có rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức từ khắp nơi đến thăm và làm việc tại Đà Lạt – Lâm Đồng, trong đó có rất nhiều đối tác tiềm năng của doanh nghiệp địa phương. Với vai trò, vị thế của mình, Hiệp hội Doanh nghiệp sẽ là cầu nối để các doanh nghiệp trong và ngoài địa phương giao lưu, kết nối, tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư rất hiệu quả”, bà Nguyễn Thị Bích Huệ nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo ông Hồ Anh Dũng- Phó Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, với tư cách là đầu mối các tổ chức hội doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng cần quan tâm, kết nối hơn nữa các hội thành viên với nhau, để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các hội viên, vì mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp.
“Sự kết nối giữa các hội thành viên sẽ tạo sự đồng thuận rất lớn, nhằm phát huy thế mạnh, nguồn lực của các bên. Đồng thời giúp các doanh nghiệp hội viên nắm bắt, chia sẻ cơ hội hợp tác kinh doanh, đầu tư phát triển”, ông Hồ Anh Dũng nhấn mạnh.
Ông Đinh Minh Quý- Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng, phát biểu kết luận hội nghị.
Kết luận hội nghị, ông Đinh Minh Quý - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng, đánh giá, chỉ trong 1 buổi làm việc nhưng tất cả các đại biểu tham dự đều đóng góp ý kiến hết sức tâm huyết và có trách nhiệm vì sự phát triển chung. Hiệp hội xin tiếp thu các ý kiến đóng góp để nghiên cứu đưa vào các chương trình hành động, nhằm đáp ứng mong mỏi, kỳ vọng của doanh nghiệp và lãnh đạo địa phương.
“Trong thời gian tới, Hiệp hội sẽ tiếp tục đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả và chuyên nghiệp, là cầu nối tin cậy của doanh nghiệp với cơ quan nhà nước. Xây dựng tổ chức hội ngày càng phát triển, hướng đến mục tiêu: Doanh nhân, doanh nghiệp Lâm Đồng năng động, sáng tạo, liên kết, hội nhập, phát triển”, ông Đinh Minh Quý khẳng định.