Nhiễm ký sinh trùng do thói quen ăn thực phẩm tái sống

Tuyết Trang
Thói quen ăn rau sống, thực phẩm tái sống là nguyên nhân của tình trạng nhiễm giun sán, gây nên các biến chứng nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe. Chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cẩn trọng khi ăn các món này.

Dễ nhiễm giun sán vì món ăn quen thuộc

Thời gian qua, nhiều bệnh viện tiếp nhận các ca bệnh nhiễm sán lá gan, ký sinh trùng do tập quán sinh hoạt, ăn thực phẩm tái sống không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Mấy năm nay, anh N.H.M. (43 tuổi, huyện Đan Phượng, Hà Nội) xuất hiện sẩn ngứa kèm theo ban đỏ rải rác toàn thân. Dù ạnh M. đã điều trị nhiều đợt bằng thuốc kháng sinh nhưng không đỡ. Gần đây, tình trạng sẩn ngứa của anh ngày càng tăng nặng, ăn uống kém. Lo lắng trước dấu hiệu bất thường đó, anh đã đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng T.Ư) khám.

Anh M. cho biết, anh không có thói quen ăn các loại thịt sống, gỏi nhưng thường xuyên ăn rau sống. Sau khi được các bác sĩ chỉ định làm các xét nghiệm công thức máu, kháng thể IgG kháng giun đũa chó, mèo, kết quả cho thấy, anh M. được chẩn đoán mắc bệnh giun đũa chó, thể nội tạng.

Nhiễm ký sinh trùng do thói quen ăn thực phẩm tái sốngBác sĩ bệnh viện Đặng Văn Ngữ khám cho bệnh nhân.

Mặc dù điều kiện sống, vệ sinh của người dân ngày càng cải thiện, tuy nhiên, việc nhiễm các loại ký sinh trùng vẫn là một gánh nặng bệnh tật. Là cơ sở y tế chuyên ngành ký sinh trùng, các bác sĩ Bệnh viện Đặng Văn Ngữ thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân nhiễm cùng lúc nhiều loại giun sán như: sán lá gan, giun đũa chó mèo, giun lươn, sán dây… Phần lớn bệnh nhân nhiễm giun sán thông qua con đường ăn uống.

Trong đó, có bệnh nhân P.T.D. (27 tuổi, Lạng Sơn) được bác sĩ ở địa phương chẩn đoán tổn thương gan nghi do ký sinh trùng. Bác sĩ Bệnh viện Đặng Văn Ngữ kết luận, bệnh nhân mắc sán lá gan lớn.

Nữ bệnh nhân chia, chị sẻ có thói quen thích ăn rau sống, đặc biệt yêu thích lá diếp cá và xà lách. Khi làm rau sống, chị thường xuyên rửa sạch rau rồi ngâm với nước muối. Vì thế, chị bất ngờ vì mình đã rửa rau rất sạch nhưng vẫn nhiễm ký sinh trùng.

Hay như trường hợp của chị N.T.H. L, 38 tuổi, sinh sống ở Hà Nội đến Bệnh viện Đa khoa Medlatec (Hà Nội) kiểm tra sức khỏe định kỳ. Chị bất ngờ phát hiện mắc ký sinh trùng, nguyên nhân gây bệnh xuất phát từ thói quen vô tình thường ngày.

Chị H. cho biết, chị có thói quen ăn rau sống và thường xuyên tiếp xúc với chó mèo. Qua xét nghiệm tìm giun sán cho kết quả dương tính với giun đũa, giun tròn, giun lươn, giun đũa chó mèo, sán lá gan lớn và sán lá gan nhỏ. Bệnh nhân được chẩn đoán xác định tổn thương gan, lách, phổi, theo dõi do ký sinh trùng. Sau đó, bệnh nhân được tư vấn, điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư để tránh biến chứng có thể xảy ra.

Ăn chín, uống sôi, phòng tránh các bệnh do giun sán

TS Trần Huy Thọ - Phó Giám đốc Thường trực Bệnh viện Đặng Văn Ngữ cho biết, bệnh sán lá gan lớn và sán lá gan nhỏ gây áp xe gan khá phổ biến ở Việt Nam. Hiện nay, nhiều người đang vô tình đưa sán lá gan vào người chỉ vì những món khoái khẩu. Người nhiễm bệnh sán lá gan do ăn uống dính phải trứng hoặc ấu trùng nang có trong nước lã, gỏi cá, tôm sống chấm mù tạt, rau mọc dưới nước chưa rửa sạch…

Khi ấu trùng xâm nhập vào mô gan, sán non phát triển thành sán trưởng thành, đẻ trứng trong ống dẫn mật. Trứng được bài xuất theo phân ra ngoài, gặp môi trường nước ngọt ở sông suối, ao hồ… sinh trưởng theo chu kỳ mới.

Nhiễm ký sinh trùng do thói quen ăn thực phẩm tái sốngĐoàn liên ngành của TP Hà Nội kiểm tra cơ sở  kinh doanh, sản xuất rau an toàn tại huyện Thanh Trì.

Bệnh nhân sán lá gan thường có triệu chứng đau tức vùng gan, nổi mẩn, rối loạn tiêu hóa, thậm chí tắc mật, ứ mật, vàng da. Nếu không chẩn đoán và điều trị kịp thời, người bệnh sẽ xuất hiện trạng thái thiếu máu, gan bị xơ hóa, tăng huyết áp tĩnh mạch cửa và suy kiệt dần.

TS Trần Huy Thọ cũng cho hay, thói quen ăn rau sống và uống nước có nguồn từ ao, hồ là một trong những nguyên nhân của tình trạng nhiễm giun, sán. Thực tế, nhiều người có thói quen ngâm rau sống trong nước muối để tiêu diệt giun, sán. Nhưng đây là cách hiểu chưa đúng. Ngâm nước muối không phải để sát khuẩn rau, mục đích chính là tạo môi trường để trứng giun, sán nổi lên.

Chuyên gia khuyến cáo, người dân hạn chế ăn rau sống; cần ăn chín uống sôi. Đặc biệt, mỗi gia đình tránh ăn sống các loại rau trồng dưới nước như cần, ngổ, muống, cải xoong, ngó sen…

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội khuyến cáo, khi mua rau, người dân nên lựa chọn rau còn tươi, nguyên vẹn, không bị trầy xước, dập nát hay héo úa; chọn các sản phẩm có bao gói, thùng chứa, dây buộc hợp vệ sinh; nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng…

Để phòng tránh các bệnh lý do giun sán gây nên, các chuyên gia y tế cũng lưu ý, người dân không nên ăn các loại cá, ốc chưa được nấu chín kỹ dưới mọi hình thức. Đồng thời rửa tay trước khi ăn, chế biến thức ăn; sau khi đi vệ sinh, tiếp xúc với phân, rác thải...

Ngoài ra, các gia đình nên giữ môi trường sống sạch sẽ, ăn uống hợp vệ sinh; hạn chế thả rông lợn, nếu nuôi lợn phải tuân thủ những quy trình xử lý phân, hay ngăn cách địa điểm nuôi với môi trường sống; tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần. Nếu nghi ngờ nhiễm bệnh, người bệnh phải đến cơ sở y tế để khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Việc ăn những món tái, sống là nguyên nhân đưa các loại giun sán thâm nhập vào cơ thể. Sau đó, chúng có thể di chuyển theo đường máu tới não, cơ và gây bệnh

Nếu sán cư trú trong não (thường gặp ở 60 - 96% trường hợp), có thể dẫn đến các nhóm bệnh thần kinh như nhức đầu (48,4%), động kinh (6,2%), rối loạn tâm thần (5,2%), rối loạn thị giác (15,6%), suy nhược cơ thể - giảm trí nhớ (28,1%), co giật cơ (34,3%). Ngoài ra, thể ấu trùng dưới da và trong cơ chiếm 18,57%, chủ yếu ở cơ hoành, cơ lưỡi, cơ delta, vùng thân, vùng chi và cổ, dưới da đầu.

Bác sĩ Lê Văn Thiệu - Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư