Nhật Bản có thể thiệt hại tới 1.000 tỷ Yen nếu Nga vỡ nợ

Kỳ Văn
Theo đài truyền hình NHK, các doanh nghiệp Nhật Bản có thể thiệt hại tới 1.000 tỷ Yen nếu nước láng giềng Nga bị vỡ nợ. Tuy nhiên, giới chuyên gia Nhật Bản cho rằng không giống như năm 1998, việc Nga vỡ nợ sẽ không châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Nhật Bản có thể thiệt hại tới 1.000 tỷ Yen nếu Nga vỡ nợ
Trong những năm gần đây, Nhật Bản đã nỗ lực làm sâu sắc hơn mối quan hệ kinh tế với Nga ngay cả sau khi nước này tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014. (Nguồn: Reuters)

Đài NHK cho biết bắt đầu từ ngày 6/4, Nga sẽ phải thanh toán một loạt các khoản vay bằng đồng USD và Euro. Tuy nhiên, nhiều cơ quan xếp hạng tín nhiệm lớn đã dự báo về khả năng Nga sẽ không thể thanh toán những khoản vay này.

Các lệnh trừng phạt của phương Tây sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine đã khiến giá trị của đồng Ruble giảm xuống mức thấp kỷ lục. Bên cạnh đó, các biện pháp trừng phạt cũng ngăn cản Nga tiếp cận nguồn dự trữ ngoại hối của chính mình.

Trong bối cảnh đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố khu vực công và tư nhân có thể sử dụng đồng Ruble để trả nợ cho các chủ nợ. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài đang quay lưng lại với đồng Ruble, vốn đã bị mất khoảng 1/3 giá trị kể từ tháng Hai.

Thời hạn để Nga thanh toán nợ trái phiếu chính phủ là ngày 16/3, với thời gian ân hạn là 30 ngày. Các cơ quan xếp hạng tín dụng nhận định Nga có thể sẽ gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản vay này và một vụ vỡ nợ có thể sẽ xảy ra sớm nhất là vào tháng Tư.

Ông Nishihama Toru, chuyên gia kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life, cho rằng thiệt hại mà vụ vỡ nợ này có thể gây ra không chỉ tác động tới Chính phủ Nga mà còn cả người dân nước này.

Đối với phần còn lại của thế giới, vụ vỡ nợ của Nga vào năm 1998 đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên theo NHK, nhiều chuyên gia cho rằng một kịch bản tương tự khó có thể xảy ra lần này. Nguyên nhân là do khối lượng trái phiếu quốc tế mà Nga chưa thanh toán có giá trị tương đối nhỏ, chỉ khoảng 40 tỷ USD.

Mặc dù vậy, tác động của một vụ vỡ nợ như vậy đối với Nga là khá lớn. Các chuyên gia cho rằng quy mô kinh tế Nga có thể sẽ suy giảm ít nhất 10% trong năm nay do xuất khẩu và đầu tư giảm. Điều đó gây ra không ít quan ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài đã rót vốn vào Nga, bao gồm cả các nhà đầu tư Nhật Bản.

Trong những năm gần đây, Nhật Bản đã nỗ lực làm sâu sắc hơn mối quan hệ kinh tế với Nga ngay cả sau khi nước này tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014. Tuy nhiên, chuyên gia Nishihama tin rằng những nỗ lực này có thể sớm phản tác dụng.

Ông cho biết, Nhật Bản nằm trong số các quốc gia áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, quốc gia có nền kinh tế có thể mất nhiều năm để hồi phục trở lại mức trước khi chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine bắt đầu.

Phần lớn các khoản đầu tư của Nhật Bản, cả khu vực công và khu vực tư nhân, đều được bơm vào ngành năng lượng ở Nga. Các ngân hàng và các công ty thương mại của Nhật Bản sẽ là những đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất, với tổng giá trị các khoản cho vay ước tính khoảng 1.000 tỷ Yen.

Hiện nay, cơ hội để thu hồi lại số tiền đó ngày càng nhỏ lại khi Nhật Bản ngày càng tung ra thêm nhiều biện pháp trừng phạt đối với Nga.

Trước đó, Nhật Bản đã công bố nhiều biện pháp trừng phạt Nga, trong đó có việc kiểm soát hoạt động xuất khẩu chất bán dẫn và các sản phẩm khác sang Nga, ngừng cấp thị thực cho một số cá nhân và thực thể Nga, hợp tác với các nước thành viên khác thuộc nhóm G7 để loại một số ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế và hạn chế giao dịch với Ngân hàng trung ương Nga.